Sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ của Phùng Thị Minh Thoa trước đây cũng là Cô giáo Mầm non với 24 năm công tác năm ngoài biên chế, lúc đầu hưởng chế độ là công điểm và sản phẩm nông nghiệp của HTX, khó khăn chồng chất khó khăn. Đến năm 2012, sau 24 năm công tác, mẹ của cô giáo Thoa mới được vào biên chế.
Thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn khó khăn vất vả của mẹ nhưng với ước mơ cháy bỏng được trở thành một cô giáo Mầm non đã thôi thúc Cô Phùng Thị Minh Thoa vượt lên tất cả để thực hiện ý nguyện của mình. Cô chia sẻ “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý, là nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo… vì giúp mở mang trí tuệ cho con người sáng tạo. Đó là nhưng có lẽ cũng là nghề vất vả và thiêng liêng nhất”.
Phùng Thị Minh Thoa xác định “Làm cô giáo Mầm non tức là thay mẹ dạy trẻ, muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu còn nhỏ hay quấy khóc, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ nhỏ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Hay nói cách khác muốn xây dựng được một công trình vững trắc thì phải có được nền móng thật vững chắc”.
Năm 2009, Phùng Thị Minh Thoa được nhận làm giáo viên hợp đồng tại trường Mầm non Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú thọ, chỉ vẻn vẹn mức hỗ trợ là 830.000/ tháng. Đến bây giờ cũng chẳng khá hơn được là bao mức thu nhập tối thiểu 2,418.000 đ/ tháng. Vất vả khó khăn đấy nhưng không cản được ý chí và lòng yêu nghề của cô hằng ngày cô vẫn không quản khó khăn nhọc nhằn, bất cấp thời tiết và đường sá xa xôi, vẫn miệt mài đến trường, đến lớp. Cô vẫn gắn bó với nghề bằng cả tình thương và tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề, với những đôi mắt tròn xinh của đàn em thơ ngây làm cho cô luôn luôn yêu thương các cháu, chăm sóc dạy dỗ các cháu từng li, từng tí như con của mình.
Phùng Thị Minh Thoa lập gia đình khi tuổi đời còn trẻ. 22 tuổi đã được làm mẹ. Gia đình nhà chồng nghèo, chồng không có công ăn việc làm ổn định. Bố chồng bị khuyết tật, mẹ chồng bị tàn tật đau yếu không tham gia lao động được. Con nhỏ nhưng cô vẫn đi dạy hợp đồng, không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mọi chế độ cô không được hưởng gì, ngoài mức sinh hoạt phí do địa phương hỗ trợ. Với hoàn cảnh gia đình như vậy, Phùng Thị Minh Thoa đã trải qua không ít nỗi buồn, sự ưu phiền đan xen là những tâm tư, suy nghĩ và những trăn trở về tương lai phía trước. Đúng thời điểm khó khăn nhất, cô đã dũng cảm vượt lên chính mình. Cuộc sống vất vả của cô đằng đẳng suốt một thời gian dài nhưng vẫn bám trường, lớp, là giáo viên dạy hợp đồng, dù thu nhập rất thấp. Đã nhiều người khuyên bỏ nghề đi, vừa vất vả đi từ sáng đến tối mà lương hợp đồng thì không được là bao, nhưng cô nói không có hạnh phúc nào có thể so sánh được với nghề mình đã chọn. Hàng ngày, ngoài công việc ở trường, cô lại tranh thủ cùng chồng chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Vào những ngày mùa vụ, cô tranh thủ cấy hái, lo việc đồng ruộng như một người nông dân thực thụ. Chưa bao giờ cô ngại khó, ngại khổ, luôn là người phụ nữ - người vợ - người mẹ đảm đang luôn biết vun vén cho gia đình được ấm êm, hạnh phúc. Cô được chồng và gia đình nhà chồng yêu thương, cảm phục và luôn tự hào về một con người giàu nghị lực. Mọi khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng chỉ có lòng yêu nghề sự đam mê nghề nghiệp đã thôi thúc cô đã quên đi cái khó khăn vất vả, quên đi đồng lương hợp đồng ít ỏi để đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vu sư phạm. Tháng 9 năm 2017, Phùng Thị Minh Thoa đã có tấm bằng Cao đẳng sư phạm mầm non. Cô luôn tham gia rất tích cực vào các hoạt động của trường, giúp đỡ đồng nghiệp và tham gia các phong trào của đoàn thanh niên phát động.
Những tiết dạy, những hoạt động chuyên đề do Phùng Thị Minh Thoa thực hiện thực sự để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các giáo viên trong trường. Năm 2015, Phùng Thị Minh Thoa vinh dự được kết nạp Đảng. Là một đảng viên, cô luôn gương mẫu chấp hành tôt các chủ chương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của ngành. Nhiều giáo viên trong trường luôn khâm phục và quý mến Phùng Thị Minh Thoa, không phải vì những thành tích tiêu biểu, những tấm giấy khen hay bằng khen mà là lòng cảm phục, sự tôn trọng với những gì cô Thoa đã làm và cả khó khăn mà cô từng vượt qua.
Tuy đã kéo dài 11 năm hợp đồng với thu nhập rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, chỉ mong muốn được tham gia một kỳ thi, xét tuyện giáo viên Mầm non vào biên chế, ổn định nghề nghiệp. Đây không những là ước nguyện của Phùng Thị Minh Thoa mà là trong tâm trí của nhiều giáo viên hợp đồng ở Phú Thọ. Chính vì thế, cách đây hai tuần, cô giáo Phùng Thị Minh Thoa đã quyết định nghỉ việc tại trường mầm non Phú Lộc và bỏ ước mơ theo đuổi suốt 11 năm qua để đi làm công nhân khu công nghiệp nhằm tăng thu nhập ổn định cuộc sống gia đình.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều năm nay không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên Mầm non, chỉ sử dụng giáo viên hợp đồng với thu nhập rất thấp, không ổn định đời sống, đã khiến nhiều giáo viên bỏ nghề để đi làm công nhân hoặc các công việc khác, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên Mầm non, là cấp học đầu đời của mỗi người. Những giáo viên này càng thất vọng khi ngày 9/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã ký quyết định số 2540/QĐ-UBND về việc tuyển dụng viên chức giáo viên; nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT công lập trong năm 2021. Nhưng trớ trêu thay, theo Quyết định nói trên thì tổng số tuyển dụng là 550 chỉ tiêu, gồm: Khối Mầm non, Tiểu học, THCS là 467 chi tiêu, trong đó giáo viên tiểu học 211 chỉ tiêu, giáo viên THCS 201 chỉ tiêu, nhân viên kế toán 55 chỉ tiêu; khối THPT 83 chỉ tiêu, trong đó giáo viên 80 chỉ tiêu, nhân viên kế toán 3 chỉ tiêu.
Như vầy, Quyết định số 2540/QĐ-UBND vẫn gạt giáo viên Mầm non ra ngoài, không có chỉ tiêu tuyển dụng, chỉ tuyển dụng giáo viên Tiểu học, THCS và THPT, làm cho đội ngũ giáo viên Mầm non dạng hợp đồng như cô Phùng Thị Minh Thoa càng thêm chán nản, bức xúc, không yên tâm với nghề.