Biểu diễn Ca trù. (Ảnh: Trần Đàm)
Tiếng trống “chát”, “tom” xen tiếng phách rộn ràng lúc khoan, lúc nhặt, tiếng đàn sâu lắng quyện hòa vào lời ca vang xa da diết ân tình tạo thành chuỗi âm thanh trầm ấm, lắng sâu, lay động hồn người.
Hát ca trù ở Thanh Hóa có từ thời nào không rõ, chỉ biết rằng xứ Thanh là đất quý hương của nhà Lê, đã sinh ra vị vua sáng của triều Lê là Lê Thánh Tông. Vị vua văn võ toàn tài, thơ văn trác việt. Người đứng đầu hội “Tao đàn nhị thập bát tú” đã chế ra khúc Hà nam trong âm luật Hồng Đức, sau này là giai điệu của hát nói vừa mang sắc thái hoang sơ, huyền bí như là Thiết nhạc, một bản thể lâu đời nhất của ca trù, vừa phóng khoáng linh động, lại đài các cao sang.
Truyền thuyết về cây đàn đáy và hát ca trù còn lưu lại: Có người thư sinh Đinh Lễ tình cờ gặp hai tiên ông trong rừng thông nơi chàng thường đến uống rượu ngâm thơ. Một ông tiên cho chàng miếng gỗ ngô đồng, một ông lại cho chàng hình vẽ một cây đàn và bảo Đinh Lễ tìm người đóng theo mẫu ấy rồi dùng đàn để giúp đời. Ai đang buồn nghe tiếng đàn liền tiêu tan sầu muộn, ai đau ốm nghe tiếng đàn thấy tâm hồn thư thái và khoẻ mạnh.
Đinh Lễ vâng lời hai ông tiên dặn, chàng cho đóng đàn theo như hình mẫu. Quả nhiên khi tiếng đàn cất lên thì chim chóc, muông thú ở muôn nơi đến thưởng thức. Một hôm Đinh Lễ ngao du đến châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Vị quan châu ở nơi đây có một cô gái xinh đẹp tên là Bạch Hoa. Khi lên 10 bỗng nhiên cô mắc bệnh nặng và sau đó bị câm. Sang tuổi 19 nhan sắc của cô thật tuyệt trần, khiến nhiều chàng trai mê mẩn, nhưng có điều buồn là cô vẫn không nói, không cười.
Rồi cái ngày mà Đinh Lễ đến châu Thường Xuân ấy và với cây đàn huyền dịu của chàng, tiếng lành đã đồn đến khắp bản dưới, mường trên. Dân làng liền báo cho quan châu biết Đinh Lễ có cây đàn mầu nhiệm, quan châu bèn cho mời chàng về dinh. Thi lễ xong, Đinh Lễ so dây đàn rồi dạo lên mấy khúc, tức thì nàng Bạch Hoa tiểu thư con quan đang ngồi ăn cơm trong rèm nghe tiếng đàn réo rắt, tâm tình bèn bỏ bát cơm, rồi lấy hai chiếc đũa gõ lên bàn theo nhịp đàn và bỗng nhiên nàng bật lên tiếng nói: “Tiếng đàn hay quá” từ lúc ấy nàng Bạch Hoa lại nói cười được như những ngày nào.
Vợ chồng quan châu mừng lắm liền gả con gái quý cho Đinh Lễ. Trong ngày thành hôn của họ Đinh Lễ soạn khúc “Loan phụng hoà mình”, lời ca tiếng đàn ngân lên làm cho mọi người hết lời khen ngợi. Khúc ca ấy được truyền tụng mãi đến mai sau.
Để nhớ lúc nàng Bạch Hoa nghe tiếng đàn hay đã lấy hai chiếc đũa gõ nhịp hòa âm với lời ca bay bổng, ngày nay hát ca trù vừa hát, phải vừa gõ phách bằng hai dùi trên lá phách. Truyền thuyết đẹp và nên thơ ấy vẫn được người dân nơi này mãi nhắc nhớ và tự hào.
