Thanh Hoá: Khu di tích đền thờ và lăng mộ Nguyễn Nhữ Lãm: Cần được xây dựng xứng tầm

Khu di tích đền thờ và lăng mộ Nguyễn Nhữ Lãm, xã Xuân Lập (Thọ Xuân - Thanh Hoá) là di tích về một nhân vật lịch sử có công lớn trong cuộc bình Ngô khai quốc. Cuộc đời, sự nghiệp của ông đã được sử sách ghi nhận và xem như là một nhân vật anh hùng của thời đại. Hiện vật còn lưu giữ được trong di tích là những tác phẩm nghệ thuật mang tính mỹ thuật cao. Tuy nhiên trải qua những thăng trầm của lịch sử, một số hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng...


Bậc khai quốc công thần thời Lê sơ

Theo sử sách ghi lại: Nguyễn Nhữ Lãm sinh năm Mậu Ngọ (1378) trong một gia đình nghèo làm nghề đánh cá và làm ruộng ven sông Chu tại làng Đa Mỹ, còn gọi là làng Mía hay Thịnh Mỹ, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh dưới ngọn cờ cứu nước giải phóng dân tộc của Lê Lợi. Trong những ngày đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, giặc Minh đã tập trung lực lượng đàn áp nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng nghĩa quân. Tương quan lực lượng lúc này rất chênh lệch, vài trăm nghĩa quân phải đương đầu với gần 5 vạn tên địch cùng hàng trăm voi ngựa chiến. Nguyễn Nhữ Lãm đã cùng với các tướng lĩnh khác chỉ huy nghĩa quân chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt hàng trăm tên xâm lược. Trong những tình thế hiểm nguy nhất, chỉ trong nửa đầu năm 1418, nghĩa quân đã phải hai lần rút lên núi Chí Linh để tạm tránh cuộc truy đuổi của địch. Trong một cuộc vây quét của địch, Lê Lai đã tình nguyện hi sinh để cứu Lê Lợi. Lực lượng nghĩa quân bị hao mòn dần, lương thực không còn, có lần nghĩa quân phải trải qua gần ba tháng tuyệt lương, phải ăn măng tre nứa, củ mài... để sống qua ngày. Chính trong tình thế hiểm nguy đó, được lệnh của Lê Lợi, Nguyễn Nhữ Lãm đã trở về vùng quê Đa Mỹ tổ chức, vận động nhân dân quyên góp gạo, muối để tiếp tế cho nghĩa quân. Ông chỉ huy đội thuyền của những người dân làng chài Đa Mỹ ngược sông Chu rồi qua sông Âm ngược lên Chí Linh tiếp tế lương thực và mắm muối cho nghĩa quân. Nhờ vậy, nghĩa quân đã thoát khỏi tình thế hiểm nghèo nhất bảo toàn được lực lượng để tiếp tục chiến đấu...

Sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, xét thưởng cho người có nhiều công đóng góp cho cuộc kháng chiến đặc biệt là hàng tướng lĩnh, Lê Lợi đã cho Nguyễn Nhữ Lãm mang quốc tính nhà vua và ông trở thành một trong những khai quốc công thần có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, chính trị, ngoại giao, kiến trúc và góp phần vào việc giữ gìn và xây dựng nhà nước Đại Việt vững mạnh ở thế kỷ 15. Nguyễn Nhữ Lãm mất tháng 5 năm Đinh Tỵ (1437) khi đang giữ trọng trách “Thượng thư lệnh tham tri chính sự tu bắc đạo quân dân bạ tịch sự đình hầu”. Sau khi ông mất, nhà vua đã sắc dụ cho nhân dân thôn Đa Mỹ, các làng lân cận và con cháu trong dòng họ Nguyễn Mậu an táng và xây dựng lăng mộ ở chính quê hương của ông. Lúc đầu lăng được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến, xung quanh khu vực địa điểm cũ của lăng mộ còn rải rác một số hiện vật bằng đá như nghê đá, sập đá...

Con cháu cụ Nguyễn Nhữ Lãm tự hào giới thiệu về truyền thống của cha ông.

Khu di tích bị xuống cấp nghiêm trọng

Khu di tích đền thờ lăng mộ Nguyễn Nhữ Lãm trước đây nằm cạnh sông Chu, qua hàng mấy trăm năm lịch sử, sông đổi dòng nên đền thờ và lăng mộ bị sụt lở lớn. Vì vậy chính quyền địa phương cùng bà con nhân dân Thịnh Mỹ đã quan tâm và di chuyển toàn bộ khu di tích về địa điểm mới. Trong quá trình di chuyển, hơn nữa do sự sụt lở của sông nên một tấm bia đá lớn, một voi đá loại lớn và một số di vật bằng đá khác bị ngập sâu dưới nước chưa cho phương tiện và biện pháp đưa lên bờ được. Một số phiến đá lớn trước đây vốn là những bậc tam cấp của đền thờ cũng chưa di chuyển về địa điểm mới. Hiện tại mới di chuyển được 2 cột đá lớn, vốn trước đây là cột cổng của đền thờ về địa điểm mới, nhưng việc xây dựng tôn tạo không có quy hoạch cụ thể, bởi vậy hai cốt đá này vẫn đang để trong khu vực di tích. Cùng với ngân sách của Nhà nước và xã hội hóa, từ năm 1993 đến nay, diện mạo của di tích cũng được tôn tạo tương đối hoàn chỉnh về quy mô kiến trúc. Với nguồn công đức của nhân dân địa phương khu vực đền thờ đã được tu sửa tương đối khang trang, riêng khu vực lăng mộ ở gò Bái Lăng ở xã Xuân Lập, con cháu trong dòng họ đã trồng thêm được nhiều cây xanh...

Ông Đỗ Huy Nhất - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập (Thọ Xuân) cho biết: Đền thờ, mộ Nguyễn Nhữ Lãm được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia năm 2000. Tuy nhiên trải qua thời gian, hiện nay di tích khu mộ Nguyễn Nhữ Lãm, xã Xuân Lập bị xuống cấp nghiêm trọng gồm: Khu mộ được xây dựng bằng chất liệu gạch trát vôi vữa, tường bị nứt, rêu mốc, bong tróc, sân lát gạch bát bị nứt, lún, bong tróc, rêu mốc, hệ thống đường bao quanh di tích chưa hoàn thiện; đường đi từ cổng khu mộ được láng bằng xi măng đã bị xuống cấp, lún, rêu mốc... chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương mỗi khi đến di tích. Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình với Bộ VH,TT&DL về thẩm định báo cáo tu bổ tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia khu mộ Nguyễn Nhữ Lãm, xã Xuân Lập ...

Việc đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích khu mộ Nguyễn Nhữ Lãm là rất cần thiết. Mục tiêu, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích khu mộ trước nguy cơ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đó cũng là mong muốn của không chỉ người dân 2 xã Thọ Diên, Xuân Lập, huyện Thọ Xuân.