Từ Sơn (Bắc Ninh): Bài học từ việc cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng dẫ tới mất tình hàng xóm, mất tài sản

Đã có rất nhiều trường hợp, xuất phát từ lòng tốt, cả tin, cho người khác mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay vốn ngân hàng. Người mượn làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ; người cho mượn đã vướng rủi ro, dẫn đến nguy cơ mất đất, mất nhà…Câu chuyện buồn của gia đình ông Dương Xuân Tùng và bà Nguyễn Thị Liễu, trú tại Khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một trường hợp như vậy.

Người dân Khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bàn tán về câu chuyện buồn của gia đình ông Dương Xuân Tùng và bà Nguyễn Thị Liễu. Bà Liễu trình bày, ông Lê Xuân Hùng là hàng xóm thân thiết với gia đình bà, khi ông Hùng gặp khó khăn và mong được giúp đỡ, bà Liễu đã cho ông Hùng mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) để vay tiền làm ăn. Do tin tưởng ông Hùng nên gia đình bà Liễu đã giao GCN QSDĐ để ông Hùng thế chấp vay tiền của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Bắc Ninh.

Trong quá trình làm thủ tục vay tiền Ngân hàng, vợ chồng bà Liễu đều nghe theo sự sắp xếp của ông Hùng và những người được cho là lãnh đạo của ngân hàng này. Cụ thể theo đơn thư bà Liễu trình bày: Ông Hùng đã đưa hai người được giới thiệu là lãnh đạo Ngân hàng đến nhà gặp bà Liễu, trong đó có ông ông Nguyễn Việt Sáng giám đốc Ngân hàng. Việc đưa hai người được cho là lãnh đạo Ngân hàng đến gặp gia đình bà Liều nhằm tăng thêm niềm tin để bà Liễu giao GCN QSDĐ số 241, tờ bản đồ số 13, diện tích 175,7m2, cùng tài sản trên đất là ngôi nhà ba tầng có tổng diện tích hơn 150m2 và mái tum mà cả gia đình bà Liễu đang sinh sống cho ông Hùng thế chấp và vay tiền. Do không hiểu biết nhiều về thủ tục và hợp đồng liên quan, nên bà Liễu đã ký tên vào toàn bộ giấy tờ ông Hùng hướng dẫn. Việc cho mượn GCN QSDĐ giữa gia đình bà và ông Hùng được lập thành giấy mượn do ông Hùng tự viết và ký nhận.

Sau 5 ngày ông Hùng tiếp tục dẫn theo hai người nữa không rõ lai lịch đón vợ chồng bà Liễu lên Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Bắc Ninh. Khi đến đây, nhân viên ngân hàng đã hướng dẫn bà Liễu ký nhanh nhiều giấy tờ thủ tục mà không giải thích về các nội dung trong giấy tờ.  

Ngày 23/06/2015, ông Hùng cùng với mấy người được ông Hùng giới thiệu là cán bộ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Bắc Ninh, Công chứng viên và một số người khác không rõ lai lịch đến nhà bà Liễu. Những người này và ông Hùng tiếp tục lừa gạt bà Liễu hoàn thiện giấy tờ, hồ sơ theo ý nguyện của mình.   

Đến thời hạn như ông Hùng cam kết, bà Liễu đã yêu cầu ông Hùng trả GCN QSDĐ, nhưng ông Hùng hứa hẹn hết lần này đến lần khác với lý do đang làm ăn khó khăn, bảo vợ chồng bà Liễu cứ yên tâm không phải lo lắng.

Trong khoảng thời gian từ 07/4/2014 đến 20/10/2017 vợ chồng bà Liễu không biết GCN QSDĐ ở đâu mà lại không thấy đáo hạn, không biết ông Hùng vay bao nhiêu và lãi bao nhiêu. Gia đình bà Liễu đã gọi điện cho ông Nguyễn Việt Sáng giám đốc Ngân hàng đề nghị lấy lại GCN QSDĐ bằng mọi giá. Ông Sáng đồng ý, nhưng rồi cũng không thấy tin tức gì.

Đến ngày 30/3/2018 gia đình bà Liễu bất ngờ nhận được đơn khởi kiện của ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh Bắc Ninh, về việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp.

Nội dung đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Liễu gửi cơ quan chức năng

Theo đó, ngày 04/6/2018 TAND thành phố Bắc Ninh có giấy triệu tập đương sự liên quan đến hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại thụ lý Số: 16/2017/DSST ngày 16/4/2018, “về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng. Khi nhận được đơn khởi kiện và giấy triệu tập của TAND thành phố Bắc Ninh gia đình bà Liễu rất bất ngờ và hoang mang, vì người bị kiện ở đây là ông Dương Tuấn Anh (sinh năm 1989, địa chỉ: Khu phố Nghè, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là người dùng GCN QSDĐ của gia đình bà Liễu, sử dụng vào mục đích thế chấp tín dụng vay vốn Ngân hàng chứ không phải là ông Lê Xuân Hùng. Vợ chồng bà Liễu không hề biết ông Dương Tuấn Anh là ai, tại sao lại dùng sổ đỏ của gia đình mình đi vay thế chấp? Ai là người đưa sổ đỏ cho Tuấn Anh?

