Sông Ba, hoài niệm xưa và nay

Người Việt thường đặt tên các con sông theo hình tượng như sông Hồng (nước màu hồng), sông Mã (nước như ngựa)… Đối với sông Ba khi chảy qua mỗi vùng miền, hay đi qua mỗi buôn làng sắc tộc, sông lại được gọi bằng những cái tên khác nhau, luôn là điều mới mẻ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cuối dòng sông Ba trước khi đổ ra biển Đông là đô thị Tuy Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: VÂN NGUYÊN

“Gia đình” nhà sông

Sông Ba (sông cha) bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rô (tỉnh Kom Tum), ở độ cao 1.549m so với mặt nước biển. Sông dài 388km, chảy qua 3 tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Phú Yên và đổ ra biển Đông tại cửa Đà Diễn. Trên thượng nguồn sông Ba có tên là Ea Pa rồi La Pa, tiếng Ba Na nghĩa là “nước nhiều, suối lớn”. Khi xuôi về đến đập Đồng Cam lại có thêm tên Đà Rằng, từ tên Ea Đrăng, tiếng Chăm là “con sông lau sậy”. Sông Ba có tổng lưu vực 13.900km2, có lưu lượng nước tại Củng Sơn là 257m3/s.

Sông con (phụ lưu) là sông Ayun từ núi Krông Hdung (tỉnh Gia Lai) ở độ cao 1.220m, có phụ lưu 2.950km2, dài 192km; sông Ayun nhập với sông Ba phía trên thị trấn Cheo Reo. Sông Krông Hnăng, bắt nguồn từ núi Chư Tung (tỉnh Gia Lai) ở độ cao 1.250m, có phụ lưu 1.753km2, độ dài 130km; nhập với sông Ba tại ranh giới tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Sông Hinh bắt nguồn từ núi Chư Hơmu (tỉnh Đắk Lắk) ở độ cao 2.051m, có phụ lưu 1.040km2, dài 88km; nhập với sông Ba phía trên thị trấn Củng Sơn. Sông Ba như cây đại thụ, có rất nhiều cành nhánh, như một gia đình vui mỗi khi mùa về, buồn khi bão lũ đi qua.

Sông Ba là mạch sống cho những cánh rừng đại ngàn, nhiều dãy núi trùng điệp, đem lại trù phú cho hàng trăm buôn làng, các sắc tộc, nuôi sống hàng triệu con người. Từ thời xa xưa, những di tích Chăm Pa như Đồng Miếu, Thành Hồ, Tháp Nhạn bên bờ sông Ba ở Phú Yên cho thấy dòng sông này rất quan trọng với người dân nơi đây; những tác phẩm thơ ca, nhạc họa, sử thi, văn hóa vật thể, phi vật thể của các đồng bào dân tộc cũng xuất phát từ dòng sông này.

Tiềm năng phát triển kinh tế

Đầu thế kỷ XX cùng với việc khai hóa Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, người Pháp rất chú trọng việc xây dựng hệ thống cầu đường; trên dòng sông Ba có 3 cầu chính: cầu Đà Rằng trên quốc lộ 1 trên địa phận tỉnh Phú Yên, cầu Sông Ba trên quốc lộ 19 và cầu Lệ Bắc trên quốc lộ 25 nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai. Các cây cầu trên dòng sông Ba oai hùng, là chứng tích của lịch sử, đi qua bom đạn chiến tranh, vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ.

Ngày nay, sông Ba qua địa phận Phú Yên có thêm các cầu được xây dựng mới, đó là: Cầu Sông Ba Hạ trên quốc lộ 19C nối Sông Hinh với Sơn Hòa; cầu Dinh Ông nối Tây Hòa với Phú Hòa, cầu Đà Rằng mới trên tuyến tránh quốc lộ 1, cầu Đà Rằng và Hùng Vương nối đôi bờ TP Tuy Hòa. Mỗi cây cầu được xây dựng trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng đều cùng chung sứ mệnh, đó là đem lại niềm vui cho đôi bờ.

