Ông là một trong số ít người trong cộng đồng người Dao hiện nay biết vẽ tranh thờ. Chính vì thế nhiều năm qua, người Dao ở nhiều nơi như Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ… đều tìm đến nhờ ông vẽ một bộ tranh để đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên.
Ông Thanh đam mê, gắn bó với những tư liệu cổ của người Dao.
Ngay từ khi mới 12 tuổi, ông Thanh đã học chữ Nôm Dao, vẽ tranh thờ. Ông tận dụng mọi lúc mọi nơi để luyện từng nét chữ, nét vẽ. Cả khi chăn trâu, lên nương làm rẫy, nấu cơm…, ông đều tranh thủ vẽ ra lá cây, nền đất hay thân cây. Năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Để trở thành thầy vẽ tranh là cả một quá trình vừa học vừa rèn luyện không biết mệt mỏi. Ông Thanh cho biết, chính sự tôn nghiêm của tranh thờ nên ngay từ khi vào nghề, ông luôn cố gắng trau dồi tu dưỡng bản thân để xứng với công việc cao quý này. Theo quan niệm người Dao, nếu thầy vẽ tranh vi phạm bất cứ chuẩn mực đạo đức nào trong cuộc sống, tác phẩm tạo ra không còn ứng nghiệm và không có giá trị nữa.
Anh Đặng Văn Chiển, thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) đã theo học vẽ tranh thờ gần 20 năm chia sẻ, học vẽ tranh thờ khó nhất là phần hồn và để thể hiện đúng thần thái của từng bức tranh, các vị thần là điều không đơn giản, phải có sự tập trung cao. Các bức tranh là hiện thân của các thần linh, việc tái hiện hình ảnh các vị thần là việc làm cẩn trọng, linh thiêng. Quá trình vẽ phải tuân thủ nhiều quy tắc, những điều cần tránh về mặt tâm linh.
Theo tục lệ, thời điểm vẽ tranh thờ thường vào tiết trời mùa Thu hoặc mùa Xuân. Cùng với đó, người Dao phải chọn ngày đẹp trước khi vẽ tranh và xin phép tổ tiên, các vị thần chứng giám tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Ông Thanh thường xuyên phải kiểm tra, bảo quản những bức tranh thờ cổ của người Dao.
hông gian vẽ là một góc làm việc luôn phải sắp xếp gọn gàng với những đồ dùng bút lông, hộp màu và giấy dó, vải. Đây là thế giới linh thiêng, duy chỉ có thầy làm việc, những người khác phải được sự cho phép mới được vào… Đặc biệt, bất cứ ai đến gần tranh đang vẽ luôn phải giữ cho thân thể, tâm hồn thanh sạch, thoải mái tinh thần.
Để vẽ tranh thờ, người Dao pha chế 5 màu (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng) thành 12 màu theo độ đậm nhạt khác nhau. Mỗi màu mang ý nghĩa riêng, điển hình như: màu đỏ là màu chủ đạo, tượng trưng cho sức mạnh và cái đẹp cùng niềm vui trong cuộc sống; màu vàng tượng trưng sự uy nghi, quyền lực; màu tím để thể hiện những nét vẽ linh thiêng, huyền bí đầy quyền năng; màu xanh là biểu tượng sự hài hòa, nảy nở, sinh sôi phát triển trong thế giới tâm linh…
Theo ông Thanh, tranh thờ của người Dao Quần Trắng có hai loại, đó là tranh mặt nạ và các bộ tranh truyền thần. Tranh mặt nạ vẽ diện mạo của các vị thần trong một khuôn giấy có kích cỡ 30 x 40 cm. Loại tranh này chỉ dùng thực hành trong nghi lễ cấp sắc Tam Nguyên. Các thầy cúng, đệ tử… đeo lên mặt, lên trán để thần thánh chứng giám.
Còn bộ tranh truyền thần gồm 11 bức tranh, được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ người Dao như: cấp sắc Tam Nguyên, Tam Bảo, đám chay, đám ma, cầm đầu ma… Dòng tranh này có bố cục lạ, hẹp, dài, với dày đặc các nhân vật thần linh. Các nhân vật này lại tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, còn các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, kích thước nhỏ.
Nghệ nhân dân gian Lê Hải Thanh luôn tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn tranh thờ cổ của người Dao.
Mỗi bức tranh có nét vẽ riêng tái hiện thần thái của các vị thần. Ví dụ như: sắc mặt hiền lành, từ bi của Quan Thế Âm Bồ Tát; sắc mặt điềm đạm, đôn hậu, bao dung của Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên; nét nghiêm nghị, hung dữ của Triệu Nguyên Soái, Đặng Nguyên Soái, Mã Nguyên Soái, Quan Nguyên Soái… Cái khó và mất thời gian nhất đó là vẽ mắt, lông mày, mũi, râu… Người vẽ phải vận dụng trí nhớ, kinh nghiệm cũng như cách cảm nhận về thế giới siêu nhiên mới vẽ chuẩn xác được.
Ông Tống Đại Hồng, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Tuyên Quang cho biết, ông Lê Hải Thanh thực sự là một nghệ nhân, một kho tàng sống về tranh thờ cũng như văn hóa tín ngưỡng lâu đời của đồng bào Dao. Tranh thờ người Dao còn có ý nghĩa đặc biệt, đó là mang giá trị giáo dục đầy tính nhân văn. Nhìn vào mỗi bức tranh thờ của người Dao có thể thức tỉnh tâm hồn con người. Người Dao quan niệm rằng các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc và sẵn sàng phạt người nào làm những việc ác, việc sai trái. Bên cạnh nét tâm linh về mặt thờ cúng, tranh thờ còn gửi đến thông điệp cho con cháu về nguồn cội, gốc tích của người Dao.
Tâm huyết với việc lưu giữ, bảo tồn và duy trì những tư liệu, văn hóa tín ngưỡng của người Dao, ông Thanh không quên đi tâm nguyện được truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm của mình cho thế hệ mai sau. Ông luôn tâm niệm rằng, tranh thờ là một báu vật của người Dao, ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ và lưu truyền đến muôn đời sau để văn hóa Dao luôn trường tồn cùng thời gian.