Từ “Mùa thu đêm” đến “Hà Nội là thế”

Cuối tháng 10/2019, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật lên tàu ra thăm. Chiều 20/10, mấy anh em gồm nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, vợ chồng nhà thơ Trần Quang Đạo và nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa ngồi bên bờ sông Hồng, gió lộng và tâm trạng.

 

Bộ ba của tác phẩm âm nhạc “Hà Nội là thế”: Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhạc sỹ Lê Huy Tập (trái ảnh), ca sỹ Thanh Thương (giữa)

Sau bữa nhậu, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật khoác mùa đông Hà Nội chìm vào heo may. Ông đi tìm "tiếng lòng" đã trót gửi cho một giai nhân nào đó. Tôi biết điều này khi ông công bố bài thơ "Mùa thu đêm". Bữa tối, "khi nhiều trang sách đã ngủ", như một câu thơ của mình, trái tim ông nhỏ giọt thu. Hoàng Vũ Thuật một mình trở lại hồ Hoàn Kiếm, lẵng hoa của Thủ đô, lặng lẽ với tâm trạng “Một mai gió chở tôi về”, tập thơ ông vừa xuất bản, thời điểm đó:

lần đầu anh nhận ra đôi mắt em

trong như Hồ Gươm

khi anh ngang qua phố sách

rất nhiều trang sách đã ngủ

chỉ còn chiếc ghế gỗ thơm thơm mùi người

“Chiếc ghế gỗ thơm thơm mùi người” đánh thức trong ông cả một trời kỷ niệm. “lần đầu anh nhận ra mắt em sau cánh cửa/ góc trời riêng để ngỏ/ kỷ niệm xa xưa thời học trò/ ngày ấy đâu rồi người ấy đâu rồi/ ngôi tháp sừng sững dựng bên trời ngọn bút/ để lại dòng tên bí mật”.

Và:

đôi khi anh nhìn vai anh

có chú ve tinh nghịch kể chuyện mùa hè

dù đang giữa mùa thu của những cặp tình nhân

họ hôn nhau đắm đuối

Hà Nội là thế!

Cứ thế, ông bước.... Hoàng Vũ Thuật tưởng như cô độc nhưng cùng ông còn có bước chân của quá vãng. “anh đi vòng quanh bờ hồ đêm nay/ em đang khoác lên đời anh/ người đàn ông mang trong mình nhiều tật xấu/ nghe mùa thu lần đầu rúc rích trên môi”. Thơ Hoàng Vũ Thuật đa thanh, đa nghĩa, nhưng “nghe mùa thu lần đầu rúc rích trên môi” làm cho Hà Nội trở thành “Hà Nội là thế”, riêng biệt.

Gần như ngay lập tức sau khi bài thơ “Mùa thu đêm”, viết ngày 22/10, được nhà thơ Hoàng Vũ Thuật công bố trên trang cá nhân, trái tim âm nhạc của nhạc sỹ Lê Huy Tập ngân rung những nốt nhạc đầu tiên và rồi bản nhạc “Hà Nội là thế” ra đời.

Nhạc sỹ Lê Huy Tập kể lại sự “giao cảm” giữa tác giả thơ và ông như sau: “Tôi phổ bài thơ “Mùa thu đêm” của anh Hoàng Vũ Thuật, khi đọc trên fb. Đọc thấy hay quá, sang trọng, và tinh tế. Đặc biệt, câu cuối “nghe mùa thu lần đầu rúc rích trên môi” thì bị ám ảnh. Tôi comment với anh rằng, bài này phổ nhạc e hay. Tôi cũng được một số bạn khích lệ phổ nhạc. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thì bảo hơn 40 năm rồi, vừa gần vừa xa xôi, Huy Tập làm một tác phẩm chung để kỷ niệm. Tôi cảm động và làm. Làm nhưng ngại, sợ lắm. Ngại vì thơ anh Hoàng Vũ Thuật không dễ dãi con chữ, cách tân, khai mở. Mặt khác, ca khúc về Hà Nội đã có nhiều bài quá hay. Khó quá. Anh Hoàng Vũ Thuật điện vào động viên khích lệ nhiều lắm”.

Thật may cho Lê Huy Tập là giữa ông và Hoàng Vũ Thuật đã có một “gia tài” tình bạn để có thể đọc được những “tinh tế” về cảm xúc của nhau. Nhạc sỹ Lê Huy Tập vốn là người lính, năm 1971 ông nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Ông là quân của Trung đoàn Phú Xuân, đơn vị 2 lần cắm cờ trên nóc Phu Văn Lâu, giải phóng thành phố Huế. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, do có năng khiếu về âm nhạc Lê Huy Tập được rút về Đoàn Văn công quân khu Trị Thiên. Tại đây ông gặp nhà thơ Ngô Minh, dần dần quen biết nhiều văn nghệ sỹ Bình Trị Thiên, trong đó có nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Gia đình nhạc sỹ Lê Huy Tập ở Huế trở thành địa chỉ văn nghệ của anh em bạn bè. Bản thân Lê Huy Tập cũng là một nhà thơ.

