Phát huy những giá trị văn hóa các khu dự trữ sinh quyển theo hướng bền vững

Tối 15/9 (giờ Việt Nam), Núi Chúa (Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (Gia Lai) đã chính thức được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới ngay tại Kỳ họp trực tuyến lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển (Nigeria), nâng tổ số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam lên 11 khu.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đây là niềm vinh dự và tự hào lớn của Ninh Thuận, Gia Lai nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đi cùng với đó là trách nhiệm ứng xử của các địa phương với danh hiệu ý nghĩa này, là trách nhiệm của từng người dân với sự phát triển của thiên nhiên.

Phát huy những giá trị văn hóa các khu dự trữ sinh quyển theo hướng bền vững
Thiên nhiên tươi đẹp và sinh động ở khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.

Những giá trị văn hóa đặc biệt

Núi Chúa và Kon Hà Nừng là hai khu dự trữ sinh quyển thế giới chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.

Được biết đến là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á, khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa với 1 vùng lõi là Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích là 106.646,45 ha.

Hệ sinh thái rừng ở khu vực đề cử có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites- thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái đất.

Một trong những điểm đặc biệt của Vườn quốc gia Núi Chúa là khu vực này có khí hậu khô nóng không kém nhiều nơi ở châu Phi (nhiệt độ cao nhất xấp xỉ 42 độ C). Vì vậy, nơi đây còn được biết đến với cái tên "Rừng khô Phan Rang".

Trong khi đó, khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích 413.511,67ha, gồm 2 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên.

Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Núi Chúa
Trong khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng có nhiều hệ thác đẹp, là điểm du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn. (Nguồn: TTXVN)

Các khu dự trữ sinh quyển khi được công nhận sẽ là mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học…

Đồng thời, những khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đều có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.

Phát huy giá trị danh hiệu

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, việc hai khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận thể hiện rõ nét những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Việc hai khu dự trữ sinh quyển vừa được công nhận cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Không chỉ người dân Việt Nam mà cả các du khách trên thế giới sẽ biết nhiều hơn về Ninh Thuận và Gia Lai; từ đó, hiểu rõ hơn về Việt Nam không chỉ là một đất nước phát triển năng động, mà còn là đất nước phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Núi Chúa
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang trả lời phỏng vấn báo chí về việc Núi Chúa và Kon Hà Nừng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, ngày 16/9. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị hồ sơ, vận động UNESCO công nhận hai khu dự trữ sinh quyển này, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các địa phương Ninh Thuận và Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, vận động UNESCO. Điều này cho thấy các địa phương hết sức coi trọng công tác hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nói riêng.

Việc Núi Chúa và Kon Hà Nừng được ghi danh là khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng cho thấy, đây là giải pháp đột phá để đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thể hiện rõ nét sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Gia Lai.

Chính vì vậy, Thứ trưởng mong muốn, Bộ Ngoại giao với hai tỉnh trên sẽ tiếp tục duy trì hợp tác nhằm triển khai hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định trong thời gian qua.

Thời gian tới, hai địa phương Ninh Thuận và Gia Lai cần xác định rõ, việc bảo vệ, duy trì cũng như phát huy những giá trị của các khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng là rất cần thiết.

“Đây không chỉ là danh hiệu của Việt Nam mà còn là của thế giới. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ những giá trị của khu dự trữ sinh quyển không chỉ cho đất nước ta mà còn cho thế giới, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả thế hệ tương lai”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang khẳng định.

Thứ trưởng cũng đề nghị hai tỉnh Ninh Thuận và Gia Lai cần đưa ngay việc phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị của Núi Chúa và Kon Hà Nừng vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhằm "duy trì giá trị khu dự trữ sinh quyển này theo hướng bền vững".