Quỵt tiền chùa, lừa nhà sư, cả nhà tan hoang, điêu đứng

Cả hai thầy đều ngồi lặng im, không ai nói với ai một lời. Một nỗi buồn nhân thế nhẹ mà thấm trào dâng trong tâm hồn. Thầy Nyaneinda là một bậc chân tu. Vì thương cảnh nghèo của Yadaw Kuma mà thầy giúp đỡ những mong anh vượt qua cơn khó khăn. Sao anh ta có thể nhẫn tâm lừa gạt thầy như thế?

doi-song-dan-an-do-kho-cuc-1631851696.jpgĐời sống của người dân ở Bồ Đề Đạo Tràng vô cùng cực khổ

Trong chuyến đi hành hương về đất Phật Ấn Độ lần này, chúng tôi thật may mắn khi được sư thầy Thích Huyền Diệu, trụ trì chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, đón tiếp, hướng dẫn tu tập và được nghỉ tại chùa của thầy. Buổi tối, ngồi thưởng trà với thầy, biết tôi là thiền sinh, lại đang viết thiên phóng sự về Nhân quả, nghiệp báo, thầy mừng lắm. Thầy bảo: “Luật nhân quả là luật tự nhiên, luật vũ trụ, đã được chứng minh từ hàng ngàn năm qua, rất chính xác và công bằng. Nhưng vì con người vô minh, lòng tham không đáy nên họ đã làm càn mọi thứ. Thế là họ phải lãnh khổ đau trong nhiều trường hợp khác nhau. Nếu mọi người trên thế gian này, ai cũng tin nhân quả, quyết tâm tránh xa điều ác, nguyện làm điều lành thì thế giới này sẽ có hòa bình, an vui, hạnh phúc. Con là nhà báo, nên dùng ngòi bút của mình để chuyển tải những giáo lý tốt đẹp của đạo Phật đến cho chúng sinh để cho đời bớt khổ. Công đức con sẽ lớn lắm đó”. Ngay trong đêm ấy, thầy đã kể tôi nghe một câu chuyện khá rùng rợn về nhân quả xảy ra tại Bồ Đề Đạo Tràng, thuộc quận Gaya, Bihar, Ấn Độ.

Từ nhiều năm nay, tại Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều chùa, tu viện của các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Nepal, Tích Lan, Bhoutan… Gần chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của thầy Huyền Diệu là chùa Miến Điện. Sư trụ trì chùa là thầy Nyaneinda. Vì sống gần nhau nên những lúc rảnh rỗi, hai thầy thường cùng nhau thưởng trà, ngắm hoàng hôn, đàm đạo chuyện đời, chuyện đạo, trong đó, một trong những chủ đề chính là chuyện về nhân quả đời nay. Cả hai thầy đều là phận tha hương, thân cô thế cô lập nghiệp nơi xứ người nên vẫn thường khuyên nhau nên “bán anh em xa mua láng giếng gần”, phải thiết lập truyền thông tốt với những gia đình sống xung quanh chùa.

Ở gần chùa của thầy Nyaneinda có một gia đình nông dân người Ấn tên là Yadaw Kuma. Hai vợ chồng đông con nên nghèo mặc dầu rất chịu thương chịu khó. Suốt 20 năm sống gần chùa, mỗi khi nhà chùa có việc to, việc nhỏ, anh Yadaw Kuma đều có mặt và giúp đỡ rất tận tình. Vì thế, thầy Nyaneinda rất quý. Một lần, anh đến chùa, hỏi vay thầy Nyaneinda 40 ngàn rupees để mua 2 con bò sữa. Anh bảo: “Đời vợ chồng con nghèo nên khổ. Khổ đi liền với nhục. Con không muốn các con của con sống khổ sở, nhục nhã như chúng con nên con tính mua 2 con bò sữa về chăm nuôi, những mong kiếm đủ tiền nuôi các con ăn học. Kẹt nỗi, chúng con không đủ tiền. Kính mong thầy giúp đỡ chúng con. Suốt đời chúng con không quên ơn thầy. Con hứa, 6 tháng sau, con sẽ hoàn trả lại thầy”.

