Phú Thọ: Tu Vũ khởi sắc giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Là xã dân tộc miền núi duy nhất của huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), lại vừa mới được sáp nhập, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện, chất lượng giáo dục trên địa bàn xã Tu Vũ đã khởi sắc, trở thành điểm sáng giáo dục.

Ông Khuất Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Tu Vũ cho biết: Được sáp nhập từ 3 xã (Yến Mao, Phượng Mao, Tu Vũ) thành đơn vị hành chính mới, xã Tu Vũ có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, xã luôn chú trọng dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, nhất là quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo phục cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Nhờ đó, quy mô trường, lớp tiếp tục được duy trì, phát triển hợp lý ở các cấp học, bậc học; diện mạo giáo dục của xã có nhiều đổi thay tích cực.

dt1-2022-04-13t092444945-1649818547.jpgHọc sinh trường THCS Phượng Mao tham gia hội thi khoa học kỹ thuật đoạt giải.

 

Được biết đến như một ngôi “trường chuyên” thứ 2 của huyện, Trường THCS Tu Vũ hiện không chỉ là nơi học tập của con em nhân dân trên địa bàn mà còn là địa chỉ giáo dục tin cậy, có uy tín ở khu vực thượng huyện, được nhiều phụ huynh các huyện giáp ranh gửi gắm con em mình. Năm học 2021 - 2022, trường có tổng số 8 lớp với 236 học sinh, trong đó có 75 học sinh thuộc địa bàn huyện Thanh Sơn đang theo học.

Cô giáo Triệu Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng trường chia sẻ: Chúng tôi luôn nỗ lực để tạo môi trường giáo dục lành mạnh, chất lượng. Để làm được điều đó, trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đồng thời phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên đảm bảo đúng người, đúng việc. Trường chú trọng việc bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá giúp giáo viên chủ động trong việc lựa chọn, sử dụng các hình thức, phương pháp dạy học tích cực, thực hiện tốt việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục THCS theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh được nâng lên. Trường thực hiện tốt công tác xây dựng trường học “An toàn - thân thiện - bình đẳng”, tăng cường kỷ cương, nền nếp trong trường học. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống và kĩ năng sống cho học sinh được quan tâm thực hiện tốt.

Đặc biệt, công tác phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu có nhiều khởi sắc. Trường có 3 em đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện; 2 sản phẩm đoạt giải Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp huyện. Tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh có 2 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhì, 1 giải Khuyến khích.

dt2-2022-04-13t092535039-1649818679.jpgGiờ học ngoại khóa của thầy và trò trường THCS Tu Vũ.

 

Trường THCS thứ hai trên địa bàn xã là THCS Yến Mao hiện có tổng số 265 học sinh, trong đó 60% là dân tộc thiểu số. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành Giáo dục, cơ sở vật chất trường được đầu tư, xây dựng khang trang với đầy đủ phòng học, phòng học bộ môn, thư viện, phòng đọc sách...

Cô giáo Xa Kiều Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Yến Mao cho biết: Cùng với quan tâm xây dựng cảnh quan, môi trường đảm bảo xanh, sạch đẹp và an toàn, nâng cao chất lượng tiêu chí trường chuẩn quốc gia và diện mạo nông thôn mới của huyện, trường đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Trong điều kiện dịch bệnh, trường tổ chức dạy học thích ứng linh hoạt, gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức dạy học các nội dung cốt lõi, tranh thủ “thời gian vàng” để tổ chức dạy học chính khóa. Trường chú trọng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục.

Để nâng cao chất lượng học sinh giỏi cũng như chất lượng giáo dục đại trà, trường thành lập các tổ nhóm giáo viên để kèm cặp, phụ đạo cho học sinh; tổ chức khảo sát hằng tháng để thông báo kịp thời cho phụ huynh có biện pháp kết hợp với nhà trường đôn đốc các em học tập. Đặc biệt, trong quá trình dạy học, ôn luyện, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các thầy cô quan tâm, động viên, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần, giúp các em tự tin vượt khó, giành nhiều thành tích cao trong học tập.

Chất lượng giáo dục của trường được duy trì ổn định. Chất lượng đại trà và mũi nhọn được tăng lên rõ rệt. Cụ thể thi vào lớp 10 năm học 2021- 2022 bình quân 3 môn Văn, Toán, Anh tăng 4 bậc so với năm học trước; tham gia thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện các môn văn hóa đoạt 4 giải, trong đó có 1 giải Nhì môn Tin học. Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đoạt 1 giải Khuyến khích, thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh đoạt 1 giải Nhì, 1 giải Ba....

Chất lượng học sinh giỏi văn hoá và các cuộc thi của Trường THCS Yến Mao đã có bước tiến vượt bậc, được lãnh đạo chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT và nhân dân, phụ huynh ghi nhận, đánh giá cao.

dt3-85-1649818738.jpgHọc sinh trường THCS Yến Mao đoạt giải cuộc thi thanh thiếu niên nhi đồng

 

Đóng trên địa bàn khó khăn nhất của huyện Thanh Thủy, Trường THCS Phượng Mao có khoảng 80% học sinh là người dân tộc Mường. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn, dân trí còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của tập thể trường, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của phụ huynh nên chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng lên.

Thầy giáo Đinh Văn Thìn - Hiệu trưởng Trường THCS Phượng Mao cho biết: Chúng tôi  tích cực tham mưu tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, kêu gọi các cá nhân, tập thể mạnh thường quân ủng hộ, tài trợ nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu bổ, chỉnh trang  khuôn viên trường lớp. Từ một đơn vị được đánh giá là có sơ sở vật chấtvừa “thiếu và yếu”; khuôn viên cảnh quan cũ và xấu thì nay, toàn bộ các khu nhà lớp học, phòng chức năng... đã được tu sửa, chỉnh trang khang trang và khá hiện đại; khuôn viên cảnh quan đã được cải tạo, quy hoạch và xây dựng lại“xanh- sạch- đẹp”. Nhờ đó, cuối năm 2020, nhà trường đã được công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2 và chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Cơ sở vật chất hoàn chỉnh, đội ngũ giáo viên đoàn kết, yêu nghề, trách nhiệm chính là đòn bẩy giúp chất lượng giáo dục của trường đi lên. Mặc dù dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến quá trình dạy và học, có thời điểm học sinh phải tạm dừng đến trường, tuy nhiênvới phương châm“Dừng đến trường nhưng không dừng học”, hàng trăm tiết dạy học trực tuyến và các bài tập giao đến tận tay học sinh, đảm bảo nội dung chương trình, trường đã kết thúc năm học theo đúng kế hoạch đề ra.

dt4-38-1649819624.jpgCơ sở vật chất  các trường ở xã Tu Vũ được đầu tư Khang Trang

 

Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, giáo dục mũi nhọn có bước phát triển vượt bậc. Trong năm học 2021 - 2022, tham gia thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện có 4 học sinh đoạt giải; đặc biệt có 2 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh (1 giải Nhì, 1 giải Ba). Bên cạnh đó, trường giành 2 giải Nhất, 2 giải Ba tại Cuộc thi KHKT cấp huyện; giành 1 giải Nhì Cuộc thi KHKT cấp tỉnh... Đây là thành tích cao nhất của Trường THCS Phượng Mao từ trước đến nay, khẳng định sự nỗ lực của Ban giám hiệu, giáo viên và toàn bộ học sinh.

Đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp tình hình thực tế và đặc thù đối tượng là con em  dân tộc thiểu số đã được các trường trên địa bàn xã Tu Vũ thực hiện tốt, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền trong huyện.