Tháng 12 âm lịch là thời điểm trà hoa vàng nở rộ nhất. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Phát biểu tại lễ đón nhận, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, ông Đỗ Khánh Tùng cho hay: Thông qua Lễ hội nhằm giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của Di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà, di tích có lịch sử hơn 700 năm, gắn liền với sự kiện hai vua Trần (vua Trần Nhân Tông, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông) và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thực hiện cuộc lui binh chiến lược về sông Ba Chẽ, chuẩn bị phản công, để giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai.
Đây là "cột mốc văn hóa", chứng nhân cho cuộc kháng chiến vĩ đại chống ngoại xâm, giữ gìn non sông, bờ cõi của ông cha ta thế kỷ XIII và minh chứng cho quá trình chinh phục tự nhiên, khai phá vùng đất phên dậu của Tổ quốc.
Di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà sẽ kết nối với hệ thống di tích lịch sử tỉnh Quảng Ninh, các di tích lịch sử trong huyện như di tích Lò sứ cổ; sông Cổ Ngựa; làng văn hóa dân tộc Dao xã Nam Sơn; Đình Làng Dạ, xã Thanh Lâm… đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu, học tập của du khách gần, xa.
Hội Trà hoa vàng lần thứ III được tổ chức chủ đề "Danh trà đất Việt" là dịp quảng bá, khẳng định thế mạnh và hướng đi của huyện Ba Chẽ trong việc phát triển cây Trà Hoa vàng-cây dược liệu quý quý, có giá trị kinh tế cao, là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện định hướng phát triển sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Hiện nay, trà hoa vàng (loại hoa khô) có giá trị khá cao, lên tới 14 - 15 triệu đồng/kg. Do vậy, để các sản phẩm của cây trà hoa vàng đến gần với người dân hơn, huyện Ba Chẽ đã thêm các sản phẩm chế biến từ trà hoa vàng với giá rẻ hơn như: trà nhúng túi lọc, lá trà tươi, lá trà khô.
Lần đầu tiên, huyện Ba Chẽ đã phục dựng một số nội dung của lễ hội Bàn Vương - lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao, tái hiện hành trình "Vượt biển" của người Dao đến lập nghiệp tại vùng đất mới và Nghi lễ tưởng niệm ông tổ Bàn Vương, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu ấm no, hạnh phúc. Trong khuôn khổ lễ hội này, sẽ là các hoạt động trình diễn các nghi lễ đặc sắc của người Dao và chương trình dân ca, dân vũ, hứa hẹn tạo nên một lễ hội đầy màu sắc văn hóa bản địa.
Nhân dịp này, nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: Trưng bày các cây trà hoa vàng, trưng bày các gian hàng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) và các sản phẩm đặc hữu của các địa phương với 25 gian hàng. Du khách tham dự lễ hội sẽ có cơ hội được mua sắm các sản phẩm OCOP, được thưởng trà, ngắm hoa, được du ngoạn trên sông Ba Chẽ ngắm các cảnh đẹp trên sông, tham quan miếu Bàn Vương…
Các hoạt động của lễ hội ở huyện vùng cao Ba Chẽ sẽ kéo dài đến hết ngày 27/12