Vang bóng một thời
Để hiểu thêm về lịch sử rạp Hòa Phong, có lẽ công chúng cần biết thêm về bối cảnh chiếu bóng Phú Thọ giai đoạn 1976 - 1997. Năm 1979, Quốc doanh Chiếu bóng Vĩnh Phú đổi tên thành Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng Vĩnh Phú. Cũng trong năm 1979, UBND tỉnh ra quyết định phân cấp toàn diện các đơn vị chiếu bóng về cấp huyện quản lý. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh có 11 rạp chiếu bóng Quốc doanh và 2 đơn vị là rạp chiếu bóng thị xã Phú Thọ và rạp 19/5 thuộc thị xã quản lý. Đến năm 1985, cả tỉnh có 10 rạp chiếu bóng. Trong đó, 6 rạp lớn với sức chứa trên 500 ghế ngồi, 30 đội chiếu phim và 1 bãi chiếu phim. Tổng số cán bộ công nhân viên của đơn vị lên đến 400 người. Rạp chiếu bóng trở thành một thiết chế văn hóa không thể thiếu đối với đời sống tinh thần của nhân dân.
Toàn cảnh rạp Hòa Phong nhìn từ bên ngoài
Sinh ra trong thời hoàng kim của nền điện ảnh chiếu bóng, rạp Hòa Phong nhanh chóng chiếm được chỗ đứng trong lòng khán giả yêu “môn nghệ thuật thứ bảy” này. Cùng với những “người anh em” của mình như rạp Phong Châu, Sông Thao, Thanh Sơn, Hạ Hòa..., rạp Hòa Phong cũng công chiếu những bộ phim đề tài về xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới như: “Đứa con người hàng xóm”, “chuyến xe bão táp”, “ai giận ai thương”, “bao giờ cho đến tháng mười”, “cánh đồng hoang”...
Cơ sở vật chất của rạp được đầu tư khang trang, hiện đại phục vụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh
Trải qua những thăng trầm trong thời kỳ đổi mới, đến năm 2002, rạp Hòa Phong được trang bị máy chiếu phim âm thanh lập thể của Mỹ, trở thành rạp chiếu phim hiện đại nhất các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc lúc bấy giờ. Gắn bó với rạp Hòa Phong từ năm 2006 đến nay, anh Nguyễn Văn Bội – trưởng rạp Hòa Phong bồi hồi nhớ lại: “Năm 2009, khi luật Điện ảnh ra đời, mở ra thời kỳ sản xuất phim tư nhân cũng là lúc doanh thu rạp Hòa Phong đạt đỉnh. Doanh thu lúc đó của rạp lên đến hơn 60 triệu đồng/tháng. Với giá vé chỉ 5.000 đồng/vé thì có thể hình dung số lượng khán giả đến rạp đông như thế nào”.
Chiếc máy chiếu phim với dàn âm thanh lập thể hiện đại giờ chịu cảnh phủ bụi trong kho
Loay hoay tìm hướng đi
Năm 2013, khi dòng phim truyện nhựa tại Việt Nam chính thức bị “khai tử”, các nhà sản xuất chuyển sang làm phim kỹ thuật số cũng là lúc rạp Hòa Phong gặp nhiều khó khăn. Sự cạnh tranh của các rạp chiếu phim tư nhân cùng với việc không có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu chiếu phim kỹ thuật số khiến cho việc kinh doanh của rạp trở nên ảm đạm. Để đối phó với tình trạng giảm doanh thu, rạp đã liên kết với doanh nghiệp tư nhân để chiếu những bộ phim ăn khách nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Bên cạnh hoạt động chiếu phim, rạp Hòa Phong trở thành địa điểm truyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và kinh doanh các hoạt động văn hóa như tổ chức sự kiện, mở lớp đào tạo nghệ thuật...
Hệ thống máy chiếu phim nhựa cũ kĩ, không đáp ứng được yêu cầu chiếu phim kỹ thuật số hiện nay của rạp Hòa Phong
Rạp Hòa Phong từng là cái tên quen thuộc của nhiều thế hệ người dân thành phố Việt Trì. Khi thời cuộc thay đổi, rạp Hòa Phong được đảm nhiệm một sứ mệnh lịch sử khác, đó là tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh và phục vụ một phần công chúng luôn hướng về những loại hình giải trí của Nhà nước. Tuy nhiên, để thích ứng và làm tốt chức năng nhiệm vụ của rạp chiếu phim thì sự quan tâm của các cấp, ngành để đầu tư một hệ thống chiếu phim hiện đại phù hợp với các dòng phim kỹ thuật số như hiện nay là điều không thể thiếu. Mong rằng, trong tương lai, rạp Hòa Phong sẽ củng cố được vị thế trước kia, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm được thị phần trong thị trường phim ảnh chiếu rạp hiện nay