Tìm hiểu về từ "thả rông"

Trong một năm, có 2 ngày thế giới kêu gọi phụ nữ không mặc áo ngực, đó là ngày 13-10 “National No Bra Day" và ngày 9-7 nhằm kêu gọi phụ nữ trên toàn thế giới có thể cởi bỏ chiếc áo ngực của mình và tận hưởng cảm giác vòng 1 được tự do trong suốt 24 giờ.

tha-rong-1634139663.jpgNgày không mặc áo ngực. Ảnh Dân Việt

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, việc mặc áo ngực quá chật hoặc mặc trong suốt một thời gian dài sẽ khiến giảm lượng máu lưu thông đến ngực và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

NO BRA DAY hiện đang được dùng trong tiếng Việt là THẢ RÔNG.

“Thả rông” không phải là từ mà là một kết hợp tự do, với hai thành tố “thả” và “rông”. Trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), “thả” là một động từ có 3 nghĩa, nhưng có một nghĩa liên quan tới tổ hợp ta đang xét, là “không giữ lại một chỗ nữa mà để cho được tự do hoạt động”(trái nghĩa với nhốt). Còn “rông” là một tính từ, có nghĩa chỉ “tình trạng buông thả, không bị ràng buộc, có thể đi lung tung khắp nơi”. Cả tổ hợp “thả rông” thường được dùng để chỉ súc vật trong một tình trạng không bị con người quản lí theo cách nuôi nhốt thông thường: Chó thả rông chạy lung tung; Gà được thả rông; Nông dân thả rông đàn trâu trên đồng…

Nếu lùi thời gian lại quãng chừng chục hoặc trên chục năm, “thả rông” chỉ mang nét nghĩa như thế. Nhưng bây giờ, từ này đã được cấp một nét nghĩa hoàn toàn mới. Tôi thử vào google gõ hai từ này, chỉ trong 0,33 giây đã có ngay 3.630.000 kết quả, với không biết bao nhiêu tên bài viết: Người đẹp sinh năm 1994 thả rông vòng 1; Nữ game thủ thả rông vòng 1 làm nhà hàng náo loạn; Clip hotgirl thả rông vòng 1, Tròn mắt nàng dâu mặc váy cưới thả rông… Tất cả mọi người đều hiểu, cái “vòng 1” kia chính là bộ ngực của các cô gái. Và chuyện “thả rông” được hiểu là các cô đã không chịu mặc “áo con” mà còn cố tình để lộ nhũ hoa của mình quá mức cần thiết.

Nhiều người đã không đồng tình với việc dùng từ “thả rông” như thế. Vì theo họ, là coi thường phụ nữ quá. Ai lại lấy một từ chẳng hay ho gì để miêu tả hành vi này của phái đẹp.

Nhưng trong giao tiếp bây giờ (và nhất là báo chí truyền thông) thì người ta lại đang sử dụng từ này với tần số khá cao. Có lí do gì ở đây chăng?

Báo Đất Việt (datviet.com) gần đây có bài Lịch sử ngày “Quốc tế thả rông” đã nói về một ngày đáng ghi nhớ đối với phụ nữ. Đó là Hội Bảo vệ Phụ nữ thế giới đã đấu tranh và quyết định chọn một ngày (9-7, bắt đầu từ năm 2011), lấy tên “National no Bra Day” (Ngày quốc tế không áo ngực, ở Mỹ còn thêm một ngày nữa: 13-10). Sự kiện này được coi là một hành động nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ phái đẹp. Bởi theo Tổ chức Y tế Thế giới thì việc đôi lúc các cô gái để ngực của mình được tự do (free your breast), thoát khỏi sự kìm kẹp của chiếc áo lót, sẽ giúp cho cơ thể của họ thoải mái hơn, tránh được các hiệu ứng sức khỏe tiêu cực, giúp cho việc phòng chống ung thư và nếu đang nuôi con thì rất có lợi cho sữa, v.v.

Nhưng người ta cũng có những ý kiến khác. Bởi bản thân chiếc áo ngực (thường được gọi theo tiếng Pháp là coóc xê (corset), hay xu chiêng (soutien-gorge)) cũng đem lại cho phụ nữ nhiều lợi ích. Nó giúp cho chị em tôn vẻ đẹp của mình hơn với đường cong quyến rũ (nhất là nhiều người ngực nhỏ, ngực lép, ngực có cơ nhão) và tiện lợi cho việc đi lại, làm việc, sinh hoạt nói chung.

Việc nhiều người (do vô tình hay cố ý) để lộ cặp nhũ hoa của mình một cách quá lộ liễu đã gây phản ứng thiếu thiện cảm và tạo nên luồng dư luận, khen chê đều có cả. Không ít ca sĩ, diễn viên, người mẫu… khi tham dự những sự kiện (gặp gỡ, tiếp xúc, biểu diễn trên sàn catwalk…) đã có cách ăn mặc, hành xử như vậy. Báo chí khi phản ánh đã dùng từ “thả rông” để miêu tả. Tất nhiên, sẽ có người đồng tình và có người phản đối cách dùng ngôn từ như vậy. Nhưng có vẻ dư luận và báo chí coi đây là một sự “sáng tạo từ ngữ” bởi càng ngày càng có nhiều tờ báo sử dụng trong các bài viết của mình. Nhiều người cho rằng nói "thả rông" thay cho "lộ ngực", "hở ngực" vừa dễ nghe vừa tạo nên liên tưởng ngồ ngộ, thú vị. Tôi thử tra trong công trình nghiên cứu do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thực hiện thì thấy từ này chưa có mặt trong nhóm “từ mới tiếng Việt”. Không rõ rồi qua thời gian, thả rông có được "nhập tịch" kho từ vựng mới hay không. Chúng ta hãy chờ xem.