Tuyên Quang trở thành “Thủ đô khu giải phóng”, được xem là bảo tàng cách mạng của cả nước. Nhiều tên đất, tên làng nơi đây đều gắn với những sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của đất nước thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Để hôm nay, những di tích đó đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.
Ông Trần Đức Thắng, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói, toàn tỉnh có 635 di tích, trong đó để bảo tồn, tôn tạo 465 di tích lịch sử cách mạng được phân bố trên một địa bàn rộng, ngành cũng gặp một số khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, đến nay 100% di tích lịch sử cách mạng được cắm mốc, quy hoạch, có hồ sơ khoa học. Các di tích được phân loại, căn cứ vào tính cấp thiết để ưu tiên bảo tồn và tôn tạo trước.
Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, tính từ năm 2015 đến nay, ngành Văn hóa tỉnh đã bảo tồn, tôn tạo được nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Trong đó, khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, Bảo tàng Tân Trào, Quảng trường Tân Trào, Phòng chiếu phim; xây mới khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng. Tại khu di tích
Đình Thanh La, nơi diễn ra cuộc mít-tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa sáng 11-3-1945 và cuộc mít-tinh
tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16-3-1945.
Ảnh: K.T
Quốc gia đặc biệt Kim Bình tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi Hội trường, đài tưởng niệm, nhà ở và làm việc của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, trồng cây bản địa sinh thái trong khuôn viên di tích. Ngoài ra, ngành còn tiến hành phục hồi, tôn tạo di tích cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn); di tích Chiến thắng Bản Heng, xã Phú Bình (Chiêm Hóa); đình Thanh La, xã Minh Thanh (Sơn Dương); di tích Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ tại xã Bình Yên (Sơn Dương); cụm di tích ATK Kim Quan (Yên Sơn)...
Nhờ đầu tư tôn tạo mà các di tích lịch sử cách mạng không những được bảo tồn, còn phát huy tốt giá trị. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2019 toàn tỉnh đón trên 1,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 1 triệu lượt du khách tới tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Tại “vùng lõi” của hai di tích quan trọng này, các huyện đã quy hoạch, khuyến khích xây dựng làng du lịch homestay thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) và thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa). Hai làng du lịch trên với những mái nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày địa phương đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bà Trần Lê Hương, du khách Hà Nội đến tham quan đình Tân Trào nhận xét: “Tôi đi du lịch nhiều nơi, nhưng thấy Tuyên Quang làm khá tốt trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Các Di tích được bảo tồn, tôn tạo giữ được nguyên trạng. Như đình Tân Trào, lán Nà Nưa vẫn còn vóc dáng xưa, tránh được việc bê tông hóa. Cây xanh bản địa được trồng nhiều, tạo thành vùng sinh thái xanh, giống hình ảnh chiến khu xưa. Chúng tôi được hướng dẫn viên thuyết minh việc tỉnh kỳ công phục hồi cây đa Tân Trào, giúp cho cây đa Tân Trào đã đi vào lịch sử trở lại xanh tốt, khỏe mạnh. Đây là những việc làm rất ý nghĩa, gây ấn tượng đối với tôi và mỗi du khách khi đến nơi đây”.
Từ cuối năm 2014, khi UBND tỉnh ban hành quyết định quy định trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn có di tích thành lập các ban quản lý di tích, tổ quản lý di tích. Qua đó, góp phần làm tốt công tác quản lý, giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Theo ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình, nhờ có sự phân công phối hợp giữa chính quyền địa phương và ban quản lý khu di tích nên rừng đặc dụng, kiến trúc nhà sàn, quần thể khu di tích, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn. Hiện sát khu di tích có 5 nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày thôn Bó Củng được gìn giữ, vừa góp phần giữ cảnh quan kiến trúc khu di tích, vừa là nơi dừng chân, nghỉ ngơi cho du khách. Nhờ đó, trung bình mỗi năm khu di tích đón gần 100 nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, công tác tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn luôn được quan tâm thực hiện. Qua đó, tạo địa chỉ đỏ để tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đồng thời thúc đẩy du lịch địa phương ngày càng phát triển. Hiện nay Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào đang tăng cường hướng dẫn viên, dịch vụ tốt đáp ứng tốt nhu cầu du khách về nguồn nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8.