Hát ca trù có các lễ tục phải kiêng kỵ tên bậc tổ trong phường. Như truyền thuyết kể trên, người được các vị tiên truyền cho cách đóng đàn đáy là Đinh Lễ, vì vậy chữ “lễ” phải đọc chệch đi là “lỡi”. Nàng Bạch Hoa người vợ của ông, vì vậy phải đọc chữ “bạch” thành “biệc”, “hoa” đọc ra là “huê...”
Giáo phường ca trù có phong tục thờ thầy. Học trò theo nghề ca hát mỗi lần hát đình đám phải trích một phần tiền hát góp với phường để cung dưỡng thầy gọi là tiền đầu.
Hàng năm vào ngày 11 tháng Chạp, giáo phường có tục lễ tổ làm lễ tế Bạch Hoa công chúa. Có tục “mở xiêm áo”. Khi một người học biết cầm lá phách, biết hát các loại làn điệu, khúc thức, bài hát một cách căn bản thì xin phép được làm lễ trình. Những người am hiểu nghề trong giáo phường tụ họp lại, sát hạch người học trong một buổi, nếu trả lời thông suốt, giọng ca hoà nhập với tiếng đàn lời phách, trống chầu, thể hiện được cái thần của ca từ... thì được phép chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ Cao tổ, rồi mời quan viên có danh vọng, am hiểu ca trù tới nghe và cầm trống cho buổi hát đầu tiên gọi là “Lễ mở xiêm áo”.
Trong các làng quê xứ Thanh từ xa xưa và cho tới trước những năm 1960 của thế kỷ XX vẫn còn nhiều nơi hát ca trù - hát cửa đình. Hát cửa đình ở Thanh Hóa được hát vào dịp tế thờ Thành hoàng làng, không tham gia vào việc tế thần mà chủ yếu là hát vui trong dịp thờ thần, hát ở nơi hội hè, mừng thọ, tiệc vui, đôi khi những người hát, người đàn lại đàn hát cho nhau nghe.
Hát ca trù có ở các làng quê như Vệ Yên - Quảng Thắng (TP Thanh Hoá), Hoa Trai (Tĩnh Gia), Xá Lê, Thuần Hậu - Xuân Minh, Bàn Thạch - Xuân Quang (Thọ Xuân), Bái Thủy - Định Liên (Yên Định), Hoằng Phú, Hoằng Trạch, Hoằng Phong (Hoằng Hoá). Ở Ngọc Trung - Xuân Minh (Thọ Xuân) còn có đền thờ tổ sư nghề ca công. Ở Đồng Lạc (Hoằng Trạch, Hoằng Hoá) thờ bà Chúa Trắng - là cô gái đẹp hát hay, bà đã dạy hát cho dân và trở thành một nghề truyền thống. Ngôi đình là nơi tổ chức hát, hôm nào bà hát người đứng nghe chật ních. Bà được nhà vua khen và thưởng rất hậu. Giữa hát ca công, cửa đình tỉnh Thanh với ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh), Lỗ Khê (Đông Anh - Hà Nội ) có sự giao tiếp và ảnh hưởng lẫn nhau. Ca trù Lỗ Khê có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Người đưa ca trù xứ Thanh ra đất Thăng Long không ai khác chính là Đinh Triết. Là con trai Đinh Lễ. Chàng trai họ Đinh đã đưa ca trù ra Lỗ Khê và khi mất đã được tôn là tổ nghề ở đây.
Người ta thống kê ca trù có trên 80 làn điệu và đến những năm 1930 vẫn còn 44 làn điệu lưu truyền trong nhân dân. Giọng hát ca trù thường lấy nguyên âm “ư”, nguyên âm êm dịu, trầm ấm lan xa làm nền.
Cách hát ca trù ở tỉnh Thanh cũng đơn giản. Trước cửa đình, trên một cái chiếu trải rộng, người hát vừa hát vừa gõ phách, có nhạc cụ đệm. Một ban hát chỉ 3 người là đủ. Nhân dân đi xem lễ xong đứng vòng trong, vòng ngoài mà xem hát.
