Quyết định ban hành một số giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19

Sáng 16-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Đề xuất 4 nhóm chính sách miễn, giảm thuế

Trình bày tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết bảo đảm các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng để đạt được mục tiêu về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020. Không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV-2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ cũng đề xuất giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế. Về mức giảm, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên; doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên. Thời điểm áp dụng kể từ ngày 1-10-2021 để bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế.  

Ngoài ra, dự kiến sẽ miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020; không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện 4 giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng, trong đó: Gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 nghìn tỷ đồng; gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chính phủ sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết

Thảo luận về nội dung này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành, đồng thời mong sớm ban hành Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, cần thận trọng, kỹ lưỡng trong ban hành chính sách để bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ, chính sách hỗ trợ thông qua giảm thuế giá trị gia tăng là sắc thuế gián thu có thể dẫn đến không đạt mục tiêu khi người thụ hưởng thật sự không phải là người tiêu dùng mà là các doanh nghiệp, tổ chức trung gian kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nhất là trong các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu do các đối tượng nộp thuế này chỉ sử dụng hóa đơn bán hàng (trên đó không thể hiện số thuế giá trị gia tăng).

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Tài chính tính toán cụ thể việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 có phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Đề nghị xác định rõ hơn các đối tượng được thụ hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc hỗ trợ các chi phí phòng, chống dịch cho doanh nghiệp tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã tự bỏ chi phí phòng, chống dịch, duy trì sản xuất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

Tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, thực tế có những lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch, thậm chí còn được hưởng lợi, có điều kiện để phát triển như sản xuất thiết bị vật tư y tế, ngành nghề thương mại điện tử, trực tuyến... “Các Ủy ban của Quốc hội lo nhất là đối tượng được hưởng thì không được, đối tượng không đáng thì lại được hưởng lợi”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất) để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết.

Với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nguyên tắc chung về việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết bảo đảm hiệu quả, hợp lý trong tổ chức thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1-10-2021.

 

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép tỉnh Thanh Hóa vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không vượt quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn (trường hợp ngân sách Trung ương không hụt thu); tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh; cho phép áp dụng thí điểm chính sách phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh...