Trao đổi với phóng viên Báo Hànội mới xung quanh vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu sẽ tạo nền tảng quan trọng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội.
Xây dựng Bộ tiêu chí gồm 14 tiêu chí, 40 chỉ tiêu
- Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu có ý nghĩa như thế nào với công tác xây dựng nông thôn mới của Hà Nội và đâu là cơ sở để thành phố triển khai mô hình này, thưa ông?
- Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu là khu dân cư đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Có quy hoạch; có hệ thống hạ tầng hoàn thiện; không có hộ nghèo; vườn của mỗi gia đình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đẹp, sản xuất ra nông sản an toàn; nhà ở không chỉ khang trang mà còn có thêm cổng ngõ đẹp...
Kết luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tổ chức vào tháng 5-2018, với cương vị khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các địa phương trên địa bàn chủ động triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó phát huy vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp...
Mặt khác, điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của thành phố đối với các xã, huyện sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Để tạo “hành lang” pháp lý cho việc triển khai, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7314/QĐ-UBND ngày 26-12-2019 về Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020 (gọi tắt là Quyết định số 7314).
- Việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu đã được một số nơi thực hiện và thu được những thành công đáng ghi nhận. Hà Nội liệu có học hỏi, áp dụng được mô hình của các tỉnh, thành phố khác hay không, thưa ông?
- Chúng tôi đã tìm hiểu việc thực hiện mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tại Hà Tĩnh và nhiều tỉnh, thành phố khác. Trên cơ sở tham khảo những kinh nghiệm, tiếp thu các bài học từ nhiều địa phương trên cả nước, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn ở Hà Nội, kết hợp với quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đã ban hành Bộ tiêu chí riêng của Hà Nội như đã nói ở trên. Nội dung thực hiện Bộ tiêu chí này bao hàm 14 tiêu chí, 40 chỉ tiêu từ quy hoạch, hạ tầng kinh tế xã hội, đến tổ chức sản xuất, rồi vườn và nhà ở hộ gia đình, văn hóa xã hội, môi trường, hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội, chấp hành pháp luật, quy ước làng...
- Được biết, trước khi Hà Nội ban hành Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020, một số địa phương như các huyện Ba Vì, Phúc Thọ đã chủ động xây dựng thí điểm mô hình này. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Đúng vậy! Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, một số huyện trên địa bàn thành phố như: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng đã chủ động xây dựng thí điểm mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu bám theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai của các địa phương này chưa gắn với các tiêu chí một cách đồng bộ đối với việc phát triển toàn diện ở khu dân cư. Vì vậy, để thống nhất chỉ đạo và triển khai, Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí chung, tạo điều kiện để các huyện, thị xã... căn cứ thực hiện.
- Thực hiện khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu ở Hà Nội có những đặc thù riêng. Theo ông, Hà Nội sẽ gặp khó khăn gì và sẽ làm gì để tháo gỡ?
Nông thôn Hà Nội có đặc thù “đất chật, người đông” nên để xây dựng được các vườn mẫu, nhà ở dân cư (tiêu chí số 7) trong Bộ tiêu chí chắc chắn sẽ khó khăn. Theo tiêu chí số 7, vườn hộ gia đình sẽ được trồng các cây phù hợp, có áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm cảnh quan đẹp; đối với nhà ở, có hàng rào cổng ngõ bằng cây xanh hoặc tường bao được bố trí chậu hoa, cây xanh; cổng ngõ được xây dựng sạch đẹp; nhà ở có kiến trúc hợp với phong tục tập quán, nét văn hóa địa phương... Trong khi đó, các hộ gia đình ở ven đô Hà Nội có diện tích vườn và nhà không nhiều nên việc thực hiện tiêu chí này là một khó khăn.
Mặt khác, tiêu chí số 12 về thu nhập bình quân đầu người được thành phố xây dựng khá cao. Cụ thể, tiêu chí 12 quy định “Tại thời điểm xét, công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện, thị xã tại năm được đánh giá, công nhận” nên các địa phương phải nỗ lực rất lớn.
Trước những khó khăn trên, đối với vườn mẫu, diện tích đất vườn, đất ruộng của các hộ gia đình đều hạn chế, do đó, thành phố Hà Nội định hướng các địa phương vận động hộ gia đình còn diện tích đất vườn bố trí cây trồng, ao thả cá, chuồng trại chăn nuôi hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan theo hướng xanh - sạch - đẹp, hài hòa với thiên nhiên, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Phát triển các vườn mẫu hiệu quả cũng là giải pháp để nâng cao thu nhập cho nông dân. Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ... để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cần sự đồng thuận, vào cuộc của người dân
- Hà Nội có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ việc thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu? Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ dân, mỗi khu dân cư sẽ làm gì để thể hiện vai trò chủ thể của mình, thưa ông?
- Về việc này, tại Quyết định số 7314, thành phố đã giao: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố hỗ trợ kinh phí hằng năm, giao các địa phương đăng ký xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và hướng dẫn tổ chức thực hiện nguồn kinh phí được giao theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã cũng sẽ bố trí kinh phí thêm cho các xã.
Việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu thực hiện trên địa bàn cấp thôn, do đó Trung ương và thành phố không có chính sách riêng mà thực hiện các cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới và các văn bản có liên quan của Trung ương và thành phố hiện hành để hỗ trợ đối với từng nội dung, tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.
Tuy nhiên, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, có nhiều việc người dân phải nỗ lực chung sức thực hiện như, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập; vệ sinh môi trường; xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp... Ngoài ra, người dân cũng cần tích cực tham gia và có những đóng góp thiết thực vào xây dựng hạ tầng nông thôn, giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hóa của thôn, làng; làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư... Do vậy, để đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu cần có sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của người dân để tạo nên diện mạo nông thôn thực sự là “miền quê đáng sống” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội khu vực nông thôn.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về mục tiêu và kế hoạch của Hà Nội trong việc thực hiện nội dung này trong năm 2020 và các năm tiếp theo?
Tại Quyết định số 7314, thành phố chưa đề ra mục tiêu và kế hoạch cụ thể thực hiện. Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu các huyện, thị xã chỉ đạo các xã rà soát bộ tiêu chí để lựa chọn các thôn, làng, bản, cụm dân cư tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở rà soát, lựa chọn và đăng ký của các địa phương, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ định hướng, đề nghị mỗi huyện, thị xã xây dựng thí điểm mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trong năm 2020, sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm làm cơ sở thực hiện trên diện rộng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và chỉ đạo của thành phố Hà Nội, đến nay Hà Nội có 353/382 xã (chiếm 92,4% tổng số xã) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Mới đây, hai xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) và Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) đã đạt đủ 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định. Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới thành phố Hà Nội đang tiến hành thủ tục trình UBND thành phố ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với hai xã này.