Năm 2019, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, UBND thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, trong năm 2019, Hà Nội đã có thêm 2 huyện là Gia Lâm và Quốc Oai đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới toàn thành phố lên 6 huyện; thêm 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn thành phố lên 356/386 xã (chiếm 92,2%); thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn lên 11 xã...
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn Hà Nội báo cáo tại Hội nghị
Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tư vấn đào tạo, tập huấn cho các chủ thể tham gia chương trình; tổ chức đánh giá, phân hạng được 301 sản phẩm OCOP, trong đó, 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, 207 sản phẩm đạt 4 sao và 88 sản phẩm đạt 3 sao.
Năm 2020, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội trình Trung ương công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín, Sóc Sơn, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên hoàn thiện các nội dung, trình công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2020.
Mục tiêu của Hà Nội đến cuối năm 2020, thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại Hội nghị các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết về việc tăng cường phối hợp để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa Nông sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; thúc đẩy tuyên truyền các sản phẩm OCOP, xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, phát triển làng nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế gắn với phát triển du lịch và khai thác tốt những lợi thế của địa phương...
Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cho rằng một trong những thành công nổi bật trong hoạt động của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới và Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội trong năm qua chính là thúc đẩy hiệu quả trong liên kết "5 Nhà": Nhà nước - Nhà sản xuất - Nhà khoa học - Nhà Doanh nghiệp - Nhà Truyền thông và hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
"Sau khi Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 18/4/2018 của Chính Phủ xác nhận Hoạt động sản xuất kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngành phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới và Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội đã tăng cường sự phối hợp với Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội trong công tác Đào tạo, Tuyên truyền, Hội thảo, Hội chợ triển lãm, hoạt động xúc tiến thương mại, Tôn vinh nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh tiêu biểu...từ đó đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ của hoạt động này trong xây dựng Nông thôn mới. Hiện cả thành phố có hơn 5.300 ha chuyên canh hoa cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cáo gấp 5 - 7 lần so với sản xuất các loại sản phẩm khác. Nhiều địa phương, Sinh Vật Cảnh đã trở thành động lực nhân tố mới trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, tiêu biểu như huyện Đan Phượng. Trong những năm qua, nhiều làng nghề trồng hoa cây cảnh ven đô được hình thành góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải quyết thêm công ăn việc làm...", ông Vương Xuân Nguyên nhấn mạnh.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Chu Phú Mỹ, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội biểu dương những nỗ lực cố gắng của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới và Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội. Đồng thời cảm ơn sự hối hợp đầy trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan. Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội chỉ đạo, trong năm 2020, phát huy những kết quả đã đạt được, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới và Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cần có chương trình hành động hiệu quả hơn nữa để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa bộ mặt nông thôn Thủ đô theo hướng "Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh hiện đại".
Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tặng Bằng khen, Giấy khen cho những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.