Tát đìa bắt cá - Niềm vui thôn dã

Hàng năm, vào khoảng tháng mười một, tháng chạp âm lịch là bọn trẻ ngoài lòng náo nức trông chờ Tết đến, còn thú vui nữa là tham gia tát đìa. Nói tham gia chứ thật ra đây là công việc của người lớn, khá nặng nhọc tùy thuộc vào đìa to hay nhỏ.

Do nhu cầu, có những đìa được cơi rộng ra chứa nước tưới vườn và sử dụng đến cuối năm vẫn còn khá đầy. Dây mây, cốc kèn, bình bát…mọc ven bờ rủ bóng xuống mặt đìa che khuất từng cụm bọt cá. Đìa nào có lùm bụi um tùm như vậy thường nhiều cá do môi trường sống thích hợp cho việc sinh sản, tăng trưởng.

chuyejn-qu2z-1630325876.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

 

Sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, nước đồng cũng “rọt” dần, các loại cá theo bản năng tìm đường xuống đìa nước trú ẩn. Thường khi người ta không tổ chức tát đìa trùng ngày với nhau như để có dịp họp mặt đầy đủ vui hơn. Việc tát nước bằng gàu cũng rất công phu, dỡ chà xong họ luân phiên từ lúc ba, bốn giờ sáng để đến hừng đông kịp chuẩn bị bắt cá. Những thân hình lực lưỡng, cơ bắp chắc khỏe, thuần thục dẻo dai hứng và trút từng gàu nước nặng trịch. Mệt lắm chớ hổng phải chơi! Quanh đìa ngồi túm tụm người nhà với thùng, thau, rổ xúc, nơm…bàn tán, phỏng đoán về lượng cá sắp bắt. Gió sớm lành lạnh, giọng ai đó rè rè mộc mạc ngâm nga “Đèn nào cao bằng đèn Châu đốc…Gió nào độc bằng gió Gò công…”.

Thiệt lạ ! ai cũng rao xứ này gió độc, vậy mà mấy ai chịu rời bỏ quê đâu ? cho dù có biết chắc cuộc sống sẽ khá hơn lên. Có cùng cực bất đắc dĩ tha phương thì lòng lúc nào cũng canh cánh niềm thương nhớ. Nước cạn dần, cá lớn lặn ngầm chỉ ục nhẹ, cá nhỏ nhốn nháo như bọn trẻ chộn rộn hét vang “ kìa…cá chúi…cá chúi !” mặc cho người lớn rầy rà. Vài người lội xuống khơi nguồn nước, ngừng gàu đề tát vét bằng thùng thiếc. Họ đặt bọng hứng cá trắng, tép trứng nhảy soi sói từng đàn. Mấy con chim dòng dọc, sáo đen, cò quắm…từ nãy giờ ríu rít chực chờ ở các ngọn tre cũng sà xuống dáo dác nghiêng ngó kiếm ăn. Không khí khẩn trương, tất bật cho tới lúc mặt trời lên cao chừng ngọn sào là cạn nước, thời điểm dàn ngang bắt cá. Người bắt phải có kinh nghiệm mò sâu tay, không bỏ sót chỗ nào, nhất là nơi rậm rạp, bùn sâu lút. Tiếng reo hào hứng, trầm trồ khi có người hai tay đưa lên chú cá lóc đen bóng to cỡ bắp chân, thuộc dạng lưu niên “mọc râu”. Lại xuýt xoa theo dõi anh móc hang cá trê tới con thứ mười vẫn chưa hết ổ. Cá lóc, trê, rô, sặc, chạch…được chuyền tay từng thùng lên bờ liên tục. Mấy bà, mấy cô í ới gọi nhau phân loại, thay nước, đổ cá vào lu, mái. Đôi khi tóm được lưon, rùa, rắn nước, rắn ri…mấy ông sồn sồn thấm ý cười vang “mồi bén đó nghen !”.

Bọn trẻ len lén, thập thò đặt chân xuống mặt bùn để bắt vội vài con cá nhỏ ló cái miệng tròn vo thoi thóp. Cảm thấy vừa lòng với kết quả thu được, gia chủ vổ tay bồm bộp ra hiệu chấm dứt buổi tát đìa. Nồi cháo cá đã sôi ở góc vườn, mấy tấm đệm trãi sẳn chờ những người tham gia tát đìa tắm rửa xong là vào cuộc nhậu. Cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn ai mà chẳng thích. Những dĩa cá trằng, tép trừng xào sả ớt vun đầy như mời gọi. Những con cá lóc to kềnh vớt từ nồi cháo chín nứt da, thịt căng trắng muốt. Than củi hừng hực cời ra đặt vĩ nướng cá trê, cá chạch…khói bốc thơm lừng. Nước mắm gừng, nước mắm me, muối ớt chanh…bày ra để dùng riêng cho từng món ăn mới gọi là đúng sách. Rau vườn đủ loại, từ cải trời, bông súng, đọt xoài, đọt choại, sầu đâu, quế, húng cây…đơm đầy các mâm bên cạnh những chùm ớt hiểm bẻ nguyên cành gợi nhớ nếp sống gần gũi thiên nhiên, thuở cha ông khẩn hoang, khai phá…

Trong lúc người lớn lên bờ, bọn trẻ thả sức “bắt hôi”, mò chỗ này, chụp chỗ kia khiến bùn văng tung tóe, lại còn cãi nhau inh ỏi. Vài con cá lóc khéo chúi, nhưng bị sục sạo riết xót mắt phải trồi lên phóng lướt mặt bùn, rốt cuộc trong vòng vây khép kín cũng đành chịu phép. Chừng nước rĩ vào xâm xấp thì người nhà cặm chà lại, bọn trẻ “bắt hôi” mới chịu rời đìa. Đứa nào cũng hí hửng xách giỏ đụt đựng cá, tép về nhà để được mẹ vừa tắm cho vừa khẽ mắng trong sự thương yêu trò nghịch ngợm con trẻ. Rồi chúng cũng sớm trở lại chỗ tát đìa để được ăn cháo cá, cùng là hàng xóm cả. Những người quanh đệm vẫn thong thả nhâm nhi, ăn uống, bàn chuyện thời vụ, canh tác…trong không khí thân mật, ấm cúng. Tát đìa, ngoài nguồn thu nhập phụ gia đình còn là nét riêng trong sinh hoạt cộng đồng ở vùng quê, góp phần thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm…

Theo Chuyện làng quê