"Ông" gạo quê tôi

Bên cạnh hương bưởi và màu hoa xoan tím, thì cây gạo là đặc trưng của làng quê Việt Nam từ miền núi đến đồng bằng. Tháng ba, mùa hoa gạo nở gợi nỗi niềm nhung nhớ của những người con xa quê, nhất là những người sống xa Tổ quốc.

244735860-3780438475515320-1057764014434868299-n-1634476474.jpg

Làng tôi có một cây gạo cổ thụ. Mùa xuân, hoa gạo rực đỏ cả một góc trời, đúng như câu thơ của Đào Mạnh Thạnh đã viết:

"Tháng ba về hong nắng vàng rực rỡ

Cây gạo ven đường hoa đỏ lên ngôi

Hương bưởi xưa bao quyến luyến bồi hồi

Hoa xoan tím lạc trôi miền nhung nhớ"...

Bên cạnh hương bưởi và màu hoa xoan tím, thì cây gạo là đặc trưng của làng quê Việt Nam từ miền núi đến đồng bằng. Tháng ba, mùa hoa gạo nở gợi nỗi niềm nhung nhớ của những người con xa quê, nhất là những người sống xa Tổ quốc. Thủa nhỏ, lũ trẻ con trong xóm, mỗi lần hoa gạo nở thường tụ tập dưới gốc gạo chơi, khi những cánh hoa rơi xuống, chúng nhặt một cành hoa tươi mới mút mát để thưởng thức cái vị là lạ, vừa đắng chát vừa thanh ngọt của hoa. Được biết, cây gạo là một loại dược liệu, vỏ, rễ, hoa và hạt cây gạo chữa được nhiều bệnh do viêm nhiễm, giải độc... Ngày trước, khi trẻ bị nhọt, người ta lấy hoa gạo tươi, giã nát đắp lên sẽ đỡ đau nhức. Cây tầm gửi trên cây gạo cũng là một vị thuốc dân gian quý mà bà con Tam Nông, tỉnh Phú Thọ biết cách để tạo ra một đặc sản kinh tế riêng có ở vùng quê mình.

Nông thôn đang đổi thay hàng ngày, những nếp nhà mái ngói đỏ tươi tượng trưng cho sự trù phú một thời, thì nay đã nâng cấp bằng mái bê tông, với nhiều căn hộ cao tầng, biệt thự mọc lên. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường để ô tô có thể đi vào được làng. Những con đường bê tông hóa, lát gạch hoặc trải nhựa do Nhà nước và người dân tự làm như một minh chứng của nông thôn mới... Nhưng cây gạo đầu làng thì vẫn đứng đó, hiên ngang, sừng sững giữa đất trời bao la, như một chứng tích của thời gian. Không ai muốn làm tổn thương không gian sinh tồn của gạo. Bởi cây luôn có một chỗ đứng trong tâm thức của người làng quê tôi! Trân trọng đến mức, người ta còn uốn nắn cách xưng hô của con trẻ, với một danh xưng đầy kính trọng: "Ông gạo"

Nghe nói, ông gạo đã sống gần một thế kỷ ở làng này. Chuyện kể rằng, thời Chính phủ Cụ Hồ thành lập, trong làng có hai thanh niên chuẩn bị vào quân ngũ, trước lúc rời làng ra đi, họ đã trồng cây gạo để nhỡ có "đi xa" mãi mãi, thì người làng vẫn nhớ về hai ông như một kỷ niệm về những người con của làng! Cũng phải thôi, cái thời mà chiến tranh ác liệt, tàn khốc đến vậy; bao thanh niên từ làng ra đi không hẹn ngày trở lại; có người đã hy sinh đâu đó mà chẳng có một tin báo về; có người biệt tăm, biệt tích... nên suy nghĩ, muốn để lại một kỷ niệm nào đó ở làng cũng là điều dễ hiểu. Ngày thường, cuộc sống với bao hối hả của lo toan, bận rộn; ông gạo vẫn đứng đó đó rất thân quen mà bình dị. Nhưng khi hoa gạo đỏ rực, thì một cảm giác nâng nâng ùa đến làm xao xuyến lòng người. Ai vô tâm nhất đi qua cũng ngước mắt nhìn ông gạo để ngắm chiếc "mũ đỏ" sặc sỡ đội trên đầu ông. Người sâu lắng thì nhìn ông gạo trào dâng cảm xúc, như đang nhớ về một điều gì đó xa xăm trong quá khứ... Thanh niên trong xóm, ngoài làng cũng rủ nhau tới gốc ông gạo để "chếch in", chụp ảnh cúng "phây". Chúng khoe và tự hào về ông gạo của xóm mình, làng mình, xã mình. Cây gạo bây giờ trở thành một cây cổ thụ đánh dấu sự già nua của tuổi tác làm "ông". Gốc gạo ngày một phình to và thô ráp. Cũng đúng mà, ông gạo đã chứng kiến bao sự thay đổi thăng trầm của làng, chứng kiến bao biến thiên của lịch sử đất nước. Ông đứng đó như ngóng đợi những người trai ra đi; mừng vui đón chào người trở về và đáu đáu với những người chưa biết còn hay mất?

... Nhiều năm lại đây, cứ vào tháng 3, khi hoa gạo nở đỏ, mọi người thấy một tốp người về làng. Sau khi vào thăm nhà bà con trong xóm, họ ra thăm ông gạo và chụp ảnh lưu niệm bên ông. Nghe nói, đây là con, cháu của một trong hai trai làng trước đây đã trồng cây gạo này năm xưa. Vào bộ đội, đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người thanh niên khi ấy tiếp tục ở lại quân đội và được được điều chuyển sang công tác tại một trường đào tạo sĩ quan đóng quân tại Sơn Tây. Tại đây, chàng trai quê lúa đã kết duyên với cô thôn nữ xứ Đoài. Cuộc đời quân ngũ khiến ông khó có sự lựa chọn khác, Sơn Tây trở thành quê hương thứ hai của ông, nơi ông cùng bà quyết định sinh sống lâu dài. Nghỉ hưu, cũng là lúc phải trở về với tổ tiên, ông có di nguyện muốn nằm lại quê vợ để được gần vợ con. Còn phần hồn, chắc là ông đang bay bỗng lãng du, lúc quê này, mai quê khác?!

Họ hàng tại quê ông giờ chỉ còn những người bà con xa, nhưng con cháu ông vẫn đều đặn về thăm quê cha, nhất là gần ngày giỗ ông. Bởi dù ông đã xa quê, xa làng, nhưng hình bóng của một thời thanh niên sôi nổi vẫn còn đâu đó, nhất là khi con cháu ông được đứng bên gốc gạo do chính cha, ông mình đã trồng năm xưa.

 

Theo Chuyện Làng quê