Bà Liễu chia sẻ thêm, GCN QSDĐ của gia đình, bà chỉ đưa cho ông Hùng tại nhà mình mà không phải ông Tuấn Anh và gia đình bà cũng không biết Tuấn Anh là ai, ở đâu? Bên cạnh đó, bà Liễu cho rằng do tinh thần, hoảng loạn, nên không biết mình đang tham gia phiên tòa hòa giải ký kết, mà nghĩ đó chỉ là nội bộ tình làng nghĩa xóm, hơn nữa là do tin tưởng vào sự cầm cân nảy mực công minh của cơ quan chức năng. Bà Liễu cũng không được Tòa giải thích về buổi làm việc.

Ngày 14/10/2019, bà Liễu nhận được quyết định số: 06/QĐ-CCTHADS ngày 14/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh “Quyết định thi hành án theo yêu cầu" thi hành án của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, thi hành án đối với ông Dương Tuấn Anh và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong đó có gia đình bà.

Quyết định công nhận thỏa thuận của các đượng sự

Tiếp đó, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Từ Sơn cùng với Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - Chi nhánh Bắc Ninh (đại diện là ông Tuệ) đã nhiều lần về nhà bà Liễu để kê biên tài sản và đe dọa bà phải bán nhà để trả ngân hàng.  

Ngày 25/12/2019, Chi cục THADS thị xã Từ Sơn thông báo “V/v thỏa thuận về giá và lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản”. Bà Liễu cho rằng, mình bị oan ức mà không biết kêu ai để giải quyết. Vì vậy khi biết ông Hùng đã bị Công an kinh tế  huyện Tiên Du bắt giữ thì bà đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho gặp ông Hùng (ở trong trại giam Bãi Bùng, Tiên Du, Bắc Ninh), để điều tra và làm rõ việc “Ông Hùng đưa GCN QSDĐ của gia đình bà cho ai? Và ai đưa GCN QSDĐ cho Tuấn Anh?”, nhưng đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Điều này khiến bà Liễu rơi vào cảnh đường cùng “tình ngay lý gian” rất dễ bị “oan sai”.

Bà Liễu cho rằng ông Lê Xuân Hùng có dấu hiệu lừa đảo chiến đoạt tài sản và những cán bộ có liên quan của Ngân hàng trong việc thực hiện những quy trình lỏng lẻo, có dấu hiệu giả mạo, gian dối trong quá trình giao dịch các hợp đồng kinh tế có liên quan, không hướng dẫn, giải thích cho người có trách nhiệm và quyền lợi quan khi giao dịch.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Thị Oanh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Phúc Minh phân tích: “Để có thể đi đến kết luận bà Nguyễn Thị Liễu có bị lừa gạt hay có sự giả mạo hồ sơ trong quá trình giao dịch với Ngân hàng dẫn tới bà bị động mất tài sản hay không cần phải kiểm tra, thẩm định (trong những trường hợp cần thiết phải giám định) những hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến giao dịch giữa bà Liễu với ông Lê Xuân Hùng; giữa ông Lê Xuân Hùng với ông Dương Tuấn Anh; giữa ông Dương Tuấn Anh với Ngân hàng. Hơn nữa các giao dịch đúng quy trình của Ngân hàng thường được thực hiện dưới sự chứng kiến hợp pháp của bên thứ ba là cơ quan công chứng để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Nếu bà Liễu không nhất trí với cách giải quyết của cơ quan chức năng, để đảm bảo quyền lợi của mình, bà Liễu có thể kháng cáo hoặc khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết của cơ quan chức năng cũng sẽ phải xem xét, xác minh hoặc giám định các hồ sơ giấy tờ có liên quan để xác định bản chất của vụ việc. Trong thực tế nhiều người khi giao dịch ủy quyền hợp pháp về sử dụng, định đoạt tài sản nhưng chưa hiểu hết quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý phát sinh. Cũng có trường hợp, chủ thể thực hiện các giao dịch đó có hành vi lừa gạt, giả mạo để chiếm đoạt tài sản hợp pháp của người khác...”.

Để đảm bảo sự thượng tôn luật pháp và đảm bảo sự công bằng cho các bên có liên quan đến vụ việc trên, căn cứ vào nội dung đơn của bà Nguyễn Thị Liễu các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh sớm xem xét và giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.      

Qua sự việc của vợ chồng Nguyễn Thị Liễu một lần nữa giúp chúng ta phải cảnh giác hơn trong thực hiện các giao dịch dân sự, đặc biệt, cần thận trọng khi giao tài sản có giá trị cho người khác xuất phát từ lòng tin, cũng như đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn lợi dùng tình cảm, chiếm đoạt tài sản hợp pháp của người khác.