Vào năm 1985, 40 ngàn rupees là tương đối lớn, bằng cả một năm thu nhập của những người lao động bình thường, lại càng lớn so với một bậc chân tu như thầy Nyaneinda. Hơn nữa, chính thầy cũng đang thiếu kinh phí để xây dựng chùa. Nhưng ngày nào anh Yadaw Kuma cũng đến gặp thầy mếu máo, năn nỉ, van lơn. Cuối cùng, thầy cũng xiêu lòng. Thầy vét sạch số tiền thầy có. Chưa đủ. Thầy đi vay mượn thêm chỗ khác, điều mà từ xưa đến nay thầy chưa từng làm bao giờ, cho đủ 40 ngàn rupees để cho anh Yadaw Kuma mượn. Ngày cho anh Yadaw Kuma mượn tiền, thầy Huyền Diệu cũng có mặt. Tay run run đưa bọc tiền, thầy Nyaneinda chậm rãi bảo: “Đây là tiền chùa, tiền của những tấm lòng Phật tử khắp nơi thành tâm cúng dường tam bảo nên rất linh thiêng. Đúng ra, thầy không có quyền cho anh mượn, nhưng vì thương hoàn cảnh của anh đang khó khăn nên thầy mới giúp đỡ. Thầy mong anh cố gắng trả lại cho chùa càng sớm càng tốt, chậm nhất là 6 tháng”. Thầy nói đi nói lại nhiều lần, giọng nói thật hiền từ. Anh Yadaw Kuma trả lời chắc nịch: “Nhất định con sẽ trả lại cho thầy đúng kỳ hẹn. Thầy đừng lo”. Giơ hai tay cầm bọc tiền, anh dập đầu lạy thầy 3 lạy, vẻ mặt hân hoan, rạng rỡ rồi anh quay sang thầy Huyền Diệu vái lia lịa, miệng nói liến thoắng: “Con đội ơn thầy ạ! Con đội ơn thầy ạ!” khiến thầy Huyền Diệu vừa ngạc nhiên, vừa sượng sùng. Thầy không hiểu sao anh nông dân ấy lại xá thầy như tế sao vậy? Thầy có giúp được gì anh ta đâu? Mãi sau này, thầy mới hiểu, chắc anh ta tưởng thầy cho thầy Nyaneinda mượn số tiền đó nên mới lạy thầy. 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Sáu tháng trôi vèo. Thầy Nyaneinda ngóng đợi mãi mà chẳng thấy anh Yadaw Kuma đả động gì đến khoản tiền vay. Nhắc khéo thì anh viện dẫn đủ lý do, tìm cách trì hoãn rồi lặn mất hút, không bén mảng đến chùa. Sốt ruột, lo lắng, một hôm, thầy sai thị giả đến tận nhà mời anh Yadaw Kuma qua chùa uống trà ăn bánh nhân có người từ Miến Điện mới gửi qua. Khi vừa đến nơi, thấy thầy Nyaneinda và thầy Huyền Diệu đang vui vẻ uống trà, anh ta bỗng dưng òa khóc nức nở. Anh vừa khóc, vừa nói: “Con khổ quá thầy ơi! Mấy hôm nay nhà con ốm nặng mà con không có tiền đưa cô ấy đi nhà thương. Chắc nhà con chết mất thầy ơi”. Nói đoạn, anh ta bưng mặt khóc hu hu. Thầy Nyaneinda khẽ thở dài, ánh mắt đầy thương cảm rồi lựa lời an ủi. Thầy mở túi, đưa cho anh ta một ít tiền rồi dặn: “Anh hãy về nhà đưa cô ấy đi viện ngay. Cứu người bệnh như cứu hỏa”. Thấy vậy, thầy Huyền Diệu cũng giúp đỡ anh Yadaw Kuma một ít tiền.

