Sea Games đổi mới – Sea games thành công

Bế mạc SEA Games 31 thành công, thể thao Việt Nam lại ngay lập tức chuẩn bị để sớm thi đấu tốt tại các giải châu lục và thế giới.

tong-sap-sea-games-1653445291.jpgChú thích ảnh

 

SEA Games 31 vừa kết thúc. Đoàn Việt Nam đã phá kỷ lục SEA Games về quốc gia đoạt số huy chương Vàng trong một kỳ đại hội cao nhất từ trước tới nay.

Với huy chương Vàng môn bóng đá nam, đoàn Việt Nam đã “chốt sổ” 205 huy chương Vàng, 125 huy chương Bạc và 116 huy chương Đồng, qua đó, giành ngôi nhất toàn đoàn.

446 huy chương các loại đoạt được qua một kỳ SEA Games (dù diễn ra trên sân nhà) là con số không tưởng đối với các nhà quản lý thể thao Việt Nam khi SEA Games 31 chưa diễn ra.

Dù SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà nhưng ngay khi họp Trưởng đoàn thể thao các nước Đông Nam Á phiên chuẩn bị, Ban tổ chức Việt Nam đã đề nghị bắt đầu từ SEA Games 31, sẽ không tổ chức thi đấu các môn thể thao khu vực, chỉ tổ chức các môn thi theo chuẩn châu Á (ASIAD) và chuẩn thế giới (OLYMPIC). Đề nghị của Việt Nam khiến các nước Đông Nam Á bất ngờ nhưng ngay lập tức, họ đồng ý với đề xuất của nước chủ nhà Việt Nam. Cũng đã từ lâu, thành ngữ “Giải ao làng” đã khiến thể thao Đông Nam Á tự ti và các giải SEA Games không được châu Á và thế giới đưa vào hệ thống thi đấu chính thức.

Mới một kỳ SEA Games đổi mới, châu Á và thế giới chưa chấp nhận ngay, nhưng với thời gian, tương lai thể thao ở vùng trũng Đông Nam Á sẽ sớm theo kịp tầm thể thao của châu lục, tiến tới tầm thế giới.

Đại diện thể thao Việt Nam đã hứa tổ chức một kỳ SEA Games trung thực, công bằng với mọi quốc gia: “SEA Games 31 là sân chơi công bằng, sòng phẳng. Việt Nam không đưa vào các môn thế mạnh của mình, và cũng không hạn chế thế mạnh của bạn”.

Tại SEA Games 31 Ban tổ chức đã mời hơn 1.300 quan chức và trọng tài quốc tế đến từ các Liên đoàn châu Á giữ trọng trách “Cầm cân nảy mực”, tránh mối lo từ các trọng tài khu vực Đông Nam Á sẽ thiếu khách quan do những mối quan hệ phức tạp ngoài thể thao. Ở những môn chấm điểm theo cảm tính, BTC đã sử dụng “công nghệ VAR” để xem lại những tình huống gây tranh cãi và ở các môn như điền kinh, bơi lội, bắn súng… đều có những thiết bị tính điểm hiện đại nhất hỗ trợ.

Kết thúc SEA Games 31, hầu như không xảy ra những cuộc kiện cáo lùm xùm, tốn nhiều giấy mực của báo chí như những SEA Games xưa.

Đoàn Việt Nam đã đoạt 466 huy chương các loại, trong đó có 205 huy chương Vàng, bỏ xa Thái Lan, quốc gia tuyên bố trước kỳ SEA Games sẽ đoạt ngôi vị nhất toàn đoàn.

Trong số 205 huy chương Vàng Việt Nam đoạt được có 119 huy chương Vàng ở các môn sẽ thi đấu tại Olympic Paris 2024, chiếm 58% tổng số huy chương Vàng Việt Nam đoạt được. Điều đó đã khẳng định sự đầu tư đúng hướng vào các môn thể thao cơ bản Olympic của các nhà quản lý thể thao Việt Nam.

