PV. GS-TS Bùi Quang Thanh là người đã xem bộ phim này đến hai lần, GS có bất ngờ khi bộ phim này không đoạt giải ở Liên hoan phim lần thứ 22?
GS-TS Bùi Quang Thanh: Tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Huế, phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” được nhiều nhà văn hóa và công chúng kỳ vọng về một tác phẩm “nặng ký” về cả nội dung lẫn nghệ thuật… Ấy vậy mà khi, Liên hoan phim khép lại, cái tên phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đã không được Ban tổ chức và Ban giám khảo nhắc đến trong đêm Bế mạc Liên hoan phim. Bản thân tôi cũng lấy làm tiếc cho một tác phẩm phim tài liệu nghệ thuật có sự “tiên phong” về hình thức thể hiện mà không được ghi nhận.
Tôi đã xem bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” đến lần thứ hai cũng là để tự trải nghiệm cảm giác vì sao qua 180 phút mà bộ phim vẫn làm mình xúc động và có chút đắm say đến vậy! Đã có một số phim tư liệu về Thi hào Nguyễn Du ra đời, nhưng phải đến bộ phim có dung lượng đồ sộ này, tôi mới cảm nhận được sức lay động, cuốn hút từ những thông điệp văn hóa gửi gắm qua từng thước phim theo thể tài mới lạ ở Việt Nam: Phim tài liệu truyện - nghệ thuật. Thành công xuất sắc của một bộ phim tài liệu nghệ thuật bắt nguồn từ sự cẩn trọng, kỳ công xây dựng kịch bản, kỳ công lựa tìm diễn viên, kỳ công tìm chọn bối cảnh ghi hình cùng sự đồng vọng, ủng hộ của các cấp lãnh đạo của chính quyền các tỉnh Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình và cộng đồng dân chúng. Từng lời thoại của các nhân vật dường như không nằm ngoài ý tưởng hay chính lời thơ của Nguyễn Du. Hợp lý và sâu sắc, sinh động đến thú vị. Gần ba năm đầu tư sức lực, kinh phí để làm một bộ phim tâm huyết của chủ đầu tư, đạo diễn, cùng nhóm xây dựng kịch bản và dàn diễn viên tài năng đã được đáp ứng bằng thành quả nghệ thuật đáng trân trọng này. Cứ nghĩ rằng, dường như mỗi người Việt Nam đã và đang có một chân dung Nguyễn Du trong tâm trí mình, tưởng đã quá ư quen thuộc, nhưng đến với bộ phim đồ sộ này, chắc chắn vẫn nhận được cái mới lạ, hấp dẫn và nhiều điều bổ ích vô giá khác.
PV. GS-TS cónghĩrằngvìbộphimtàiliệunày“đitrướcthờiđại” nênkhôngđượcgiải?
GS-TS BùiQuangThanh: Ở Việt Nam, loại phim tài liệu – nghệ thuật là một thể loại mới lạ, nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia sản xuất loại phim này để vinh danh các danh nhân của họ đã xuất hiện lâu rồi. Hiện nay, trên kênh Netflix đang phát nhiều phim tài liệu lịch sử như phim “Đế chế La Mã”, “Thời đại Samurai”, “Nga Hoàng cuối cùng”... Phim được làm theo phương pháp tài liệu có phục dựng bối cảnh, có diễn viên diễn xuất. Còn truyền hình Việt Nam cũng đã làm phim tài liệu – truyện như phim “Bạch Đằng Giang vang vọng đức Ngô Quyền” đã phát sóng trên VTV1, trong phim có diễn viên đóng vai Ngô Quyền cùng nhiều tướng lĩnh...Vậy nên cũng không thể nói rằng “phim đi trước thời đại”…
PV. Có dư luận cho rằng một thành viên trong Ban giám khảo nói: “Phim rất hay, rất xúc động, tư liệu và dàn dựng công phu, có giá trị nghệ thuật, nhưng phim không thuộc thể loại nào. Đặc biệt, phim chỉ quay qua dàn dựng, có diễn viên thì không chân thực bằng quay trực tiếp. Vì thế khó đánh giá, khó vinh danh”. GS-TS có bình luận gì về ý kiến này?
GS-TS Bùi Quang Thanh: Tôi không được trực tiếp nghe câu nói này từ ai nên không dám bình luận, nhưng tôi nghĩ thời cụ Nguyễn Du cách đây đã hơn 200 năm, vậy lấy đâu cảnh “người thật việc thật” mà quay trực tiếp? Tôi cũng không nghĩ rằng Ban Giám khảo lại không đưa phim này vào thể loại nào, vì khi đã có phim đăng ký dự liên hoan là Ban Giám khảo phải xếp nó vào nhóm nào rồichứ !…
PV. Trước khi tham dự Liên hoan phim lần thứ 22, bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đã được trình chiếu tại Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào. Đồng thời tại một số cuộc hội thảo khoa học về bộ phim này đã được nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, các nhà “Kiều học”, nhà thơ, nhà văn ở Trung ương và địa phương tham gia, đóng góp nhiều ý kiến phản hồi có hàm lượng trí tuệ và văn hóa nghệ thuật cao, sâu sắc.Là người tham gia những cuộc hội thảo đó, GS có bình luận gì?
GS-TS Bùi Quang Thanh: Tôi có tham dự các cuộc Hội thảo này và được nghe các đại biểu đánh giá về chất lượng nội dung và nghệ thuật của bộ phim, trong đó tôi rất đồng tình với ý kiến của PGS.TS – Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. PGS-TS Đỗ Hông Quân nhận định: “Đây là một công trình rất công phu, trong đó chứa đựng hàm lượng văn hóa rất cao. Đây là công trình nghệ thuật mang tính tập thể, ở đó chọn lựa được rất nhiều chi tiết, chọn lựa được những khúc thời gian của lịch sử đất nước dân tộc gắn liền với Đại thi hào Nguyễn Du từ thuở thiếu thời đến khi từ giã cõi đời. Tôi nghĩ đây là tác phẩm có ý nghĩa rất tốt trong thời đại ngày nay, đề cao vai trò của văn hóa. Về âm nhạc rất tốt, nhẹ nhàng, phù hợp với diễn biến và khung cảnh phim”.
Tôi cũng đặc biệt cảm phục TS Phạm Xuân Mừng, nhà đầu tư hơn chục tỷ đồng cho bộ phim chỉ vì:“ Muốn làm một việc gì đó để tưởng nhớ đến Cụ - Đại thi hào dân tộc Việt Nam và Danh nhân văn hóa thế giới. Và thông qua bộ phim muốn gửi đến mọi người một thông điệp: “Hãy quan tâm hơn đến văn hóa dân tộc, đến những giá trị văn hóa cốt lõi”. Vậy mà bộ phim không được ghi nhận ở khía cạnh nào –đấy là một điều đáng tiếc khi chúng ta đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa ngành văn hóa để có được nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ công chúng.
PV.Tuy không được giải ở liên hoan nhưng GS-TS có nghĩ rằng bộ phim này sẽ được công chúng đón nhận khi phát hành rộng rãi?
GS-TS BùiQuangThanh: “ Hữu xạ tự nhiên hương”, với nội dung hấp dẫn lại mang tính nghệ thuật cao, chắc chắn bộ phim này sẽ được công chúng đón nhận. Đặc biệt nếu được phá thành rộng rãi trong hệ thống nhà trường thì phim càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn…
PV. Xin cảm ơn GS-TS Bùi Quang Thanh!