Vài hôm sau, vô tình gặp mấy người hàng xóm của anh Yadaw Kuma, thầy Huyền Diệu sốt sắng hỏi thăm về bệnh tình của vợ anh ta ở nhà thương ra sao? Mọi người ngơ ngác không hiểu gì. Mãi sau, mới vỡ lẽ, họ bảo, vợ anh ta chẳng ốm đau gì sất. Trái lại, chị ta rất khỏe mạnh, đang ở nhà cùng mấy đứa con vắt sữa bò bán kiếm tiền. Bây giờ, đến lượt thầy Huyền Diệu ngơ ngác. Thầy bèn nói chuyện này với thầy Nyaneinda. Nghe xong, thầy Nyaneinda sững người, mặt trầm ngâm. Một lát sau, thầy bảo, giọng lo lắng: “Có lẽ cậu Yadaw Kuma đã cố tình lừa gạt tôi. Tôi có linh cảm số tiền này sẽ mất”. Thấy vậy, thầy Huyền Diệu vội an ủi: “Chắc Yadaw Kuma đang gặp khó khăn nên chưa trả được thôi. Thầy đừng lo”. Thầy Nyaneinda nói, mặt buồn bã: “Mình vì thương người mà bị nạn”.

Một tuần sau. Bồ Đề Đạo Tràng có lễ hội lớn, nhiều người đã đến chùa tham dự, trong đó có những nhân vật nổi tiếng của tiểu bang Bihar và địa phương. Khi lễ hội gần xong, mọi người ra về gần hết, chỉ còn vài nhân vật thân tín ngồi uống trà cùng thầy Nyaneinda và thầy Huyền Diệu thì bất chợt thầy thấy hai vợ chồng Yadaw Kuma đi qua. Thầy bèn mời họ vào uống trà. Vừa ngồi vào bàn trà, Yadaw Kuma đã tấm tắc khen lễ hội năm nay tổ chức hoành tráng, đông vui, lại có nhiều nhân vật cấp cao đến dự. Anh cũng tán thưởng không ngớt những người ngồi uống trà ăn bánh cùng. Chờ anh nói thao thao bất tuyệt một hồi xong, thầy Nyaneinda nhẹ nhàng nhắc anh về khoản nợ 40.000 rupees: “Vì một số hạng mục của chùa đang xuống cấp và hư nát. Anh cố gắng thu xếp gửi lại nhà chùa phần nào để thầy sửa chữa”. Thầy vừa dứt lời, Yadaw Kuma liền trợn mắt ngạc nhiên hỏi: “Ô hay! Tiền mượn thầy con đã gửi lại từ lâu rồi mà, sao thầy còn đòi nữa?”. Thầy Nyaneinda ngớ người: “Anh đã trả thầy hồi nào đâu?”. Yadaw Kuma khẳng định một cách dứt khoát: “Con đã trả lại cho thầy ngay tại chỗ thầy đang ngồi đó. Hay là thầy già nên mắc bệnh quên chăng?”. Đến lượt thầy Nyaneinda ngạc nhiên sửng sốt. Một lúc sau, thầy bảo: “Thật vậy sao? Nếu đúng là anh đã trả tiền cho chùa rồi thì anh hãy đứng dậy, đưa hai tay lên trời và  nói đi nói lại 3 lần: “Tôi đã trả tiền chùa rồi”. Không chờ thầy nói hết câu, Yadaw Kuma đứng dậy ngay, giơ hai tay, ngửa mặt lên trời, bảo: “Con đã trả tiền cho thầy đầy đủ rồi!”. Thầy Huyền Diệu hết sức ngạc nhiên. Thầy ngồi đếm thấy anh ta nói đi nói lại 5 lần chứ không phải 3 lần như thầy Nyaneinda yêu cầu. Nói xong, anh ngồi xuống bình thản rót trà, uống một cách chậm rãi, nét mặt đầy tự tin, tự tin đến độ mọi ánh mắt của các quan khách đều đổ dồn về phía thầy Nyaneinda đầy nghi ngại. Phong thái tự nhiên ấy của Yadaw Kuma khiến mọi người đều tin tưởng vào lời hứa của anh. 

