Phong tặng NSƯT, NSND: Đến bao giờ mới ngừng tranh cãi

An Ban

Danh hiệu NSƯT, NSND vẫn nhận được nhiều luồng dư luận quan tâm mỗi lần xét duyệt. Làm sao để những danh hiệu ấy đảm bảo trọn vẹn được giá trị của mình vẫn là nỗi băn khoăn, trăn trở trong suốt thời gian qua.

NSƯT, NSND là ai?

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ nhân dân (NSND) là những danh hiệu cao quý do nhà nước trao tặng cho nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật, phổ biến ở hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước kia. Ở nước ta, danh hiệu này được quy định cụ thể trong Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15, sửa đổi bổ sung ngày 1/1/2024, trong đó theo Điều 66, các cá nhân bao gồm: (a) Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên; (b) Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại (a) nêu trên do Chính phủ quy định.

Xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân” cũng được quy định cụ thể trong Điều 8, Điều 9 của Nghị định 89/2014/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 40/2021/NĐ-CP), trong đó gồm các tiêu chuẩn chung như: Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ; Được tặng giải thưởng của các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước hoặc có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích, đón nhận (được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo sửa đổi tại Nghị định 40/2021/NĐ-CP). 

imagedaidoanketvn-images-upload-vanht-06292023-80-1708822810.jpg
Diễn viên Trung Anh, Minh Hằng, Công Lý nhận danh hiệu NSND vào năm 2019. Ảnh: Vũ Toàn.

Thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đối với danh hiệu NSƯT là từ 15 năm, với danh hiệu NSND là từ 20 năm; với loại hình nghệ thuật xiếc, múa chuyên nghiệp, thời gian sẽ ít hơn, trong đó NSƯT là 10 năm trở lên và NSND là 15 năm trở lên. Để đạt được danh hiệu NSND bắt buộc phải đạt được danh hiệu NSƯT và nhận được thêm một số giải thưởng khác, cụ thể NSƯT phải có thành tích đạt ít nhất 02 Giải Vàng quốc gia hoặc 01 Giải Vàng quốc gia và 02 Giải Bạc quốc gia, trong khi đó NSND phải có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”. 

Những bất cập

Việc phong tặng danh hiệu cao quý cho nghệ sĩ cũng có những bất cập và hạn chế cần được khắc phục. Việc xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay được tiến hành theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. 

Việc "quy đổi" huy chương trong tiêu chí xét duyệt danh hiệu gây ra nhiều bất cập. Có những nghệ sĩ ở cơ sở có nhiều cơ hội được đi thi, giành huy chương, chỉ với mục đích được xét tặng danh hiệu và trở thành NSƯT, NSND thì rất dễ đạt tiêu chí.

Nhiều nghệ sĩ hoạt động lâu năm nhưng không có cơ hội đi thi, không có huy chương thì nghiễm nhiên bị "đánh trượt" vì không đủ tiêu chí huy chương. Nếu xét theo quy định số lượng huy chương, những nghệ sĩ này không bao giờ được phong tặng danh hiệu, ngay cả khi họ thực sự tài năng.

Bên cạnh những tiêu chí về số năm làm việc, giải thưởng... hội đồng các cấp còn thảo luận, đánh giá các trường hợp đặc biệt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngay cả khi có đầy đủ tiêu chí “cứng” như số lượng huy chương, số năm  thâm niên công tác, nhưng vẫn bị loại khỏi quá trình xét duyệt đơn giản vì không đủ 80% phiếu bầu hoặc có đơn thư khiếu kiện có liên quan. Chính nội dung này dễ phát sinh những bất cập và những tranh luận trái chiều nhất sau những lần xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND trong những năm vừa qua.

Một bất cập khác là việc phong tặng danh hiệu cao quý cho nghệ sĩ gây ra sự phân biệt đối xử và cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng nghệ thuật. Thực tiễn, cơ hội nghệ sĩ được tuyển chọn tham dự các kỳ hội diễn nghệ thuật quốc gia, bên cạnh việc dành cho những nghệ sĩ trẻ có tài năng nổi trội, vẫn còn tình trạng cảm tính bị chi phối bởi: Quan điểm của lãnh đạo đơn vị nghệ thuật; quan hệ xã hội;nhà đầu tư; đơn tài trợ cho đơn vị nghệ thuật tham gia kỳ hội diễn nghệ thuật quốc gia…Chính vì vậy, cơ hội dành cho các nghệ sĩ trong hành trình phấn đấu để có đủ điều kiện được xét công nhận danh hiệu NSƯT, NSND là rất khác nhau, không xuất phát từ tài năng, nhiệt huyết cống hiến.

Điều này dẫn đến hệ lụy, có những nghệ sĩ cố gắng làm nhiều tác phẩm chất lượng để được phong tặng danh hiệu, còn những nghệ sĩ khác thì chỉ chạy theo danh vọng và lợi ích, không còn tâm huyết với nghệ thuật. Điều này làm mất đi sự đoàn kết và hợp tác trong cộng đồng nghệ thuật, cũng như làm giảm chất lượng và sự đa dạng của nghệ thuật. Nhiều người cho rằng việc này là bất công và thiếu minh bạch, gây ra sự bất bình và mất lòng tin trong cộng đồng nghệ thuật và công chúng.