Như vậy, tính đến nay, tình thâm giao giữa nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và nhạc sỹ Lê Huy Tập đã 45 năm, sự nghiệp sáng tác ca khúc của ông cũng đã 42 năm có lẻ, với nhiều giải Vàng, giải Bạc trong các hội diễn. “Hà Nội là thế” là ca khúc thứ ba, Lê Huy Tập phổ thơ Hoàng Vũ Thuật.

“Tôi soạn lời ca cho gọn cấu trúc nhưng rất sợ mất ý thơ. Sau khi soạn xong ca từ, tôi gửi cho anh Hoàng Vũ Thuật xem lại. Rất may, cơ bản là anh đồng ý, chỉ sửa thêm một số từ. Cấu trúc tầng nấc cảm xúc của thơ khiến tôi nghĩ tới mệnh đề “Hà Nội là thế”. Vừa kiêu hãnh vừa phóng khoáng tinh tế. Cứ thế, giai điệu nhập vào ca từ, hân hoan như dòng chảy của ký ức vậy”, nhạc sỹ Lê Huy Tập chia sẻ quá trình sáng tác, hoàn thiện ca khúc “Hà Nội là thế”.

Cũng phải nói thêm rằng, “Thủ đô mến yêu của ta” là vùng đất hội tụ linh khí trời đất nên quá đặc biệt. Nói về âm nhạc, đã rất nhiều tác giả âm nhạc viết ca khúc về Hà Nội, nhiều tác giả thành công, để lại nhiều “bài đỉnh”, găm vào ký ức của biết bao thế hệ người Việt Nam. Chỉ riêng về mùa thu, một trong bốn mùa, Hà Nội đã có 10 ca khúc bất hủ như: "Có phải em mùa thu Hà Nội" – Tô Như Châu, Trần Quang Lộc, "Nhớ mùa thu Hà Nội" - Trịnh Công Sơn, "Hà Nội mùa thu" - Vũ Thanh, "Đoản khúc thu Hà Nội" - Trịnh Công Sơn, “Hà Nội đêm trở gió” – Chu Lai, Trọng Đài, "Hoa sữa" - Hồng Đăng, "Đâu phải bởi mùa thu" - Phú Quang, "Hương ngọc lan" – Anh Quân, Dương Thụ, "Im lặng đêm Hà Nội" - Phạm Thị Ngọc Liên, Phú Quang, "Nồng nàn Hà Nội" - Nguyễn Đức Cường.

Viết về Hà Nội, có thể dễ viết nhưng không dễ hay, dễ sống với thời gian, không dễ vượt qua các bài hát đã găm vào tâm thức của không riêng người Hà Nội. Rất nhiều tác giả vẫn tiếp tục viết ca khúc về Hà Nội nhưng không ít ca khúc ca từ dễ dãi, quen quen, giai điệu đèm đẹp nhưng nghe xong không đọng lại điều gì. Viết về Hà Nội “non nghề”, “non tay” không thể thành công.

“Tôi không chủ trương âm nhạc phát triển trên nần dân ca. Bài này, tôi sử dụng cung quãng bứt phá rộng. Trong từng câu, đoạn nhạc đều có cao trào. Cả tác phẩm âm vực rộng hơn 2 quãng tám. Ca sĩ phải có chất giọng và âm vực tốt mới thể hiện thành công. Đặc biệt, phải tròn vành, rõ chữ. Câu “Hà Nội là thế” được cấu trúc điệp khúc toàn bài. Có thể nói chất thính phòng được coi trọng trong tác phẩm”, nhạc sỹ Lê Huy Tập chia sẻ thêm. Ông hài lòng khi ca sỹ Thanh Thương, người đầu tiên thể hiện ca khúc đã tiệm cận được ý tưởng âm nhạc và thể hiện khá tốt.

Thật thế, "Hà Nội là thế!", nhạc Lê Huy Tập, thơ Hoàng Vũ Thuật có nhiều điều khác biệt. “Lần đầu nghe mùa thu rúc rích trên môi” thì chỉ có Hoàng Vũ Thuật. Tinh tế đến lạ kỳ. Và nữa, nhạc sỹ Lê Huy Tập đã rất cao tay khi phát hiện ra “hồn vía” bài thơ và phổ nhạc. Giai điệu của “Hà Nội là thế” đậm chất thính phòng. Hai tác giả, lần nữa cho người yêu nhạc thấy ca khúc đã đạt được sự đồng cảm vô đối giữa thi ca và âm nhạc. Xin cám ơn hai ông./.

Tháng 3/2020 - N.Đ.H

Ca khúc “Hà Nội là thế”, nhạc Lê Huy Tập, thơ Hoàng Vũ Thuật