Tại môn điền kinh, đoàn Việt Nam đã đoạt 22 huy chương Vàng, bỏ xa cường quốc điền kinh Thái Lan. Tại môn bơi, dù không còn Ánh Viên, đội tuyển bơi chỉ chịu đứng sau cường quốc bơi lội Singapore với 11 huy chương Vàng.

Ở môn bóng đá, các đội tuyển nam nữ đều đoạt huy chương Vàng, trong đó thày trò HLV Park Hang-seo đã lập kỷ lục giành huy chương Vàng ở hai kỳ liên tiếp và không để thủng lưới bàn nào trong một kỳ đại hội.

Chuyện ngoài lề

Có một số người cho rằng số huy chương Việt Nam đoạt được tại SEA Games là xứng đáng, nhưng vì là nước chủ nhà nên đoạt nhiều huy chương như vậy hơi thiếu thân thiện, là “hơi tham”.

Họ lại sa vào tâm lý “vui vẻ cả” của “Giải ao làng“ khi xưa.

Khẩu hiệu của phong trào Olympic từ ngày thành lập là “Nhanh hơn – Cao hơn – Mạnh hơn”.

Đã là vận động viên, khi thi đấu đều phải nỗ lực hết mình theo tôn chỉ đó. Ngay ở mỗi đội tuyển bộ môn đều có sự thi đua quyết liệt giữa các vận động viên và giữa các quốc gia, tính cạnh tranh quyết liệt còn được đẩy cao gấp bội.

Ở một khía cạnh khác, những tấm huy chương giành được còn là sự ghi nhận nỗ lực tập luyện của các vận động viên và trong khó khăn thời dịch bệnh, số tiền đi kèm huy chương còn giúp không ít vận động viên trang trải nợ nần khi duy trì cuộc sống và tập luyện cường độ cao.

Đại dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Nhiều quốc gia đã bị gián đoạn khi chuẩn bị và cũng không thể gửi tới SEA Games 31 lực lượng tốt nhất của mình.

Riêng Việt Nam, là nước chủ nhà SEA Games nên việc chuẩn bị lại được kỹ lưỡng và tập trung cao độ.

Ngay khi bệnh dịch đang hoành hành dữ dội, các trung tâm huấn luyện vẫn bền bỉ vượt khó, đào tạo vận động viên theo hình thức cách ly khép kín, kể cả việc tập chay ở các bộ môn đòi hỏi phải có cơ sở thể thao đạt chuẩn hoặc các dụng cụ tập luyện phù hợp. Các vận động viên đều ý thức nghĩa vụ của mình khi tham gia thi đấu tại kỳ SEA Games tổ chức tại sân nhà. Như vậy, việc đoạt ngôi vị nhất toàn đoàn một cách thuyết phục là hệ quả tất yếu của sự đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm của ngành thể thao Việt Nam.

Việt Nam đã chiến thắng thuyết phục trong kỳ SEA Games tổ chức tại nước mình, nhưng thực tế việc giành nhiều huy chương Vàng ở các môn thi Olympic không có nghĩa chúng ta đã đạt tới tầm châu lục hoặc thế giới. Những thành tích tầm ASIAD hay Olympic tại SEA Games 31 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế thể thao Đông Nam Á chưa tiệm cận được ngay tầm ASIAD và Olympic, nhưng đây là bước khởi đầu để thể thao Việt Nam và cả nền thể thao Đông Nam Á vươn lên tầm châu lục và thế giới.

Bế mạc SEA Games 31 thành công, thể thao Việt Nam lại ngay lập tức chuẩn bị để sớm thi đấu tốt tại các giải châu lục và thế giới.

Trước mắt, đội tuyển bóng đá nam U23, và các đội tuyển bóng đá nam nữ quốc gia không được ngủ quên trên chiến thắng, mà sẽ lên đường tham gia các giải châu lục và thế giới trong ít ngày tới.

Lại khởi đầu mới cho một chu kỳ khổ luyện và thi đấu nỗ lực của các vận động viên Việt Nam.

 

Chuyện làng quê