Thời phong kiến ở nước ta có mấy Tao Đàn?

Tôi xin thưa ngay rằng, CÓ BA ĐÀN THƠ CỠ LỚN. Không phải Tao đàn NHỊ THẬP BÁT TÚ do vua Lê Thánh Tông sáng lập là Đàn Thơ đầu tiên đâu. Đàn thơ đầu tiên ở nước ta, ra đời ở đời Trần, do Văn Huệ Vương TRẦN QUANG TRIỀU sáng lập và làm Chủ Soái. Đó chính là BÍCH ĐỘNG THI XÃ.

bl1tb-1630139790.jpgNhà văn Vũ Bình Lục

1

Sở dĩ tôi phải viết bài này, là để tập trung vào vấn đề tưởng như ai cũng biết, nhưng thực ra ngay cả phần đông trí thức chuyên ngành nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử, triết học tôn giáo v.v…ở nước ta hiện nay, cũng còn rất lơ mơ. Thậm chí, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học nước ta, vẫn chưa có một bài viết, một xác nhận ở cấp độ văn bản chính thức nào về vấn đề này. Vẫn chỉ là người sau nói theo người trước về những nhận định đã cũ, đã lạc hậu một cách máy móc mà thôi! Đặc biệt là các phương tiện truyền thông, kể cả báo in, báo hình, báo nói, báo mạng…đều cứ vô tư phát ngôn chưa chính xác. Do vậy mà thông tin đến bạn đọc cả nước và người Việt ở nước ngoài, vẫn còn đang ở mức rất hạn hẹp mà sai lệch. Nghĩa là chưa mấy ai biết đến cái Tao đàn đầu tiên ở nước ta, đã có từ đời nhà Trần. Chẳng phải là điều đáng buồn, đáng trách, đáng tiếc lắm hay sao?

Ngay chiều tối hôm qua (26-8-2021), tôi nghỉ viết, nằm xem ti vi, thấy có chương trình giới thiệu về Tao đàn CHIÊU ANH CÁC ở Hà Tiên, thời lượng khá dài. Nhà nghiên cứu nổi danh Trương Minh Đạt còn nói đại ý rằng Tao đàn CHIÊU ANH CÁC do Mạc Thiên Tích sáng lập, là TAO ĐÀN THỨ HAI Ở NƯỚC TA, SAU TAO ĐÀN “NHỊ THẬP BÁT TÚ” DO VUA LÊ THÁNH TÔNG SÁNG LẬP. Điều này chứng tỏ, không chỉ các nhà nghiên cứu ở phía Nam ngày nay còn ít biết về văn học cổ nước ta, mà ngay cả những nhà nghiên cứu ở ngoài Bắc, vẫn chưa có mấy ai tìm hiểu kỹ vấn đề này. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng căn bản cái căn bệnh “ăn theo nói leo” nó đã ngấm vào máu thịt của rất nhiều người ở nước ta.

2

Vậy, ở nước ta thời phong kiến, có mấy ĐÀN THƠ? Tôi xin thưa ngay rằng, CÓ BA ĐÀN THƠ CỠ LỚN. Không phải Tao đàn NHỊ THẬP BÁT TÚ do vua Lê Thánh Tông sáng lập là Đàn Thơ đầu tiên đâu. Đàn thơ đầu tiên ở nước ta, ra đời ở đời Trần, do Văn Huệ Vương TRẦN QUANG TRIỀU sáng lập và làm Chủ Soái. Đó chính là BÍCH ĐỘNG THI XÃ.

Trần Quang Triều (1287-1325) con trai cả của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, cháu nội Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Là một người thông minh tuấn tú từ nhỏ, mới 14 tuổi, Trần Quang Triều đã được vua Trần Anh Tông phong là VĂN HUỆ VƯƠNG, được giới quý tộc nhà Trần rất yêu quý và nể trọng. Ông được vua Trần Nhân Tông gả công chúa Thượng Trân làm vợ. Làm quan ở Thăng Long, nhưng khi vợ Trần Quang Triều mất, ông xin về chịu tang vợ và không ra làm quan nữa. Trần Quang Triều làm cư sĩ ở chùa Quỳnh Lâm và sáng lập BÍCH ĐỘNG THI XÃ ở đó, lấy tên chữ là NGUYÊN ĐẠO, tên hiệu là CÚC ĐƯỜNG CHỦ NHÂN, rồi VÔ SƠN ÔNG. BÍCH ĐỘNG THI XÃ mới chính là Thi đàn đầu tiên ở nước ta, tồn tại hàng chục năm ở chùa Quỳnh Lâm, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Tôi đã viết khá kỹ về hoạt động và sáng tác của một số thành viên tiêu biểu ở BÍCH ĐỘNG THI XÃ trong bộ sách GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG (đời Lý-Trần) gần ba ngàn trang và cuốn sách TRẦM TÍCH ĐÔNG TRIỀU mới gần đây, cũng hơn sáu trăm trang. Chỉ xin nêu tóm tắt một số chi tiết.

