Thanh Hóa: Người giữ lửa cho trò diễn Pồn Pôông xứ Mường

Về làng Lỏ (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), hỏi Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng không ai là không biết, bởi từ lâu mế đã là niềm tự hào, là một trong những cây đại thụ có công giữ gìn, bảo tồn và phát triển trò diễn Pồn Pôông của người Mường nơi đây.

 

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng cùng các học viên lớp truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trò diễn Pồn Pôông 

Niềm tự hào của bản Mường

Như nhiều trẻ con nơi đây, ngay từ nhỏ bé gái Phạm Thị Tắng đã thích ca hát, nhảy múa theo tiếng cồng, tiếng chiêng, những điệu hát, múa bên cây Bông tất cả đã trở nên thân thuộc như cơm ăn và nước uống hằng ngày. Khi biết chạy nhảy, Phạm Thị Tắng đã theo gia đình học múa, học hát rồi học bốc thuốc chữa bệnh… Khi trưởng thành, mế Tắng bắt đầu hiểu rõ hơn vẻ đẹp các giá trị của những điệu hát, múa nói riêng và những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường nói chung.

Mế Tắng chia sẻ: Để hiểu hơn Pồn Pôông, ngoài quan sát, cảm nhận của bản thân thì cần học hỏi từ những nghệ nhân lớn tuổi. Họ chính là kho tàng sống vô cùng quý giá giúp mình hiểu biết toàn diện về những giá trị văn hóa của dân tộc mà họ nắm giữ, thực hành. Nhờ các nghệ nhân lớn tuổi chỉ dạy, mình càng thêm yêu quý, trân trọng những vốn quý này. Chính vì thế, lúc nhỏ tôi ham học hỏi lắm nên giờ đây tôi mới có thể truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những trò diễn Pồn Pôông.

Mế Tắng tích cực lặn lội khắp nơi, trên đất Ngọc Lặc nơi nào cũng in dấu chân của mế, ông Bùi Hồng Nhi, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa huyện Ngọc Lặc luôn tự hào, vinh dự khi nhắc đến mế Tắng ông cho rằng nếu không có những người như mế Tắng thì việc phục dựng và truyền dạy cho thế hệ trẻ là rất khó khăn và khó thực hiện.

Không dừng lại ở đó, mế còn trực tiếp tham gia truyền dạy cho các lớp diễn viên trẻ đội nghệ thuật quần chúng của huyện cũng như của xã để kế thừa và tiếp tục gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ truyền thống, dân gian của huyện, phục vụ nhân dân trên địa bàn cũng như tham gia các cuộc Liên hoan nghệ thuật dân gian do huyện, tỉnh, Trung ương tổ chức đạt nhiều giải cao.

Nét văn hóa độc đáo

Pồn Pôông là một trong những nét văn hóa không thể thiếu của người Mường xưa. Lễ hội bắt nguồn từ “Sử thi đẻ đất đẻ nước” của người Mường. Pồn Pôông là lễ thưởng hoa, chơi hoa, thường được tổ chức vào mùa xuân. Lễ hội Pồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò với rất nhiều trò chơi, trò diễn. Pồn Pôông gồm 48 trò diễn đặc sắc như: Chia đất chia nước, làm nhà, phát nương, làm rẫy, đi cày, đi bừa, nhổ mạ, đi cấy, gặt lúa, xay lúa, giã gạo, đồ cơm, đánh cá, đốt ong, chọi gà, tắm ngựa, đánh cù, đánh đáo, săn hổ, kéo co, ném còn, dệt vải... Các trò diễn xướng đều xoay quanh cây Bông - Trung tâm xuyên suốt của mọi nghi lễ và hoạt động vui chơi, mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ. Nhìn vào cây Bông người ta có thể thấy được cả một xã hội Mường xưa được thu nhỏ. Người Mường làm cây Bông với tấm lòng thành kính nhằm gửi gắm vào đó những kỳ vọng trong một năm mới với những điều tốt lành.

Mế Phạm Thị Tắng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016.

 Theo lời mế Tắng, để trở thành trụ cột của một lễ hội thì biết hát, múa thôi là chưa đủ. Trong trò diễn Pồn Pôông, phải cần có trên 6 người cùng nhau diễn, múa hát bên cây Bông. Nhưng nhân vật chính thì chỉ có một. Chủ của hội Pồn Pôông gọi là Ậu Máy. Nhân vật này được mặc định phải là một người có uy tín trong làng, được truyền nghề từ một Ậu Máy đi trước.

Ậu Máy phải là người có ma Nổ (ma Nổ là vừa làm thầy, vừa bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong bản). Gia đình mế Tắng vốn có truyền thống “nhà Nổ” nên khi muốn trở thành người diễn chính trong lễ hội, bà vừa phải học làm thầy cúng, bốc thuốc chữa bệnh vừa phải học hát, học múa.

Năm 2016, mế Phạm Thị Tắng vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Chia sẻ niềm vui này, mế cho biết: “Vinh dự và phấn khởi lắm, danh hiệu là nguồn động viên to lớn đối với những nghệ nhân như chúng tôi. Cả đời đã gắn bó với trò diễn Pồn Pôông, tôi mong có thật nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho thế hệ con cháu”. Những nỗ lực của mế Tắng đã làm cho đời sống văn hóa người Mường thêm phần phong phú và sinh động, ngọn lửa mà mế thắp lên, đã và đang lan tỏa cho thế hệ trẻ tiếp nối. Bởi thế Pồn Pôông không chỉ là của riêng người Mường Thanh Hóa, mà còn là di sản Quốc gia.