Ông Lý Trọng Sinh, đại diện dòng họ Lý ở xã Phiêng Luông chia sẻ: "Tết này chúng tôi thường gọi là Tết cầu mùa, thế nhưng không phải dòng họ nào cũng giữ được. Dòng họ chúng tôi muốn duy trì để bảo tồn bản sắc văn hoá từ xa xưa truyền lại”.
Cùng với ý nghĩa cầu mùa, Tết nhảy còn là nghi lễ linh thiêng cúng Bàn Vương Thủy tổ của dân tộc Dao nhằm tạ ơn tổ tiên và các vị thần nên đồng bào Dao Tiền hết sức coi trọng. Theo ông Lý Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện Mộc Châu, cũng là người Dao Tiền, nghi lễ cầu mùa rất là linh thiêng, cầu cho 1 năm mùa màng bội thu và thường thì 2-3 năm sẽ tổ chức một lần tại nhà ông trưởng họ. "Khi mà 1 năm mùa màng bội thu thì tất cả con cháu trong dòng họ sẽ lại tập trung vào nhà ông trưởng họ, thường là dịp trước ngày 29 Tết, nhưng cũng có khi sau Tết. Những nhà trong họ chuẩn bị bánh bột gạo, gà, góp rượu tổ chức chúc cho một năm đã qua mùa màng bội thu và lại cầu cho một năm mới bội thu nữa".
Với người Dao Tiền, Tết nhảy là Tết của dòng họ nhưng lại mang một ý nghĩa chung của cả cộng đồng làng bản, cho nên trước khi tổ chức, các lễ vật phải được chuẩn bị hết sức chu đáo. Tết nhảy thường được tổ chức tại nhà ông trưởng họ, nơi thờ tự tổ tiên gia tộc. Để có một cái Tết nhảy thật vẹn toàn, gia đình ông trưởng họ phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các vật phẩm cần thiết để làm lễ dâng cúng và thết đãi những người tham dự. Lễ vật gồm có bánh trái, thịt lợn cùng những sản vật của đồng bào thu được từ trồng cấy và chăn nuôi, săn bắn...
Và đặc biệt, trong lễ Tết nhảy của người Dao Tiền ở Phiêng Luông không thể thiếu được cây lộc. Ông Lý Văn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện Mộc Châu giải thích: “Trên cây lộc này rất nhiều quả, tượng trưng cho năm vừa rồi mùa màng bội thu và lại cầu trong một năm mới bội thu nữa. Bên cạnh đó thì cũng phải có con gấu, con sóc, rồi tổ ong. Ý nghĩa ở đây là cầu mùa rồi thì đi săn bắn hái lượm. Nếu vào rừng gặp tổ ong, gặp con sóc, con gấu thì đó là những điều may mắn”.
Cùng với những lễ vật dâng cúng, trong lễ Tết nhảy của đồng bào Dao Tiền, theo ông Lý Đúm, một người Dao Tiền ở Phiêng Luông, trong quá trình hành lễ có rất nhiều đạo cụ nhạc cụ như dao, kiếm, loa, kèn, trống, chiêng…
Nét đặc sắc trong Tết nhảy là phần lễ và hội cùng đan xen nhau. Những người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Đầu tiên là múa bài thượng đàn, mỗi người cầm một thứ nhạc cụ như chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ, vừa múa vừa hát. Có một điều lưu ý là phụ nữ người Dao Tiền không được tham gia ở phần nghi lễ mở đầu và phần kết thúc. Các phần hội đan xen xòe cộng đồng thì mọi người bình đẳng với nhau, bất kể gái, trai, già, trẻ đều có thể tham gia múa.
Tiếng trống, tiếng chiêng cùng những điệu múa, điệu nhảy trong lễ Tết nhảy như có một "lực thiêng" thu hút và khiến mọi người xích lại gần nhau, gắn kết cộng đồng bền chặt bao đời nay. Tết nhảy là một phong tục truyền thống thể hiện đời sống tinh thần của người Dao Tiền, không chỉ mang lại niềm tin về một vụ mùa mới bội thu, mang may mắn, bình yên cho cuộc sống của đồng bào mà còn góp phần làm cho bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm phong phú sắc màu./.