Chủ Soái của Đàn thơ này là VĂN HUỆ VƯƠNG TRẦN QUANG TRIỀU. Thơ Trần Quang Triều hiện chỉ còn thấy khoảng 11 bài thơ chữ Hán, chủ yếu là thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Thơ Trần Quang Triều tài hoa mà mực thước. Các thành viên mà chúng ta biết được, là thông qua những bài thơ của họ viết về Chủ Soái Tao đàn BÍCH ĐỘNG THI XÃ. Nhà thơ nổi tiếng nhất, viết hay nhất, tác phẩm còn lại nhiều nhất (hơn hai chục bài) chính là thi sĩ Nguyễn Ức. Tôi cho rằng, Nguyễn Ức là một trong những tác gia xuất sắc nhất ở đời Trần. Khi giải mã thơ chữ Hán của Nguyễn Ức, tôi đã tìm ra quê quán của Nguyễn Ức ở bên cạnh chùa Diên Quang, còn gọi là chùa Hàm Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, phải kể đến các thi sĩ nổi bật, đó là Nguyễn Sưởng, Nguyễn Tử Thành… Một số nhà thơ nổi tiếng, làm quan to suốt đời, đều từng là bạn học, đồng liêu hoặc là thi hữu thân thiết của các thành viên THI XÃ BÍCH ĐỘNG, như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi v.v…Có người viết Nguyễn Trung Ngạn cũng là thành viên của BÍCH ĐỘNG THI XÃ, nhưng chưa có cứ liệu chắc chắn. Lý do là bởi BÍCH ĐỘNG THI XÃ tập hợp những quan chức đã bỏ chức quan về quê ẩn dật, ở thời kỳ vương triều Trần đã bắt đầu có sự phân hóa, đặc biệt là trong giới quý tộc. Trần Quang Triều chán cảnh làm quan, ông về chùa Quỳnh Lâm làm cư sĩ, tu tập và nghiên cứu Phật học. Các thi nhân ẩn sĩ ở BÍCH ĐỘNG THI XÃ, phần nhiều từng làm quan dưới trướng Văn Huệ Vương. Ngoài ra còn những nhà sư, những nhà Nho học vấn uyên thâm, cũng tìm đến am Bích Động ở chùa Quỳnh Lâm xướng họa. Đến năm 1324, vua Trần Minh Tông đích thân mời Trần Quang Triều về Thăng Long, giữ chức Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ (Tể tướng). Nhưng không bao lâu, đến tháng 8 năm 1325, Trần Quang Triều đột ngột qua đời, hưởng dương ở tuổi 38.

Hành trạng các thành viên BÍCH ĐỘNG THI XÃ, sử sách hầu như còn bỏ trống. Đơn giản là các vị ấy bỏ chức quan đi ẩn cư, sống không ai hay, chết không ai biết. Chúng ta biết được hoạt động của Tao đàn này chủ yếu qua thơ văn của họ ít nhiều còn được lưu lại. Những năm chiến tranh, nhà nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA mới chỉ giao trách nhiệm cho VIỆN VĂN HỌC sưu tầm thơ văn đời Trần, biên soạn thành sách, ba tập, quy mô khá lớn. Tuy nhiên, cũng mới chỉ có một số tác phẩm nghiêng về cảm hứng công dân được giới thiệu trong nhà trường, để biểu dương, giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của cha ông ta mà thôi. Còn hầu hết phần thơ văn ở nửa sau đời Trần, tôi gọi là THỜI KỲ VÃN TRẦN, chủ yếu là cảm hứng trữ tình bản thể, thì không thấy có ai quan tâm nghiên cứu. Sở dĩ thơ văn đời Lý-Trần không còn được bao nhiêu, là vì tên trùm diệt chủng, diệt văn hóa lớn nhất mọi thời đại là Minh Thành Tổ (Chu Đệ) đã sai quân tướng thủ tiêu triệt để nền văn hóa của chúng ta, khi chúng đánh bại Hồ Quý Ly (1407). Nhiều thế hệ người Việt Nam không hề biết đến văn học thời VÃN TRẦN, không biết đến Đàn thơ đầu tiên ở nước ta là BÍCH ĐỘNG THI XÃ, cũng bởi lý do khách quan và một phần chủ quan do những người quản lý Văn hóa, quản lý Giáo dục cấp quốc gia không mấy quan tâm đến nó. Đó là một khiếm khuyết rất lớn, nếu chưa muốn nói là có tội với tiền nhân, với Nhân dân, với thế hệ trẻ, không thể không nhắc lại để các nhà quản lý Văn hóa, quản lý Giáo dục ngày nay phải rút ra bài học đáng trách này…

