Máy lấy mẫu hạt aerosol trong không khí tại Nam Đại dương - Ảnh: CNN |
Theo kênh CNN (Mỹ), các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Colorado đã phát hiện ra vùng khí quyển ở trên Nam Đại dương bao quanh Nam Cực không bị tác động bởi hoạt động của loài người.
Thời tiết và khí hậu được liên kết chặt chẽ, kết nối từng khu vực trên thế giới với các khu vực khác. Khi khí hậu thay đổi nhanh chóng do hoạt động của con người, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đang nỗ lực để tìm ra một góc nào đó của Trái đất không bị ảnh hưởng bởi con người.
Trong quá trình nghiên cứu, Giáo sư Sonia Kreidenweis của Đại học bang Colorado và các đồng nghiệp nhận ra rằng không khí lớp biên tạo ra tầng mây thấp trên Nam Đại dương không bị nhiễm các hạt aerosol (bụi khí) sản sinh từ các hoạt động như đốt cháy nhiên liệu, nuôi cấy vụ mùa, sản xuất phân bón, xử lý nước thải hay khí thải từ các phương tiện vận chuyển… Các hạt aerosol có thể ở dạng lỏng hoặc rắn với kích thước siêu nhỏ bay lơ lửng trong không khí gây ra ô nhiễm.
Sau khi tìm hiểu về thành phần và vi khuẩn có trong không khí tầng thấp tại khu vực Nam Đại dương bằng các phương thức như giải mã trình tự ADN, tìm hiểu nguồn gốc và hướng đi của gió, đồng tác giả Jun Uetake kết luận các hạt aerosol từ đất liền và hoạt động con người không thể di chuyển về phía Nam và lẫn vào lớp không khí tại đây.
Trong một bài viết xuất bản ngày 1/6 trên tập san khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (Proceedings of the National Academy of Sciences), các nhà nghiên cứu đã miêu tả khu vực này là thực sự nguyên sơ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí dẫn đến một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu và khiến ít nhất 7 triệu người tử vong mỗi năm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Hơn 80% người dân sống ở khu vực thành thị phải sống chung với ô nhiễm không khí và tiếp xúc với mức chất lượng không khí vượt quá giới hạn an toàn theo tiêu chuẩn của WHO, trong khi đó, các nước thu nhập thấp và trung bình phải chịu mức phơi nhiễm cao nhất.
BT