Nơi điểm đầu sông Đà Rằng tại thôn Mặc Hàn, người Pháp chọn xây dựng công trình đập Đồng Cam (năm 1924), là một kiệt tác về xây dựng của thế kỷ XX, một hệ thống thủy lợi tự chảy, tưới cho 20.000ha đồng lúa Tuy Hòa. Năm 1994, hồ Ayun Hạ được xây dựng, tưới hơn 8.000ha ruộng lúa ở Tây Nguyên, chưa kể còn rất nhiều các hồ đập khác.

Sông Ba có lưu lượng nước rất lớn, lại ảnh hưởng của vùng khí hậu Nam Trung Bộ, mùa mưa đến chậm hơn 2 tháng; với đặc điểm trên, các nhà máy thủy điện trên sông Ba làm tăng khả năng điều tiết phát điện cho hệ thống điện quốc gia trong mùa khô. Sông Ba trở thành mục tiêu khai thác điện năng của ngành Điện, với trữ lượng khoảng 2,85 tỉ kWh.

Trên lưu vực sông Ba có 9 nhà máy thủy điện, gồm: Kanak, An Khê, Đắk Rông, Ayun Thượng, Sông Ba Thượng, Ayun Hạ, Ea Krông Hơnang, Sông Ba Hạ, Sông Hinh. Về năng lượng khai thác, sông Ba được xếp hạng thứ 5 của các con sông ở Việt Nam sau sông Đà (Tây Bắc), Đồng Nai (Tây Nguyên - miền Đông), Sê San (Tây Nguyên), Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam). Các hồ đập trên sông Ba còn cắt lũ cho vùng hạ du, tăng khả năng cấp nước cho cây trồng, vật nuôi, cho các đô thị. Các nhà máy hai bên bờ sông góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Phú Yên nằm trọn trên sông Đà Rằng, đoạn cuối của dòng sông Ba trước khi đổ ra biển Đông, nên được thừa hưởng nguồn nước ngọt và trữ lượng cát vô tận, là hai nguồn tài nguyên quý giá. Sông Ba là điểm nhấn trong hành lang phát triển kinh tế trục đông - tây của Phú Yên; hai bên bờ sông là các nhà máy, khu công nghiệp, thôn làng, đặc biệt là các đô thị Hai Riêng, Củng Sơn, Phú Thứ, Phú Hòa và Tuy Hòa. Theo quy hoạch sẽ có thêm 3 đô thị là Đồng Cam (Phú Hòa), Sơn Thành Đông (Tây Hòa) và Tân Lập (Sông Hinh). Như vậy, trong tương lai Phú Yên có 8 đô thị hai bên bờ sông Ba.

Sông Ba hiện tại đang bị bồi lấp, làm thay đổi dòng chảy, nạn phá rừng đầu nguồn làm nhiều đoạn sông khô cạn. Cửa Đà Diễn là điểm cuối của sông Ba, hàng trăm năm nay người dân làng biển Phú Câu và xóm Rớ thường tổ chức cúng biển, cúng sông. Lễ hội cầu ngư diễn ra vào ngày 16/3 và lễ hội cúng thu vào ngày 15/8 (âm lịch). Có những năm vào mùa khô, cửa Đà Diễn bị bồi lấp, làng biển lại tổ chức “cúng đột xuất”, cầu cho các thần linh phù hộ cửa sông được mở, tàu thuyền ra khơi, vào cảng được dễ dàng.

Hai bờ sông Ba từ cầu Đà Rằng lên đến cầu Dinh Ông tương lai sẽ được xây kè, phía trên kè là đường nối các điểm dân cư, các đô thị, làm tăng giá trị của đất hai bên bờ. Sông Ba mang nặng phù sa, trẻ mãi không già.