Về Kim Sơn dự lễ cấp sắc

Mấy hôm nay nhà Triệu Văn Tón đông vui, nhộn nhịp lắm. Chả là nhà Tón làm lễ Cấp sắc - tức lễ Lập tịch - cho thằng con trai. Thằng Sính năm nay tròn mười tám tuổi. Theo lệ của người Dao Tuyển, khi người con trai được mười tuổi thì có thể sẽ làm lễ Cấp sắc. Đây là một nghi lễ quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần của người đàn ông.

chuylg-q1a-1633405511.jpgẢnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Người được cấp sắc sau đó có thể được cấp âm binh và theo học để làm thầy Tào. Để làm một lễ cấp sắc thì tốn cũng tương đối tiền của nên cũng có nhiều người không được cấp sắc. Đó là một sự thiệt thòi. Bởi những người không được cấp sắc sẽ không được cộng đồng công nhận là người đàn ông trưởng thành và tiếng nói của họ không có giá trị mấy trong cộng đồng. Hiểu nôm na như khi đã được cấp sắc là người đó đã có bằng cấp đại học, thạc sỹ ... và giữ chức vụ quan trọng trong xã hội.

chu-lg-q2-1633405561.jpgẢnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Công việc đã rục rịch được chuẩn bị từ hai năm trước rồi. Tón đã lặn lội về tận Xuân Quang mời thầy Tào về làm lễ cho con trai mình. Gà, lợn đã nuôi đầy chuồng. Tiền bạc cũng đã rủng rỉnh. Nhà Tón thuộc dạng khá giả trong làng nên lễ của nhà Tón cũng to lắm. Hẳn hai thầy cả và năm thầy phụ lễ cơ đấy. Họ mạc, láng giềng xa gần cũng đã mời đầy đủ.

Mấy hôm nay, Sính phải ở trong buồng, hạn chế đi ra ngoài. Cơm ăn, nước uống có người đưa vào tận nơi, mà phải ăn chay cho sạch sẽ linh hồn. Nếu có việc phải ra ngoài thì trùm kín người lại và phải đội nón để không bị ma nó quấy nhiễu. Bảy ông thầy mặc trang phục thầy Tào thêu hoa văn sặc sỡ, đầu đội mũ đen, chia nhau làm lễ ở các gian nhà. Khắp nhà dán đầy những bùa chú và ấn tín. Trên bàn thờ tổ tiên có dán mấy bức tranh thờ cổ. Đó là tranh ba vị thần linh cai quản trong cõi giới. Thần Ngọc Thanh cai quản trên trời, thần Thượng Thanh cai quản trần gian và thần Thái Thanh cai quản âm phủ. Khắp tường nhà dán giấy xanh, đỏ, vàng nhìn rất vui mắt. Nghi thức cúng lễ của người Dao Tuyển rất đặc biệt. Các thầy cả - còn gọi là Chí Chấu Sai - và các thầy phụ đều cầm trên tay mỗi người một quyển sách cúng, miệng lầm rầm khấn vái trong các tư thế nằm, đứng, ngồi... khác nhau. Mỗi thầy một bài cúng khác nhau. Ấy là họ mời tổ tiên về chứng giám cho con cháu.

Ngoài sân, sau bếp tiếng người cười đùa, nói chuyện vui vẻ cùng với tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà quang quác, tiếng băm chặt lách cách. Tất cả hòa lẫn vào nhau thành một âm thanh sống động. Bảy con lợn cỡ bảy, tám mươi cân một con, ba lồng gà to, rồi thịt bò, tôm, rau củ quả...tất cả được dân làng xúm vào chế biến. Rượu múc từ chum ra đầy các cóng.

Mấy con lợn được xả ra trên những tàu lá chuối trải nơi góc sân. Trước tiên phải để phần cho thầy Tào đã. Mỗi thầy cả được một đùi và một thủ, mỗi thầy phụ được một đùi to nhỏ tùy theo cấp bậc. Từng phần thịt được viết chữ Quan hỏa bằng mực đỏ rồi treo lên.

Tón hồ hởi chào đón mọi người tới dự lễ. Vợ Tón chạy đi, chạy lại từ nhà xuống bếp rồi ra sân để xem xét cỗ bàn. Ai làm việc, cứ làm việc. Ai ăn uống, cứ ăn uống. Tiếng cười, tiếng nói nhộn nhạo cả bản làng. Những khuôn mặt đàn ông đỏ ửng rượu, những nụ cười lấp lóa sáng của chiếc răng bịt bạc. Hôm nay ngày lễ nên nhiều người mặc trang phục của dân tộc mình. Nam mặc bộ đồ vải lanh nhuộm chàm, quần cắt đũng chân què, vấn cạp, buộc thắt lưng bằng dây vải. Nữ mặc áo dài lanh đen, hai vạt áo được gấp chéo lên, cố định bằng thắt lưng lụa màu xanh, hai tua chỉ hồng được gắn trên cổ thả xuống trước ngực làm nổi bật chiếc cổ áo trắng lấp ló. Tóc ai cũng búi cao, giấu trong tấm khăn màu đen có đính những hạt cườm đội trên đầu, nhìn như củ ấu to tướng. Hỏi thăm thì biết để sắm một bộ trang phục với đầy đủ phụ kiện đi kèm phải hơn chục triệu. Thảo nào dạo này mọi người hay mặc trang phục theo người đa số.

Ở một góc sân, mấy thanh niên trai tráng đang giã bánh dầy. Xôi ở trong chõ nóng hôi hổi được đổ vào tấm vải to trải trên mấy tàu lá chuối. Chày là những khúc tre mới chặt được dựng bên cạnh bàn thờ tổ tiên để làm phép. Thịch ! Thịch ! Thịch ! Những nhát giã chắc nịch, khