Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định và biểu quyết thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, cấp huyện của tỉnh Cao Bằng vào sáng ngày 11/2 tại phiên họp thứ 42.
Trước đó, tại phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí chỉ xem xét thông qua đề án của tỉnh trong phạm vi sáp nhập huyện Thông Nông vào huyện Hà Quảng và tiến hành sắp xếp với 76 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Cao Bằng.
Còn việc sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, tỉnh Cao Bằng tiếp tục xem xét, nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo xem xét tại Phiên họp lần thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 2/2020.
Phát biểu tại phiên họp thứ 42 về nội dung nêu trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, Cao Bằng đã thực hiện nghiêm túc chủ trương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Việc làm này đều được lấy ý kiến rộng rãi của cử tri, các ủy ban, ban ngành.
Thống kê cho thấy, có 27/27 thành viên của Chính phủ thống nhất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh. Do đó, Chính phủ giữ quan điểm đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Còn Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn nhấn mạnh, chủ trương sáp nhập huyện Thông Nông vào Hà Quảng, sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh, nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên đã được tỉnh Cao Bằng thực hiện một cách nghiêm túc.
Về quy trình, thủ tục sáp nhập, tỉnh Cao Bằng thành lập các ban đi tham quan, học tập ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... Ngoài Ban Chỉ đạo, tỉnh đã thành lập 5 tổ tập trung cho việc sắp xếp, sáp nhập. Đến nay, tỉnh chưa nhận được ý kiến phản đối nào của nhân dân về việc không đồng ý sáp nhập các huyện trên.
Tỉnh ủy đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn trước mắt nhằm hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững. Trên 90% cử tri và nhân dân đồng thuận với việc sáp nhập.
Về lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã phân ra 2 khu vực là miền Đông và miền Tây. Việc phát triển kinh tế, tỉnh cũng đã xây dựng kinh tế-xã hội cho toàn tỉnh dựa trên trụ cột chính về kinh tế, du lịch, dịch vụ.
Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm, đặc biệt là tuyến đường giao thông biên giới. Tỉnh Cao Bằng có lịch sử thành lập được 520 năm, các dân tộc rất đoàn kết, thống nhất cho việc sáp nhập các huyện nói trên.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cũng mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ngoài các yếu tố về dân số, địa lý thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tính đến vấn đề quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ ở biên giới và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.
Sau thảo luận, với 100% Ủy viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí biểu quyết thông qua việc sáp nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên của tỉnh Cao Bằng.
Trước đó, chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng và thảo luận về các đề án này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Phát biểu kết thúc nội dung được thảo luận, xem xét, quyết định nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm chính trị, cách làm bài bản, tích cực, nghiêm túc triển khi Nghị quyết của Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn từ 2019-2021 ở 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm kịp thời thực hiện Đại hội Đảng bộ các cấp theo đúng kế hoạch đề ra.
Các bộ ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính. Đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống của nhân dân ở các đơn vị được sắp xếp; bảo đảm an ninh quốc phòng, đoàn kết trong nhân dân; chính sách cho cán bộ cán bộ, công chức.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính; kịp thời nắm bắt các vướng mắc của địa phương để kịp thời có biện pháp khắc phục, tháo gỡ./.
Nguyễn Hoàng