Và rồi, sau nhiêu năm sống trong nỗi dày vò ấy, một ngày, người lính Mỹ tên Rich Luttre đã quyết định trở lại Việt Nam để tìm lại gia đình của người trong tấm ảnh. Và một cái kết có hậu cho nỗi đau từ phía sau cuộc chiến. Rich Luttre đã quyết định gửi một bức thư, cùng tấm ảnh và bài báo đăng tải tấm hình này trên tờ St. Louis Post Dispatch cùng lời giải bày nguyện vọng của mình cho ông Lê Văn Bàng, Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Washington. Trong thư, Rich giải thích với ông Đại sứ, rằng ông muốn được Nhà nước Việt Nam giúp đỡ để tìm ra cô gái và gia đình người lính trong tấm ảnh kia: “Ngày ấy, tôi mới 18 tuổi. Tôi là lính thuộc Đại đội A, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn Kỵ binh bay số 101 của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Đầu năm 1967, trên đường mòn ở Chu Lai, tôi đã mặt đối mặt với một người lính dũng cảm của đất nước ngài. Tôi đã c*ướp đi mạng sống của người lính đó và cho đến ngày nay, tôi luôn mang trong mình nỗi đau và tội lỗi về hành động của mình. Hơn 22 năm, tôi đã giữ tấm ảnh của anh ta chụp với con gái. Tôi đoán là như vậy. Tôi mặc cảm về tội lỗi vì đã g*iết anh ta. Nó luôn ám ảnh tôi giống như một căn bệnh ung thư gặm nhấm trái tim và trí não tôi. Tôi cầu xin sự tha thứ và cúi đầu xin ngài giúp tôi tìm lại sự thanh thản để tôi có thể tiếp tục quãng đời còn lại...”.
Viết thư trả lời, Đại sứ Lê Văn Bàng hứa sẽ chuyển bài báo cho các cơ quan chức năng ở Hà Nội một cách nhanh nhất. Rich, nói: “Giống như tìm kiếm một cây kim trong đống rơm. Việt Nam là một quốc gia có 80 triệu dân nên tôi chẳng hy vọng nhiều lắm nhưng tôi vẫn phải làm vì đây là trách nhiệm của tôi”. Tấm ảnh chụp hai cha con người lính Quân giải phóng trên tờ St. Louis Post Dispatch được một tờ báo xuất bản tại Hà Nội đăng lại với dòng chữ vắn tắt: “Có ai biết họ không?”. Một người dân Hà Nội gửi một món quà về quê biếu mẹ đã dùng tờ báo đăng tấm ảnh này làm giấy gói. Bà mẹ khi nhận được món quà trong tờ báo nhàu nát, vẫn nhận ra người trong tấm ảnh. Lập tức, bà tìm đến một gia đình, báo cho hai chị em của gia đình này biết rằng đây là cha họ.
Vài tuần sau, một lá thư từ Đại sứ Lê Văn Bàng được gửi tới hộp thư của Rich. Lá thư viết: “Có một người tên là Nguyễn Văn Huệ viết thư cho chúng tôi, nói người trong ảnh chính là cha ông ta, còn cô gái là chị ông ta. Hiện nay chị em ông ta đang sống ở thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang”. Rich nói: “Ba mươi năm sau khi thấy tấm ảnh lần đầu, cuối cùng tôi biết cô gái ấy còn sống”. Rất xúc động, nhưng Rich vẫn băn khoăn rằng những người này có thù ghét ông vì ông đã giết cha họ không. Tuy nhiên, Rich không có thời gian suy nghĩ về phản ứng của chị em Nguyễn Văn Huệ vì lần lượt ông nhận được 4 lá thư, thư nào cũng khẳng định người trong ảnh là cha họ. Rich nói: “Tôi hoang mang lắm, chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai”. Nhưng rồi có một lá thư nữa - từ một đồng đội của người lính trong ảnh - đoán chắc anh bộ đội trong ảnh là cha của Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Văn Huệ vì ông và người chết chơi thân với nhau từ bé, cùng đi bộ đội và cùng chiến đấu bên nhau. Rich nói: “Tôi biết đây là sự thật vì nếu không có mặt ở chiến trường lúc ấy thì không thể kể lại một cách chi tiết được. Sau nhiều thư từ trao đổi với gia đình cô Lan, tôi quyết định sẽ trả lại cho cô tấm ảnh”. Thoạt đầu, Rich định gửi bằng thư nhưng rồi ông hiểu, chỉ có thể chuộc lại lỗi lầm bằng cách bay sang Việt Nam, tận tay đưa tấm ảnh cho Lan.