Bữa tiệc trà tàn. Yadaw Kuma và mọi người lần lượt ra về, chỉ còn lại hai thầy. Màn đêm buông xuống tự lúc nào. Sương giăng mù mịt. Không gian tĩnh mịch đến độ nghe thấy tiếng nước sôi reo trong ấm đồng, tiếng than hoa nổ lép bép, tiếng lửa cháy bập bùng. Cả hai thầy đều ngồi lặng im, không ai nói với ai một lời. Một nỗi buồn nhân thế nhẹ mà thấm trào dâng trong tâm hồn. Thầy Nyaneinda là một bậc chân tu. Vì thương cảnh nghèo của Yadaw Kuma mà thầy giúp đỡ những mong anh vượt qua cơn khó khăn. Sao anh ta có thể nhẫn tâm lừa gạt thầy như thế?

Thầy Nyaneinda ngồi im phắc như một pho tượng, nét mặt trầm ngâm, buồn bã. Đêm về khuya, trời càng lạnh. Bếp lửa cháy đỏ hồi chiều cũng gần tàn. Thầy Huyền Diệu cất lời, những mong làm vơi bớt nỗi buồn của người bạn tâm giao: “Thôi! Chúng ta cũng không nên buồn vì chuyện Yadaw Kuma lừa gạt lấy tiền chùa. Chắc kiếp trước mình gạt anh ta nên bây giờ anh ta gạt lại. Còn không, anh ta sẽ trả quả báo rất sớm”. Thầy Nyaneinda gật đầu: “Tôi đồng ý quan điểm đó”. Thầy Huyền Diệu đứng dậy xin phép cáo từ để về chùa tụng kinh niệm Phật. Nhưng mấy ngày sau, khi gặp lại, thầy Nyaneinda vẫn nhắc lại việc Yadaw Kuma gạt tiền chùa mà còn dám thề thốt một cách tỉnh bơ. Thầy nói với vẻ mặt thật buồn và thất vọng. Thầy Huyền Diệu vội khuyên: “Thầy nên quên chuyện đó đi để tâm hồn thoải mái mà lo những việc khác ý nghĩa hơn. Thầy cứ yên tâm, sự thật trước sau rồi cũng tỏ bày, Yadaw Kuma thế nào cũng trả quả báo thật sớm. Vì đây là chỗ linh địa. Tôi đã chứng kiến nhiều việc hiển linh rồi”. Nghe thầy Huyền Diệu nói vậy, thầy Nyaneinda mỉm cười, hứa từ nay không nhắc đến việc của Yadaw Kuma nữa.

