Thời kỳ Tam Quốc, thế lực cát cứ khắp nơi trỗi dậy phân tranh, vó ngựa binh đao không ngừng quần thảo với hàng trăm hàng nghìn trận chiến, chứng kiến sự nổi danh của biết bao anh hùng trong thiên hạ.
Thắng thua là chuyện thường của nhà binh, mỗi danh tướng dù tài giỏi đến đâu cũng không thể đảm bảo bách chiến bách thắng. Như đương thời xưng Triệu Vân là "Thường thắng tướng quân", nhưng thực tế ông cũng từng nhận thất bại.
Bên cạnh đó, cũng có nhân vật bị gọi là "Thường bại tướng quân", đánh trận chưa từng chiến thắng, nhưng lại hay giết được chủ tướng của phe địch.
Vào giai đoạn cuối Đông Hán, người này tuy chẳng phải nhân vật tiếng tăm gì, nhưng lại có ảnh hưởng nhất định tới thời cục. Đó chính là đại tướng Hoàng Tổ của Lưu Biểu.
Hoàng Tổ cả đời đánh trận đa số đều thất bại, nhưng lại giết được không ít danh tướng. |
Hoàng Tổ xuất thân trong gia đình thế tộc ở Kinh Châu thời Đông Hán. Lớn lên, ông làm chức quan nhỏ ở địa phương.
Khi Lưu Biểu được Đổng Trác cử đến trấn nhậm Kinh Châu, Hoàng Tổ trở thành bộ tướng của Lưu Biểu, phụ trách thủy quân, trấn thủ Giang Đông.
Năm 190, Đổng Trác bại trận, liên minh 18 lộ chư hầu tan rã, Lưu Biểu về phe với Lưu Thiện, còn Tôn Kiên theo Viên Thuật.
Tôn Kiên được mệnh danh là một trong những mãnh tướng mạnh nhất vào cuối thời Đông Hán, là người đặt nền móng xây dựng nên nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Tôn Kiên trúng tên tử trận trong lúc truy đuổi Hoàng Tổ. |
Hoàng Tổ mang quân sang đón đánh Tôn Kiên trên dòng Hán Thủy nhưng không địch nổi phải bỏ chạy về thành Tương Dương. Tôn Kiên sang sông đuổi theo, hãm thành khiến Lưu Biểu và Hoàng Tổ đóng cửa cố thủ.
Đến đêm, Hoàng Tổ bí mật ra khỏi thành thu thập quân sĩ chạy tản mát, khi quay trở lại thành thì đụng độ với Tôn Kiên. Hai bên giao tranh một trận nữa, Hoàng Tổ lại bị Tôn Kiên đánh bại, phải dẫn quân bỏ chạy. Tôn Kiên mang quân đuổi theo.
Khi Hoàng Tổ chạy đến Hiện Sơn bèn rút quân vào trú trong rừng trúc, đợi Tôn Kiên đuổi lại gần, bèn lệnh cho bộ tướng từ trong rừng bắn tên ra. Tôn Kiên trúng tên và tử trận.
Năm 199, Tôn Sách đem quân đánh Hoàng Tổ để báo thù cho cha. Hoàng Tổ đương nhiên không phải đối thủ của "Tiểu bá vương" Giang Đông. Dù thắng lớn nhưng Tôn Sách vẫn không thể giết được Hoàng Tổ.
Phải đến chiến dịch công đánh Giang Hạ lần 3, Tôn Quyền mới bắt được Hoàng Tổ. |
Đến năm 203, Tôn Quyền sau khi tiếp quản Đông Ngô tiếp tục mang theo tướng quân Lăng Tháo dẫn quân sang Giang Hạ đánh Hoàng Tổ. Cũng như mọi lần, Hoàng Tổ lại bại trận, phải bỏ thuyền lớn lên thuyền nhỏ chạy trốn. Lăng Tháo thúc quân đuổi theo nhưng bị trúng tên chết. Tôn Quyền buộc phải lui quân.
Phải đến lần khi Tôn Quyền dẫn những vị tướng giỏi nhất Đông Ngô như Chu Du, Lã Mông, Cam Ninh, Lăng Thống mang quân đánh Giang Hạ lần thứ 3 vào năm 208, mới bắt được Hoàng Tổ và giết chết. Thời điểm đó Hoàng Tổ cũng đã cao tuổi.