Vậy là sau tất cả, Rich cùng vợ là Carole lên máy bay. Đối với ông, cuộc hành trình này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một kết thúc, kéo dài đã 33 năm. Đó là hôm thứ tư tại Hà Nội. Trời có vẻ sắp mưa trong lúc vợ chồng Rich bước lên một chiếc xe Van để đến ngôi làng cô Lan đang sống. Chiếc xe chạy qua những vùng xa lạ, với những con mắt nhìn theo hai người Mỹ già, tóc bạc trắng. Rich nói: “Tôi căng thẳng lắm. Tôi không biết cuộc gặp gỡ sẽ như thế nào. Họ có chửi tôi, có nguyền rủa tôi không. Tôi thà phải ra trận một lần nữa còn hơn là chịu đựng những cảnh này”. Càng gần tới làng, Rich càng bồn chồn. Rồi bỗng nhiên, chiếc xe dừng lại. Trong giây lát, Rich biết đây là nơi người lính ấy từng sống nhưng đã không bao giờ trở lại. Vợ chồng ông xuống xe, theo người hướng dẫn bước qua bức tường đá. Ông nhìn thấy một phụ nữ. Mặc dù đã hơn 33 năm nhưng Rich tin chắc người phụ nữ ấy chính là cô bé trong bức ảnh vì đôi mắt u buồn không lẫn vào đâu được. Phải mất một lúc, Rich mới dám bước về phía người phụ nữ. Trong vài giây, họ nhìn nhau, im lặng rồi Rich nói một câu tiếng Việt mà ông đã học thuộc lòng: “Hôm nay tôi trả lại tấm ảnh của cô và cha cô mà tôi đã giữ 33 năm. Tôi lấy tấm ảnh này từ ví của cha cô vào ngày tôi bắn chết ông ấy. Xin tha thứ cho tôi”. Rồi đột ngột, cả hai ôm lấy nhau và cả hai cùng khóc trong lúc dân làng đổ ra, chuyền tay nhau xem tấm ảnh trả lại. Cô bé trong tấm ảnh năm xưa nay đã 40 tuổi, và cha cô - người đã bị Rich Luttrell bắn chết tên là Nguyễn Trọng Ngoạn.
Rich kể: “Cô Lan đưa tôi vào nhà, đặt tấm ảnh lên bàn thờ rồi thắp nhang. Sau đó, cô ấy đưa mấy nén nhang cho tôi. Tôi vái lạy người lính mà tôi đã giết cùng vợ của ông ấy, người phụ nữ đã vì tôi mà mòn mỏi đợi chồng suốt hơn 30 năm cho đến khi lìa đời. Thông qua người phiên dịch, tôi kể cho cô Lan nghe về phút cuối cùng của cha cô ấy, rằng đó là một người lính can đảm và anh hùng. Ông ta đã không bắn tôi khi ông ấy có thể. Tôi rất tiếc”. Rich và Nguyễn Thị Lan lại ôm nhau khóc, và cả bà Carole, vợ ông cũng khóc. Những giọt nước mắt thể hiện sự tha thứ của Lan đối với ông. Cũng đến lúc ấy, Rich Luttrell mới biết liệt sĩ Nguyễn Trọng Ngoạn chỉ nhìn thấy con trai mình là Nguyễn Văn Huệ - em ruột Lan - một lần duy nhất lúc Huệ mới 6 tháng tuổi khi ông về thăm nhà trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Rich Luttrell nói: “Vài giờ sau đó, tôi gần như là một thành viên trong gia đình Lan. Tôi gặp lại đồng đội của ông Ngoạn, chúng tôi trao đổi những kỷ niệm chiến tranh như thể chúng tôi là bạn bè”. “Đến đây đã khó…” - Rich nói – “Mà từ giã nơi đây cũng quá khó”... Ba mươi ba năm trước, Rich đi nửa vòng trái đất tới quốc gia này để chiến đấu vì một mục đích mơ hồ, là ngăn chặn bước tiến của Cộng sản. Còn hôm nay, ông trở lại để tìm hòa bình bằng một tấm ảnh. Trước khi trao nó cho Lan, ông đã nghĩ đến một nghi thức trang trọng theo kiểu Mỹ nhưng cuối cùng, chỉ với những giọt nước mắt, ông hiểu rằng Lan đã tha thứ cho ông.
Trong sổ lưu niệm, Rich viết: “Biết bao nhiêu lần qua năm tháng, tôi đã ngắm nhìn bức ảnh về anh và người con gái, chắc là con anh. Mỗi lần như thế, tim tôi và họng tôi lại cháy bỏng vì đớn đau, tội lỗi. Giờ đây, chúng ta không còn là kẻ thù của nhau. Hãy tha thứ cho tôi, thưa anh, tôi hứa sẽ sống cho ra sống cả phần đời còn lại của mình, cuộc sống mà anh và nhiều bạn bè anh đã bị tước đoạt mất...”. Vết thương đã kín miệng, nhưng Rich Luttrell vẫn không ngừng tự hỏi, rằng làm thế nào mà gia đình Lan cùng người dân trong làng lại dành cho ông nhiều cảm tình như thế khi mà ông đã giết một người của họ. Làm thế nào mà bằng ấy năm đau khổ lẫn căm thù, rồi tất cả đều biến mất một cách giản dị. Rich nói trong nước mắt: “Phải rất lâu nữa, tôi mới học được sự nhân hậu của người Việt Nam”.
Theo Trái tim Người lính