Srinagar (Ấn Độ) nhận danh hiệu "Thành phố Sáng tạo" nhờ nghệ thuật dân gian

Thành phố Srinagar tại vùng lãnh thổ liên bang Kashmir của Ấn Độ vừa được bổ sung vào Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, nhờ kho tàng các loại hình văn hóa dân gian tại đây. 

 

 

Srinagar không phải là thành phố đầu tiên tại Ấn Độ được UNESCO ghi danh là "Thành phố Sáng tạo". Trước đó, Mumbai - thủ phủ tài chính của Ấn Độ đã được công nhận nhờ ngành công nghiệp phim ảnh, Hyderabad được biết tới nhờ kho tàng ẩm thực. Thành phố Jaipur, cũng như Srinagar nổi tiếng nhờ các loại hình nghệ thuật và thủ công; trong khi thành phố Chennai và Varanasi được biết tới nhờ âm nhạc.

Việc Srinagar được ghi danh "Thành phố Sáng tạo" nằm trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO là một vinh dự lớn với người dân tại đây. Thị trưởng Srinagar Junaid Azim Mattu cho rằng đây là lúc quảng bá bản sắc và di sản của thành phố này: "Chúng tôi phải tạo một vị thế cho chính mình trên toàn cầu. Chúng tôi muốn giới thiệu với thế giới những di sản và tài sản của nền văn hóa, văn minh mà chúng tôi đã thừa hưởng từ quá khứ”.

Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và thủ công truyền thống tồn tại và lưu truyền ở Kashmir qua hàng thế kỷ, đặc biệt là nghề dệt khăn choàng pashmina, sản xuất thảm dệt tay, vải phiran, thêu quần áo mùa đông. Đây được coi là một phần quan trọng của ngành du lịch tại Kashmir. Ngoài ra, Kashmir cũng được biết tới với nghề chạm khắc gỗ, làm đồ thủ công bằng giấy và một số nghệ thuật trình diễn. Tiêu chí để UNESCO đưa một thành phố vào danh sách Mạng lưới Thành phố Sáng tạo gồm: thủ công, nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, thiết kế phim, ẩm thực, văn học và âm nhạc.