Trúc Lâm Đại sa môn

“Trúc Lâm Đại sa môn” là danh hiệu mà vua Trần Thái Tông suy tôn Thiền sư Đạo Viên.

thien-su-dao-vien-1634826872.jpgThiền sư Đạo Viên. Ảnh phatgiao.org.vn

Thiền sư Đạo Viên là cao tăng đời Trần, tài liệu về ông rất ít. Không rõ thiền sư về năm sinh, năm mất, hay quê ở đâu, chỉ biết rằng ông sống vào đời vua Trần Thái Tông.

Thiền sư cũng được coi là thuộc thế hệ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ông được vua Trần Thái Tông phong là Quốc sư, và suy tôn là Trúc Lâm Đại sa môn. Thiền sư còn có cách xưng khác là Phù Vân, Trúc Lâm.

Nhận xét về Thiền sư Đạo Viên, GS. Nguyễn Lang viết: “Ảnh hưởng của ông không những lớn lao trên sự tu học của vua Trần Thái Tông mà trên nhiều mặt khác nữa. Ít ra ông ông cũng đã đóng góp về phương diện văn hóa trong việc san định và ấn hành kinh lục, và đã cống hiến cho đời thêm một vị đệ tử xuất sắc là Ðại Ðăng quốc sư, đây là người đã ảnh hưởng nhiều tới tư tưởng thiền phái Trúc Lâm sau này”.

Theo Thích Thái Hoà cho biết, Thiền sư Đạo Viên đã khai phóng cho vua Trần Thái Tông con đường chứng ngộ và con đường lãnh đạo quốc gia. Hay nói khác, chính con người này đã khai phóng con đường xuất thế và nhập thế cho Phật giáo đời Trần. Khi con người này đưa ra tư tưởng chủ đạo cho mọi hành động của vua Trần Thái Tông nói riêng và cả triều đại nhà Trần nói chung.

Thích Thái Hoà cũng dẫn lại những những đối đáp của Thiền sư Đạo Viên và vua Trần Thái Tông, để thấy được sự đắc đạo của bậc cao tăng này.

Đọc bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” mà hiện nay đang được giữ lại ở trong sách Khóa Hư Lục, ta thấy vua Trần Thái Tông có kể lại sự gặp gỡ giữa vua với Quốc Sư Phù Vân ở núi Yên Tử như sau:
"Quốc Sư vừa thấy Trẫm thì mừng rỡ, rồi ung dung bảo rằng: Lão Tăng sống lâu ở núi rừng, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nếm hạt dẻ, chơi cảnh rừng, uống nước suối, lòng nhẹ như mây nổi theo gió mà đến đây.
Nay, Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi núi rừng, vậy Bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này?”

Trẫm nghe sư nói, hai hàng nước mắt chảy ra, đáp lại rằng: ‘Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, chơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương. Lại nghĩ, sự nghiệp đế vương thuở trước, hưng phế bất thường. Cho nên, chỉ vào đến núi này muốn cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác.”
Sư nói: ‘Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay, nếu Bệ hạ giác ngộ ngay tâm đó, thì lập tức thành Phật, không nhọc tìm kiếm bên ngoài.”

"Bấy giờ thúc phụ Trần Công là em họ Tiên quân, người được gửi gắm con côi, khi Tiên quân bỏ quần thần. Trẫm đã phong làm Thái Sư, tham dự quốc chính, nghe tin Trẫm bỏ đi, liền phân sai tả hữu khắp kiếm dấu vết. Rồi ông với các bậc quốc lão tìm đến núi này, gặp Trẫm, ông đau đớn nói: “Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn phong Bệ hạ làm chúa tể dân thần. Lòng dân kính yêu trông đợi Bệ hạ, chẳng khác nào con nhỏ quyến luyến mẹ cha. Huống nay cố lão trong triều, chẳng một ai không là bề tôi thân thuộc, chúng dân sĩ thứ, chẳng người nào không vui vẻ phục tùng. Cho đến lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả, Thái Tổ bỏ Thần mà đi, nắm đất trên mộ chưa khô, lời trăn trối bên tai còn đó. 

Thế mà Bệ hạ lánh gót ẩn cư nơi núi rừng, để theo đuổi cái chí riêng mình. Như Thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu đã vậy, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu chỉ để lời nói suông lại cho đời sau, sao bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Nếu bằng Bệ hạ không nghĩ lại, thì chúng thần và người trong thiên hạ, xin cùng chết ngay hôm nay, lòng quyết không về nữa.”

Trẫm thấy Thái Sư cùng các cố lão khăng khăng không chịu bỏ Trẫm, Trẫm liền đem lời nói ấy bày tỏ với Quốc Sư. Quốc Sư cầm tay Trẫm nói: “Phàm làm bậc nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay, thiên hạ muốn đón Bệ hạ về thì Bệ hạ không về sao được! Duy có việc nghiên cứu nội điển, xin Bệ hạ đừng nên quên điều ấy mà thôi.”