Cho đến một buổi sớm tinh mơ, ngoài sân sương mù còn dày đặc, thầy Nyaneinda đích thân đến gõ cửa phòng thầy Huyền Diệu mời qua uống trà. Thầy Huyền Diệu rất ngạc nhiên vì hai thầy thường hay ngồi uống trà khi hoàng hôn xuống, sao hôm nay lại được mời uống trà trong buổi sáng tinh sương như vậy? Biết là có chuyện nên tụng kinh lễ Phật xong, thầy Huyền Diệu vội vã qua thư phòng của thầy Nyaneinda. Đến nơi, đã thấy thầy Nyaneinda pha trà chờ sẵn. Uống chưa hết chén trà, thầy đã hỏi thầy Huyền Diệu: “Thầy có biết tin tức gì mới không?”. Nhìn vẻ mặt nghiêm trang của thầy, thầy Huyền Diệu thấy trong lòng lo lo. Thầy sốt sắng hỏi: “Có chuyện gì thế thầy?”. “Những lời thầy nói với tôi hôm trước linh thiêng lắm”. Thầy Huyền Diệu lại hỏi: “Có chuyện gì mà linh thiêng?”. Thầy Nyaneinda chậm rãi kể, ánh mặt thầy xúc động, giọng thầy nghèn nghẹn: “Tối qua, anh Babulan, người làm công cho chùa Miến Điện đến báo tin cho tôi, vợ Yadaw Kuma không biết sao mà đau bụng dữ dội, vật vã, kêu gào. Yadaw Kuma phải gọi xe cứu thương chở vợ đi cấp cứu. Đến bệnh viện mới phát hiện là quên không mang quần áo ấm cho vợ. Yadaw Kuma cho xe quay về nhà để lấy đồ ấm. Vừa bước chân vào đến cửa thì tự nhiên 2 con bò và 1 con trâu trong chuồng lăn ra chết. Yadaw Kuma hốt hoảng kêu khóc. Babulan và hàng xóm xung quanh nghe thấy vậy chạy tới xem. Sực nhớ đến người vợ đang nằm chờ trong phòng cấp cứu, Yadaw Kuma cố giữ bình tĩnh để lấy đồ. Nhưng hỡi ôi, vừa đem đồ ấm tới nhà thương thì bác sĩ  báo tin, vợ anh đã chết trước khi anh đến chỉ có 5 phút. Anh ngã lăn ra đất khóc lóc thảm thiết. Khóc một hồi, anh ôm xác vợ về nhà mai táng vì theo truyền thống Ấn Độ không được để xác lâu. Hàng xóm láng giềng khiêng xác vợ anh ra bờ sông Phanggu gần Gaya thiêu rồi trải tro xuống dòng sông ngầu bọt. Quay trở về nhà, bỗng dưng 2 con trâu khác và 4 con cừu trong số 10 con lăn đùng ra chết. Hôm sau nữa, 6 con cừu còn lại cũng chết nốt. Dân chúng trong vùng vô cùng hoảng sợ vì nghĩ bệnh dịch đang bùng phát. Một số gia đình gần kề nhà Yadaw Kuma vội vã dọn đồ chạy đi nơi khác sinh sống. Nhưng sự thật không phải bệnh dịch, mà sự cố chỉ xảy ra trong gia đình của Yadaw Kuma.

Sau đó 3 ngày, con trai lớn của Yadaw Kuma lấy xe máy của bố chạy ra đường. Không biết luýnh quýnh thế nào bị xe chở đá chạy ngược chiều đâm đánh rầm. Xác nó văng từng mảnh nhưng chiếc xe của Yadaw Kuma thì còn nguyên vẹn khiến ai cũng ngạc nhiên, không ai giải thích được tại sao người thì tan xác mà xe lại không bị xây xước gì. 

Khi được cảnh sát đến nhà báo tin, Yadaw Kuma vội vã lên xe đi tới hiện trường. Anh ngã gục xuống đất khi nhìn thấy đầu và tay của con bị đứt rời còn thân xác thì nát thành từng mảnh, văng tứ tung khắp nơi. Ôm cái đầu máu me bê bết, anh ngửa mặt lên trời gào lên một tiếng rồi ngất lịm. Tỉnh dậy, anh lại gào khóc như người điên loạn. Cảnh sát và mọi người khuyên anh nên bình tĩnh để còn đi lượm thịt xương của con anh, sợ để lâu sẽ bị hôi thối, quạ và kên kên tới giành ăn sẽ gây khó khăn cho dân làng.

