Phẩm giá con người, trong và sau đại dịch

(Chinhphu.vn) - Trong vài tháng qua, khi cả thế giới quay cuồng đối phó với đại dịch, thì bên cạnh những câu chuyện buồn, vẫn ngời sáng nhiều ví dụ về phẩm giá con người khi đối mặt với thứ virus chết chóc.

Bức ảnh gây xúc động về đội ngũ hậu cần phục vụ chống dịch tại TPHCM. - Ảnh: Phương Thanh

Dưới một giác độ nhất định, đại dịch như một thứ thuốc thử liều cao đối với nhân loại. Tất nhiên, trước một biến cố quá lớn làm chết rất nhiều người, không tránh khỏi những phản ứng hoảng sợ, lo lắng và đôi lúc có những nơi là sự hoảng loạn.

Phản ứng thường thấy ở bất cứ châu lục, dân tộc, quốc gia nào cũng là tâm lý lo ngại và vội vã tích trữ nhu yếu phẩm. Khi virus “gõ cửa” nơi nào, cũng là lúc ở đó “cơn bão” mua sắm sẽ quét qua những siêu thị, trung tâm thương mại bất chấp những trấn an, khuyến cáo đến từ chính quyền sở tại.

Cùng với đó, tâm lý sợ hãi khiến người dân mất đi sự bình tĩnh vốn có, và đôi lúc cũng đã có những hành xử xấu xí, trái ngược với những hình ảnh vốn mặc định được coi là thuộc về những phẩm chất của một cộng đồng hay dân tộc nào đó. Câu chuyện hai người dân Nhật Bản tranh giành nhau giấy vệ sinh dẫn đến màn ẩu đả là một ví dụ như thế. Một dân tộc nổi tiếng với tinh thần thượng mã với cách ứng xử  điềm tĩnh nhân văn trong thảm họa kép sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân giờ đây vẫn có “hạt sạn” trong cách ứng xử không đẹp.

Và xấu xí hơn, đâu đó ở vài quốc gia, vẫn có tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bằng tăng giá khẩu trang, nhu yếu phẩm.

Nhưng trên tất cả, trong bức tranh toàn nhân loại vẫn có những ánh sáng từ phẩm giá con người trong cách cư xử với nhau giữa cơn đại dịch. Đó là những bác sĩ chấp nhận rủi ro để truyền đi thông điệp cảnh báo loại virus mới chết người, và bất chấp hiểm nguy, vẫn tiếp tục sống, làm việc, chiến đấu với bệnh tật để làm tròn sứ mệnh cao quý của mình cho đến khi chính họ bị con virus đó quật ngã và mãi mãi ra đi…

Ở nước Ý – nơi dịch bệnh đã cướp đi nhiều sinh mạng nhất, linh mục Giuseppe Berardelli (72 tuổi), sống tại thị trấn Casnigo ở tỉnh Bergamo, vùng Lombardy miền bắc đất nước, đã ra đi khi ông nhường lại chiếc máy thở của mình cho bệnh nhân khác nặng hơn.

Dưới giác độ y học, đương nhiên mọi bộ phận cơ thể đều quan trọng, nhưng ưu tiên hàng đầu với sự sống cơ thể chính là hệ hô hấp. Khi cơ thể không thể tự hô hấp, cái chết sẽ đến rất nhanh và đau đớn trong lúc ý thức về cơ bản vẫn tỉnh táo.

Trước lằn ranh sự sống và cái chết, vị linh mục đã nhường lại máy thở, nhường lại cơ hội sống cho đồng loại. Hành động của ông không chỉ đơn thuần là một sự hy sinh thông thường mà chắc chắn nó đã được trở thành phương châm sống của ông, từng giờ từng phút ông sẵn sàng cho sự hy sinh đó và khi có “cơ hội” nó chứng minh một cách rõ ràng nhất cho lý tưởng của mình.

Ở đất nước vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam cũng đang có những người sát cánh cùng lực lượng y bác sĩ chống dịch. Đó là những người như bà Mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi, nhiều năm may quần áo cho người nghèo, mùa dịch lại  may khẩu trang miễn phí cho cộng đồng. Đó là những y bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm chiến đấu với virus, giành giật lại mạng sống cho người bệnh. Đó còn là nhiều, nhiều những tấm gương sẻ chia, đóng góp, chung tay tiền của và sức lực, sự động viên… cho cộng đồng trước cơn bão táp.

Truyền thông đã đăng tải nhiều câu chuyện và hình ảnh như vậy. Chỉ trong ngày 20/3, bức ảnh giấc ngủ ngoài trời của những người chống dịch  chụp đội ngũ hậu cần phục vụ phòng chống dịch tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM đã gây rung động mạnh mẽ, lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Thế giới sẽ vượt qua dịch bệnh bởi cuộc sống con người vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Chính những điều tử tế ấy đã định hình nên những phẩm chất người mà nếu không có chúng, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân sẽ rất khó để tiếp tục tồn tại một cách xứng đáng và ý nghĩa.

Đại dịch là một thảm họa mà cả nhân loại cần cấp bách ứng phó, nhưng sau cơn bĩ cực này, liệu mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và cả nhân loại có nên nhìn lại chính mình để suy ngẫm và tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề của nhân sinh? Chắc chắn, niềm tin vào phẩm giá và điều tốt đẹp của con người sẽ nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách.

Quang Lê