Thời gian trôi qua, có lúc ca trù rơi vào quên lãng, những nghệ nhân ca trù âm thầm nhớ tiếc và hoài niệm... Song, cùng với sự đổi mới của đất nước, quê hương cùng với những giá trị văn hoá cổ truyền được khơi dậy, gìn giữ, phát huy. Ca trù lại trở về với cuộc sống đời thường của nó. Các canh hát ca trù lại được ngân lên trên quê hương Đinh Lễ, Bạch Hoa, từ châu Thường Xuân núi biếc non xanh cho đến đôi bờ sông Chu, sông Mã và về với biển nơi thờ bà Chúa Trắng - sóng vỗ mênh mang, dạt dào con nước đầy vơi cùng năm tháng. Lời ca tiếng phách ấy lại còn vang lên trên đất Hà thành, góp lời ca của quê Thanh cùng với Bích Câu đạo quán - câu lạc bộ ca trù mãi bay xa.
Trước đây, đến làng quê nào ta cũng đều bắt gặp người đàn và hát ca trù, nhưng những người hát ca trù ở tỉnh Thanh được như cụ Diệm hiện nay hiếm lắm. Năm nay cụ Diệm đã ngoài 80 tuổi người huyện Hậu Lộc. Nghe cụ hát và tay gõ phách cùng lời ca mở đầu canh hát “Gặp Xuân” của thi sĩ Tản Đà:
Xuân ơi, xuân hỡi
Vắng xuân lâu ta vẫn đợi, chờ mong
Trải bao nhiêu ngày tháng hạ, thu, đông
Ròng rã nỗi nhớ thương, xuân có biết?
Khứ tuế xuân quy, sầu cửu biệt
Kim niên xuân đáo, khách tương phùng...
Giọng ca của cụ trong vắt, lúc nhấn, lúc nhả, lúc én giọng rất tài tình, chả thế mà thời còn trẻ với giọng ca nền nã, cụ đã được mời hát cho vua Bảo Đại nghe và ông ta như bị hút hồn.
Người chơi đàn trong canh hát hôm ấy là cụ Ngô Trọng Bình, 75 tuổi. Ngay từ nhỏ, cụ đã say đàn và những canh hát cửa đình. Cha của cụ là người chơi đàn có tiếng. Cây đàn đáy cụ đang gẩy là cây đàn thờ của dòng họ ở Nông Cống đã “tìm mặt gửi vàng” trao lại, cụ coi đó như báu vật. Ngón đàn của người nghệ sĩ già thật tài hoa, buông bắt hòa với trống phách và lời ca làm chúng ta cảm phục.
Chiếc trống chầu của nghệ sĩ Mạnh Bảo (Đoàn Nghệ thuật Chèo) được anh sử dụng thật tài nghệ và điêu luyện, luôn ăn nhịp với tiếng đàn, tiếng phách, giọng ca. Roi trống trong tay người nghệ sĩ luôn múa tít, lúc điểm lên mặt trống, lúc gõ xuống tang tạo nên chuỗi âm thanh lay động hồn người.
Nghe ca trù, được chứng kiến điệu hồn của cha ông từ xưa vọng lại. Tiếng hát mượt mà, lảnh lót, tình tứ mà đắm say hòa với tiếng phách phát ra từ thanh tre những chuỗi âm thanh chắc gọn, cùng với tiếng đàn lay động tâm can, tiếng trống chầu giữ nhịp... tất cả bừng lên chan chứa ân tình. Chính vì vậy ca trù đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.
Hãy giữ lấy ca trù, nét đẹp và độc đáo của văn hoá cổ truyền xứ Thanh. Chúng ta cần bảo lưu và phát triển những giá trị quý giá mà cha ông truyền lại để cho nét ca trù ngấm vào mạch đất, thấm vào lòng người bay bổng, toả lan.