Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard

Chiều 14-5 (giờ địa phương), tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Boston thuộc thành phố Cambridge, Bang Massachusetts.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard - Ảnh 1.

"Việc tôi có mặt ở đây cũng thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ cho hai dân tộc; thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được tuyên bố năm 2015 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ", Thủ tướng nói - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phát biểu tại sự kiện này, giáo sư Thomas J. Vallely, giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, cho biết trong số 12 thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chuyến công tác lần này, có tới 6 bộ trưởng từng theo học tại Harvard.

Harvard đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua, chú trọng vào việc góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn.

Nhấn mạnh những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn phát triển mới, giáo sư cho biết các cử tọa rất muốn lắng nghe các quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hiệu trưởng Trường chính sách công Kennedy, Đại học Harvard, ông Douglas Elmendorf cũng bày tỏ mong muốn lắng nghe các phát biểu của Thủ tướng về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam. Vị hiệu trưởng cũng nhắc lại những kinh nghiệm rất thành công của Thủ tướng trong điều hành tỉnh Quảng Ninh trước khi trở thành lãnh đạo ở trung ương.

Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard, sau khi điểm lại những kết quả chính của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam.

Trong đó Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột gồm xóa quan liêu bao cấp, đa sở hữu và hội nhập.

Thủ tướng đánh giá cao Đại học Harvard với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời, có tầm ảnh hưởng và danh tiếng vào loại bậc nhất Mỹ và thế giới. Trong khi đó, bang Massachusetts là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Việc tôi có mặt ở đây cũng thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ cho hai dân tộc; thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được tuyên bố năm 2015 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng cho biết: "Tôi đến đây với tình cảm kép, tình cảm của Đại học Harvard dành cho đoàn và tình cảm của mối lương duyên, sự kết nối giữa Việt Nam và Mỹ.

Quan hệ Việt Nam - Mỹ trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ toàn diện này vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard - Ảnh 3.

Phát biểu tại sự kiện này, giáo sư Thomas J. Vallely, giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, cho biết trong số 12 thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chuyến công tác lần này, có tới 6 Bộ trưởng từng theo học tại Harvard

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bật cười sau khi nghe được một câu hỏi thú vị từ phía các diễn giả

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard - Ảnh 5.

Phần phát biểu và trả lời hỏi đáp của Thủ tướng kéo dài khoảng 40 phút, nhiều khách mời đến tham dự sự kiện tỏ ra hài lòng sau những câu trả lời của Thủ tướng

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard - Ảnh 6.

Viện Đại học Harvard được tổ chức thành 11 đơn vị học thuật - 10 phân khoa đại học và Viện nghiên cứu cao cấp Radcliffe - với các khuôn viên nằm rải rác khắp vùng đô thị Boston, khuôn viên chính rộng 85 ha nằm ở thành phố Cambridge. Trong số các tổng thống Hoa Kỳ, có 8 người là cựu sinh viên Harvard; chừng 150 người được trao giải Nobel là sinh viên, giảng viên, hay nhân viên của viện đại học này. Ngoài ra, có 62 tỉ phú hiện đang còn sống và 335 học giả Rhodes, hầu hết sống ở Hoa Kỳ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với các lãnh đạo đi cùng đoàn chụp ảnh lưu niệm bên cạnh bức tượng của ông John Harvard, người đã hiến tặng của cải cho trường. Đại học Harvard được thành lập vào năm 1636 bởi Cơ quan Lập pháp Thuộc địa Vịnh Massachusetts