"Thả" Lan về rừng

Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các các tỉnh đồng bằng sông Hồng tại phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, từ ngày 8-12/10/2020…

Một vườn lan quý. (ảnh minh họa). Ảnh: NNVN.

Theo ông Vương Xuân Nguyên-Chánh văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội tại buổi họp báo tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các các tỉnh đồng bằng sông Hồng sẽ có một sự kiện đặc biệt là “thả lan” quý về rừng. Hai loại hoa lan rất hiếm là lan kim tuyến và lan thạch hộc tía thời gian qua trong tự nhiên đã bị khai thác vô tội vạ gần như sắp tuyệt chủng, chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc vì dược tính quý của chúng, hiện giá 1 kg lan cả thân, lá, rễ giá 3 triệu đồng, 1 lít tinh dầu lan 1,3 tỉ đồng.

Vừa rồi dưới sự đầu tư, tài trợ của những doanh nghiệp lớn, các nhà khoa học đã nuôi cấy được 2 triệu cây lan quý và sẽ hiến 10.000 cây cùng với 680 giò lan hiếm để đặt vào rừng khu đền Thượng thuộc Vườn quốc gia Ba Vì. Đây là cách duy trì hệ sinh thái của khu vườn này cũng như phát triển bền vững các nguồn gen quý hiếm ở đây.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các các tỉnh đồng bằng sông Hồng là hành động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô, đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra các hoạt động chính như sau: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá trên 150 gian hàng gồm hàng nghìn dòng sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh thành phố trên cả nước.

Lan đang là một cây cảnh có khả năng làm kinh tế cao (ảnh minh họa). Ảnh: NNVN.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, hát ca trù, hát xẩm, cụ đồ viết thư pháp, làng nghề nặn tò he, trải nghiệm làng nghề Bát Tràng. Trình diễn văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc vùng miền, như: thưởng ngoạn trà sen, bún ốc, bánh tôm Hồ Tây, cốm làng Vòng, các đặc sản biểu trưng cho vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng miền trong cả nước. Đồng thời khách tham quan sẽ được thưởng thức tác phẩm “Tứ linh hội tụ” biểu trưng cho sự kiện được kết tinh từ các sản phẩm OCOP do các nghệ nhân lành nghề thực hiện và hòa quyện cùng không gian trưng bày với trên 200 tác phẩm đặc sắc của làng hoa lan và nghệ nhân Thủ đô.

66 bức ảnh hoa cây cảnh và hoạt động xây dựng Nông thôn mới với chủ đề “Sắc hương đất Việt” giới thiệu cho mọi người cách nhìn mới về một ngành kinh tế sinh thái là hoa cây cảnh. Hiện cả nước có khoảng 50.000ha hoa cây cảnh trong đó riêng Hà Nội đang có khoảng 5.000ha, cây hoa lan thời gian gần đây đã là mặt hàng chủ lực, chiếm giá trị cao.

Trong khuôn khổ hội chợ, khai mạc sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền gắn với văn hóa các các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thời gian tổ chức 19h00’ ngày 09/10/2020.

Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP vào 13h30 ngày 09/10/2020, nhằm mục đích kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Cũng theo Ban tổ chức, các sản phẩm trưng bày tại hội chợ đều được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020, các sản phẩm đặc sản vùng miền của các địa phương. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng đều được kiểm tra truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trước khi trưng bày và trong quá trình ở hội chợ còn có thể được phân tích, kiểm tra nhanh chất lượng bằng 1 xe ô tô test chuyên dụng...

 

Bạn đang đọc bài viết Hơn 10.000 cây lan quý sẽ được “thả” vào rừng Vườn Quốc gia Ba Vì tại chuyên mục Nông thôn mới của nông nghiệp Việt Nam">Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.