Mọi người cùng đi tìm những mảnh thịt con anh bị xe cán văng tứ phía. Khi phát hiện ra một mảnh thịt, khúc xương, họ lại gọi Yadaw Kuma đến nhặt vì họ sợ xui xẻo. Đó là tục lệ của vùng này. Cũng may, vào mùa đông, thời tiết lạnh nên việc tìm kiếm cũng khá dễ. Mất gần 4 giờ đồng hồ, mọi người mới thu gom hết nhưng tìm mãi vẫn không thấy cánh tay trái và cái chân phải đâu. Cảnh sát bảo, có lẽ khi con anh bị xe cán, thân thể văng tứ tung nên những con chó trong làng thấy và tha đi đâu mất rồi.

Yadaw Kuma bỏ thịt xương con vào cái thùng làm bằng tre, mướn xe định chở về sông Niranjara hỏa táng, nhưng anh lại quyết định đem xác con ra dòng sông Phanggu, nơi mà cách đây mấy ngày đã thiêu xác người vợ thân yêu của anh. Sau khi thiêu xong, tro được các vị thầy tu rải xuống sông. Vị thầy tu Ấn Độ giáo bảo anh: “Chắc anh đã làm gì ác lắm phải không? Bởi khi quăng tro con anh xuống dòng sông trong, tôi nhìn thấy tro có rất nhiều hình mặt kỳ dị hiện ra than khóc. Từ đây về sau, anh nên làm việc lành, lánh xa việc ác. Có thể, cuộc sống sau này mới yên ổn được”. “Jiha! Jiha!”. Yadaw Kuma trả lời bằng tiếng Ấn Độ, có nghĩa là “Vâng! Vâng!” và xá vị thầy người Ấn Độ kia lia lịa.

Thế là, chỉ trong vòng một tuần, vợ chết, con chết, đàn trâu bò cũng chết. Yadaw Kuma chẳng còn gì ngoài thằng con út 12 tuổi và căn nhà nhỏ trống trải, quạnh hiu. Từ bấy, anh như người mất hồn, chẳng thiết ăn, thiết uống. Suốt ngày nằm bẹp trên giường than khóc. Khóc chán, lại ngửa cổ uống rượu. Rượu vào lại khóc. Anh vừa khóc, vừa than: “Tôi ăn ở bất nhân nên trời mới hại tôi như thế này đây”. Hàng xóm thương tình, sang lựa lời khuyên, rằng “ráng sống để còn nuôi đứa con thơ dại”.

Từ hôm mẹ mất, đứa con út suốt ngày phải ăn lê la ngoài đường. Ăn mãi cũng chán. Một hôm, thấy bố tỉnh, nó năn nỉ Yadaw Kuma nấu cơm cho nó ăn. Anh bảo: “Từ trước đến nay mẹ con toàn nấu. Ba có biết nấu bao giờ đâu. Nếu con biết nấu, làm cho ba ăn với”. Dù không biết nấu nhưng khi nghe bố nói vậy, nó cũng xuống bếp. Yadaw Kuma vẫn nằm ngủ trên giường. Chẳng biết nó lụi cụi thế nào mà bếp bùng cháy. Đến lúc cháy lan lên nhà thì hàng xóm phát hiện ra, kêu toáng lên. Yadaw Kuma chợt tỉnh, cuống cuồng chạy ra ngoài. Căn nhà chìm trong biển lửa. Hai cha con ôm nhau khóc bên bờ ruộng thảm thiết. Yadaw Kuma không lấy được gì cả. Tài sản duy nhất còn lại là cái quần đùi đang mặc trên người.

Kể xong toàn bộ câu chuyện trên, ngấp một ngụm trà, thầy Huyền Diệu bảo: “Đời quả thật là vô thường. Thật là đau khổ cùng tận. Lừa gạt của người khác để làm của cho riêng mình bởi không nghĩ đến luật quả báo trả vay. Kết cuộc phải lãnh một cái giá quá đắt. Quả là trời cao có mắt, quả báo nhãn tiền”.

 

Trích trong tập phóng sự Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu tập 2 – NXB Hội nhà văn 2017.