Cuối cùng, việc phong tặng danh hiệu cao quý cho nghệ sĩ cũng gây ra sự mất cân bằng và thiếu đa dạng trong nghệ thuật và văn hóa quốc gia. Có những lĩnh vực nghệ thuật được ưu tiên và tôn vinh hơn những lĩnh vực khác, dẫn đến sự sao nhãng và lãng quên những giá trị truyền thống và đặc sắc của văn hóa dân tộc. Nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như Chèo, Cải lương, hay phim truyền hình có cơ hội được tham gia nhiều kỳ hội diễn nghệ thuật quốc gia hơn các lĩnh vực khác thuộc lĩnh vực ca múa nhạc, nhất là lĩnh vực ca nhạc. Bởi 05 năm mới có một lần diễn ra Hội diễn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc nên số lượng ca sĩ đạt được danh hiệu NSƯT, NSND ít hơn rất nhiều các loại hình nghệ thuật khác.

Cũng có những nghi vấn chỉ ra rằng một số cuộc liên hoan nghệ thuật quốc tế (thực chất chỉ là hoạt động giao lưu nghệ thuật) được tổ chức chỉ để tạo điều kiện cho một số nghệ sĩ đủ tiêu chí xét công nhận NSƯT, NSND hơn là vì hoạt động nghệ thuật. Và không phải nghệ sĩ nào cũng có được cơ hội tham gia các hoạt động như vậy.      

Có những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao quý thì trở nên kiêu ngạo và ngừng sáng tạo, còn những nghệ sĩ không được phong tặng danh hiệu thì trở nên nản chí và bỏ cuộc. Điều này làm mất đi sự phát triển và đổi mới của nghệ thuật, cũng như làm giảm sức hút và sự gắn kết của nghệ thuật với công chúng. Ví dụ, năm 2019, có nhiều ý kiến cho rằng việc phong tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ cải lương Thoại Mỹ là không phù hợp, bởi cô không có nhiều tác phẩm đáng nhớ và không có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật cải lương. Ngược lại, có nhiều nghệ sĩ khác có nhiều tác phẩm xuất sắc và có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật, nhưng lại không được phong tặng danh hiệu cao quý vì những lý do kém thuyết phục như trường hợp xét lên NSND của NSƯT Nguyễn Tiến Quang (không đủ số phiếu trong Hội đồng).

Việc xét các tiêu chí quy đổi cũng dễ phát sinh những đánh giá cảm tính, khó định lượng chính xác và khách quan. Bởi những thành tích quy đổi thường phụ thuộc vào nội dung xác nhận của các cơ quan liên quan. Và không phải trường hợp nào, các thành viên Hội đồng xét duyệt cũng có thể thẩm định tính chính xác, khách quan những nội dung xác nhận đó một cách nhanh chóng, dễ dàng được.

Cần sự thay đổi

Muốn thay đổi cơ chế thích hợp với thực tiễn, cần hiểu được gốc rễ của vấn đề. 

Đối với nghệ sĩ, câu chuyện “thầy già con hát trẻ” mang tính đặc thù của nghệ thuật biểu diễn không còn xa lạ. Rất nhiều nghệ sĩ gạo cội, có đóng góp lớn cho sân khấu nhưng khi xét duyệt lại không đủ huy chương do từ lâu đã “nhường lớp trẻ” trong các hội diễn. Điều này cũng xảy ra đối với những nghệ sĩ thực hiện công tác giảng dạy, vì đóng góp cho nền giáo dục mà không có điều kiện để thi thố, giành huy chương ở các hội diễn. Hơn nữa, không phải lĩnh vực, ngành nghề nào cũng phân bổ số lượng cuộc thi như nhau. Bên ít, bên nhiều dẫn đến có những ngành rất đông NSƯT, NSND, trong khi có ngành lại rất thưa thớt danh hiệu.

Đối với hội đồng, dù việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, song việc có nhiều đại diện đến từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau dẫn đến tình trạng không thể biết được hết tất cả nghệ sĩ cho nên bước cho điểm, cho phiếu cũng có thể gặp tình trạng đánh giá “chủ quan”. Bên cạnh đó, tiêu chí về giải thưởng khá rõ ràng nhưng vẫn còn vướng mắc trong quy trình quy đổi giải thưởng, còn tiêu chí về phẩm chất đạo đức thì vẫn mơ hồ trong việc định lượng, mà nhiều khi trở thành kẽ hở để lạm quyền.

Được biết, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian và đối tượng đặc thù. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, việc xây dựng Nghị định mới là cần thiết. Đồng thời, sẽ điều chỉnh cho khoa học hơn quy trình, thủ tục xét tặng, sửa đổi một số quy định còn lặp lại quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.

Với việc ngày càng hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan trong việc xét duyệt, danh hiệu NSƯT, NSND sẽ tìm lại được những giá trị, ý nghĩa đích thực, trở thành một trong những động lực to lớn ngoài tình yêu nghề và sự yêu mến của khán giả, để các nghệ sĩ phấn đấu, nỗ lực trên hành trình hoạt động nghệ thuật, phục vụ nhân dân.