Tao đàn thứ hai, được vua Lê Thánh Tông (1442-1497) sáng lập, thường gọi là Tao đàn NHỊ THẬP BÁT TÚ, mà chính vua Lê Thánh Tông trực tiếp làm Tao đàn Nguyên soái. Các ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận và cả Thái Thuận nữa, làm Phó Nguyên soái, cùng các vị khoa bảng nổi tiếng thơ hay. Danh sách 28 ngôi sao văn chương ở Tao đàn NHỊ THẬP BÁT TÚ, còn có chỗ chưa thống nhất. Những vị khoa bảng học vấn rất cao, thơ thể hiện sự uyên bác, khéo, nhưng nặng về xướng họa quan phương, ca ngợi công đức của nhà vua và triều đại thịnh trị. Nhiều bài còn khiên cưỡng, lặp đi lặp lại, nhạt và sáo. Chỉ riêng có Thái Thuận thì khác hẳn. Thơ Thái Thuận chân thành, giàu phẩm chất nhân bản, trữ tình bản thể, nghệ thuật cao, rất đáng được lưu truyền. Đương nhiên, còn một số nhà thơ không tham gia Tao đàn, nhưng thơ của họ lại rất hay. Thơ thời kỳ này số lượng còn lại cũng không nhiều, bởi nhiều lý do, nhưng chủ yếu là việc bảo quản lưu giữ. Một số vị quan khoa bảng, bị cách chức, bị mắc trọng tội gì đó, phần đông là bị bọn xấu ghen ghét tài năng vu cáo oan ức, con cháu buộc phải thay tên đổi họ, lưu lạc khắp nơi, không dám giữ lại di cảo của cha ông. Đáng tiếc lắm thay!

Tao đàn thứ ba ở nước ta thời phong kiến, chính là Tao đàn CHIÊU ANH CÁC ở Hà Tiên, do Mạc Thiên Tích (Mạc Thiên Tứ), con trai Mạc Cửu sáng lập vào năm 1736, hoạt động đến năm 1770. Mạc Thiên Tích lập ra CHIÊU ANH CÁC, tập hợp những người tài giỏi đến đây đàm đạo nhiều vấn đề, cả chính sự, kinh tế, thương mại…chứ không hẳn chỉ có xướng họa văn chương. Khá đông người Hoa sống ở Nam Bộ và cả những người Hoa từ Trung Quốc đi thuyền đến Hà Tiên buôn bán, đồng thời cùng nhau xướng họa thơ ca. Đầu thế kỷ 20 vợ chồng nhà giáo, thi sĩ Mộng Tuyết – Đông Hồ giàu nhiệt huyết khởi động lại, thu hút sự tham gia của nhiều văn nhân thi sĩ miền Nam tham dự. Về Tao đàn CHIÊU ANH CÁC, chúng tôi cũng đã viết kỹ hơn trong sách VŨ BÌNH LỤC-TÙY BÚT.

3

Tóm lại, chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý Văn hóa và Giáo dục nên giành nhiều thời gian nghiên cứu, phổ biến thành tựu của Tao đàn đầu tiên ở nước ta, chính là BÍCH ĐỘNG THI XÃ ở đời Trần. Và đương nhiên, phải đính chính lại những phát ngôn sai lầm từ trước tới nay. Có như vậy, mới đem đến cho bạn đọc thế hệ ngày nay nhận thức đúng đắn về tiến trình lịch sử văn học và giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật đặc sắc của bộ phận văn học viết bằng chữ Hán của cha ông ta.

Hà Nội 27-8-2021