Ông nội tôi là một nhà nho nghèo, từng tham gia phong trào Khởi nghĩa Yên Thế, nhưng không may bị mất sớm. Bà nội tôi kể: Tiếp nối truyền thống của gia đình, cha tôi nổi tiếng là người sống giản dị, cương trực và tham gia các hoạt động yêu nước từ rất sớm. Từ cuối năm 1939, khi chưa tròn 20 tuổi cha tôi đã tham gia phong trào Du kích Bắc Sơn từ khi cuộc khởi nghĩa còn manh nha. Cuối năm 1940, khi phong trào du kích Bắc Sơn bị Pháp đàn áp, gia đình bà nội tôi đã cưu mang một số đội viên du kích về lánh nạn...
Làng Đồng Điều quê tôi còn được gọi là "Làng Đỏ" vì là một trong những địa phương có phong trào Cách mạng sớm nhất vùng Yên Thế - Bắc Giang. Từ năm 1942 đồng chí Hà Thị Quế (1921 - 2012, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III và IV, từng là đại biểu Quốc hội các khóa II,III,IV,V,VI, cố Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã về xây dựng phong trào. Cha tôi là một trong những thanh niên được giác ngộ đầu tiên. Theo yêu cầu của tổ chức, cha tôi được điều vùng Hải Ninh (thuộc Quảng Ninh ngày nay) để xây dựng cơ sở Cách mạng. Nhưng sau đó 2 năm liền mất liên lạc với gia đình, ai cũng tưởng ông đã chết, lấy ngày ra đi làm ngày cúng giỗ. Năm 1944, cha tôi bất ngờ trở lại quê, còn đưa mấy đồng chí của ông trở về cùng. Điều bất ngờ hơn, không hiểu bằng cách nào mà ông còn được bổ nhiệm làm Tri huyện của huyện Hải Tri, tỉnh Hải Ninh một thời gian ngắn(?).
Ngày 13/7/1945, theo lệnh của bà Hà Thị Quế, cha tôi đã chỉ huy đội du kích địa phương mai phục tại Dốc Đanh, bắt sống Tri phủ Tưởng Văn Trang và toán lính. Đó cũng là sự kiện mở đầu cho Cách mạng tháng 8 năm 1945, cha tôi đã cùng các đồng chí của ông tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền tại Yên Thế - Bắc Giang sớm nhất. Hiện nay, chính quyền địa phương đã xây dựng một Bia Di tích lịch sử. Cha tôi, cụ Đặng Chấn là một trong 4 người có tên trong bia đó.
Với thành tích nuôi dưỡng nhiều cán bộ Cách mạng trước năm 1945, sinh thời, bà nội tôi cũng nhiều lần được Nhà nước đón về Hà Nội dự những ngày lễ lớn và có lần còn vinh dự được ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Trái tim người lính