Trốn tìm cảm xúc đón tết xưa

Chỉ còn một thời gian ngăn ngắn nữa là đến tết âm lịch, trời lại rét kinh khủng. Trên ti vi, đài báo liên tục đưa thông tin thời tiết, đặc biệt về nhiều nơi ở vùng cao, vùng sâu miền núi chịu ảnh hưởng của khí lạnh, vài nơi thậm chí có băng tuyết.

246859423-2107742742716238-3490415089449128005-n-1635233954.jpg

Người nghèo, trẻ em thiếu áo ấm co ro trong gió lạnh. Lòng lại bâng khuâng hồi nhớ có một thời mình của ngày xưa, cái ngày xưa ấy... Ngày xưa khi còn thơ, nhà tôi cũng như bao nhà người dân quê khác, đều làm ruộng. Những bờ xôi ruộng mật gắn bó và nuôi sống người quê suốt bao đời. Hình ảnh người dân quê tôi gắn bó với đồng ruộng đến nay vẫn như còn hằn trong tâm trí của tôi, dù thực tế nay người làm ruộng ở làng tôi còn rất ít.

Những hình ảnh xe bò, xe trâu chở ước mơ trên con đường xanh cỏ, những mẹ, những chị gánh những nhọc nhằn nặng trĩu trên vai. Bố mẹ cày trên ruộng thành vạt chia nhỏ những mồ hôi. Trẻ thơ như chúng tôi chạy đuổi theo con diều mơ ước. Những chú trâu đen, những con bò vàng nhởn nhơ với cỏ xanh... Ôi, yêu yêu ngày xưa ấy! Ngày mùa đông cận tết lại là những ngày bận rộn của người nông dân. Những gốc ngô vụ đông cần cuốc nhanh đem về nhà, giải phóng đất nhanh chóng cày cấy vụ lúa mới. Chân trần giẫm nước cóng tê, tay cầm cán cuốc phát bờ cho quang, còn bừa đất ra để cấy. Gió vù vù thêm nhăn nhúm da tay. Má lạnh ngắt, nhưng tai lại nóng bừng vì đã có cái khăn quàng quanh cổ, vấn cả lên đầu. Cũng may vận động liên tục mà cái rét giữa đông cũng quên đi, chỉ khi nào ngừng lại, cái rét lại bám vào lập cập, hai hàm răng động viên va vào nhau liên tục.

Những bai mạ mới nhú tầm ba đốt ngón tay là đủ tiêu chuẩn đem cấy. Có năm rét quá, che ni lông cũng không bảo vệ được mạ non, phải ngâm thóc mới để gieo lại. Quê tôi ít khi phả rối mà chủ yếu cấy bằng tay, những cây mạ dù non cũng được những bàn tay chăm chỉ cho ra ở riêng trên cánh đồng mênh mông nước mới. Tôi cấy không được nhanh, chứ xung quanh các mẹ, các chị cấy rất nhanh. Mấy bác gần nhà tôi cấy nhanh đến nỗi ai cũng phải khen như "gà mổ thóc". Nghề nông vất vả vô cùng, tôi nghĩ ca dao tục ngữ vẫn chưa đủ để mô tả sự khổ cực của người nông dân. Đâu chỉ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", mặt đâu chỉ cắm cúi xuống ruộng, máu chảy dồn về phù sưng cả. Chỉ sau một ngày đi cấy, về rửa mặt ngó gương mà thấy như tăng cả chục cân, mặt sưng, mắt híp cả lại. Dù không bị giục giã nhưng ai cũng phải cố cấy cho nhanh, cho xong ruộng, lưng mỏi tê, oằn hết bên này, ngọ nguâỵ bên kia. Tôi đứng lên nhìn phần ruộng đã cấy, rồi ngó phần đất còn trắng băng mà tự thưởng cho mình niềm vui về thành quả ấy, nhưng không quên được cảm giác ê ẩm dọc sống lưng. Tay chống xuống đùi cho đỡ mỏi, chân lại thêm cóng vì gió đông lạnh vẫn vướng vít xung quanh. Lòng mải mê nghĩ về bộ quần áo tết những ngày sau...

Sung sướng nhất những ngày đông chăn bò ngoài đồng, lũ trẻ chúng tôi gom rơm đốt lò sưởi ấm. Đứa nào chu đáo thì đem sẵn vài củ khoai để nướng, khoai thơm lừng nóng hổi cháy đen bám đầy trên môi cả lũ. Má hồng nứt nẻ giữa gió đông vui cười rộn rã. Có khi chỉ vài con cào cào, châu chấu nướng cũng trở thành bữa tiệc. Nhiều đứa tạp ăn thì bắt cả chuột đồng để nướng. Đàn bò căng bụng trống chăm chỉ liếm cỏ dọc những bờ xanh... Nhiều khi cả đám trẻ quê chúng tôi đứng ngây nhìn về đường cái quan, người xe tấp nập lại qua. Người lớn, trẻ nhỏ hớn hở tay xách, xe đèo đồ mua sắm tết, nhất là những ngày gần ngày ông Táo, xem người ta sắm đồ tết mà cũng thấy rộn rạo cả cái đầu non tơ. Cất cuốc, cất cày hay đòn gánh, rắng liềm vào hiên tường bếp, đào nghiêng cành từ vườn vào mà chúm chím hé cười báo hiệu tết đã sắp đến nơi. Vài lá non mơn mởn cũng nhú dần óng ánh cùng hoa. Tết đã sát ngày để rồi lòng ngập trong cảm xúc lâng lâng.

Nhiều người thường ca thán tết nay không vui bằng tết những ngày xưa. Tôi cũng là một trong số đó. Tôi thường tự giải thích cho mình, có thể ngày nay cuộc sống không vất vả bằng ngày xưa, kể cả công việc đồng áng nay đã giản đơn vì có máy móc hỗ trợ, rồi vật chất tinh thần không còn thiếu thốn như những ngày vừa đi cấy cho nhanh để vội về đón tết. Như đứa trẻ được trải nghiệm tuổi thơ nông thôn nhiều thiếu thốn, sẽ chẳng thể quên khi được sống cuộc sống no đủ, tiện nghi hơn. Tết vui vì cảm xúc rộn ràng, có phải vì được chơi trò trốn tìm cảm xúc đón tết xưa...

(*) Khi thóc lên mầm, người ta làm đất xong thì vãi trực tiếp ra ruộng mới mật độ thưa, sau mạ lên thì tỉa bớt chỗ dày, chắm bù vào chỗ thưa, như vậy nhàn hơn cấy, nhưng không đều đẹp và tốt như cấy hàng lối.

 

Theo Chuyện Làng quê