Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo vùng chiêm trũng, quanh năm đồng trắng nước trong vì thời gian đó chưa cải tạo được đất để canh tác vụ màu xen kẽ như bây giờ.
Cũng như bao gia đình khác của đất nước khi ấy ( năm tôi vừa 9 tuổi ) là trong nhà đã vắng bóng đàn ông. Bà ngoại tôi cũng có một bác trai nhưng bác đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, bà đã bắt bố tôi “ ở rể “ cho có nơi nương tựa lúc về già. Lệnh tổng động viên cả nước năm 1967 để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu thân 68. Làng tôi không còn bóng thanh niên trai tráng nên bố tôi cũng đã phải lên đường nhập ngũ và ra đi mãi mãi… từ ngày ấy để lại nơi xóm nghèo bà mẹ góa, người vợ trẻ ( 33 tuổi ) cùng 4 đứa con thơ. Kể từ đó bà tôi, mẹ tôi – 2 người mẹ với một niềm hy vọng mong manh là “ thống nhất đất nước bố tôi sẽ về “ đã trở thành niềm tin sắt đá với bà và mẹ , là nguồn dinh dưỡng nhờ đó mà chị em tôi khôn lớn.
Những năm đầu của thập niên 70, nơi nghèo khó như quê tôi , chuyện vào học cấp III đã khó song khó khăn hơn cả là con gái ( mà tôi lại là con gái lớn trong nhà ), bà tôi hàng ngày nhìn vẻ yếu đuối và bất hạnh của mẹ con tôi mà nhủ rằng “ con cố học để sau này thoát khỏi nghèo khó “ … với tôi lúc ấy chỉ biết rằng cố gắng học để khỏi phụ lòng mong ước của bà bằng những tấm giấy khen treo đầy nhà. Mẹ tôi vốn yếu ớt nhưng rất căn cơ và điềm đạm, với từng ca thóc đấu gạo đã chắt chiu đắp đổi qua ngày để chờ bố về bàn giao tài sản là 4 chị em tôi.
Thời ấy cả làng phải ăn “ rau độn cơm “ ( vì đồng chiêm không có đất trồng ngô, khoai, sắn ), có nhà phải quang gánh đi xa hàng chục cây số để lấy rau má về băm nhỏ phơi khô, cất đi ăn dần ( phải chọn rau già cho đỡ ngót khi phơi khô tuy rau già có đắng hơn ) mẹ vẫn nói ráng lo cho các con không phải ăn độn để khi bố về không có lỗi với bố. Mẹ có hàng chục cuốn sổ ghi chép các khoản chi phí hàng ngày mà chủ yếu là chi phí thuốc thang của các ông thày lang trong vùng hoặc bác sỹ các bệnh viện Hà nội, Hải phòng, Hưng yên … mà nguồn thu chính là số tiền trợ cấp ít ỏi tiêu chuẩn của bố ở chiến trường B do nhà nước đãi ngộ, nhờ đó mà gia đình tôi qua được cơn khốn khó.
Hãi hùng và ám ảnh nhất với tôi là cảnh khi mưa bão đổ về, nhà gianh vách đất, mái rạ tốc bay xa, dột nát tứ bề, tôi đã từng phải mặc áo mưa ngồi thu mình lấp chỗ chân khe liếp thủng để chắn gió khỏi ùa vào nhà, mẹ con, bà cháu run rẩy trước ngọn đèn dầu leo lét …
Hòa bình năm 75 mọi người đã về cả mà bố vẫn biệt tăm, giấy báo tử về làng – bà và mẹ rũ ra như tàu lá úa, niềm hy vọng tiêu tan. Hai thân gày gục ngã sau những trận ốm thập tử nhất sinh, nhà cửa tiêu điều bao phủ một màu tang tóc, hai người nằm liệt hai giường với những tiếng kêu rên thảm thiết ... Đây cũng là lúc tôi bước vào mùa ôn thi tốt nghiệp phổ thông, chuẩn bị cho kỳ thi đại học năm ấy. Mang thân xác đi thi mà hồn bay phách lạc, đầu óc rỗng tênh, mấy bạn bè thân thiết gần như ngày nào cũng phải “áp tải “ tôi về tới gốc cây nhãn bờ giếng đầu làng rồi mới quay lại…
Chị em tôi ngày đó đã phải nghĩ tới cảnh chia tay nhau mỗi đứa một nơi khi mẹ không còn để đến nương tựa nơi cô dì chú bác nhưng không hiểu sức mạnh tiềm ẩn nào trong những con người ấy lại một lần nữa vùng dậy và tiếp sức cho chị em tôi . Ngày tôi xa nhà lên trường để nhập học, mẹ đã thức trắng đêm khóc và căn dặn tôi rất nhiều, hành trang tôi mang theo khi bước vào đời là câu nói của mẹ : “ Mười mấy năm qua , mẹ nuôi con ăn học và trưởng thành , kể từ ngày mai con là người Nhà nước, con phải làm sao cho xứng đáng con à “ . Vậy là tôi đã lớn thật rồi ư ? những câu hát mẹ thường ru các em tôi “ bé thời con mẹ con cha, lớn lên con của quốc gia sau này “ rồi “ Chị đi em ở lại nhà, vườn dâu em đốn mẹ già em chăm … “ đã theo suốt tôi những năm tháng cuộc đời.
Lần lượt các em tôi, 4 chị em duy nhất trong một gia đình vào hoàn cảnh lúc bấy giờ ở quê được ăn học tới nơi tới chốn và trưởng thành hữu ích. Xa mẹ đã hơn 30 năm trời mà tôi thấy mẹ vẫn như đang quanh quẩn bên tôi . Bà ngoại qua đời đã lâu, ngôi nhà gianh vách đất xưa đã được chị em tôi xây cất lại đơn sơ, gọn gàng, chúng tôi muốn mẹ ở với mình nhưng mẹ nói mẹ nhớ quê ( tâm trạng của người già và hơn cả nơi đó còn có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của cuộc đời mẹ ) nên chúng tôi đã chiều ý mẹ để mẹ vui vẻ tuổi già nơi làng xóm thân quen.
Các chú, bác thường bảo tôi “ Các cháu không cần học ai xa, cứ theo được mẹ đã là mừng “ .
Mẹ chưa đủ tiêu chuẩn để nhà nước trao tặng danh hiệu “ BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG “ Nhưng với chị em tôi mẹ đã là một người mẹ rất anh hùng mà tôi hằng tôn kính,
Sài gòn, tháng 10 năm 2007
Nay mẹ đã tuổi 87, 14 năm qua tôi vẫn chỉ một món quà này (đã in ra thành tập cùng những bài viết khác dành tặng mẹ với font chữ " tận " 28 ) , ngày ngày " soi " camera về vẫn thi thoảng thấy mẹ mang ra đọc dù lúc này mẹ là quên - quên hiện tại nhưng lại rất rất nhớ - nhớ về ngày xưa thật là xưa ...
Theo Chuyện làng quê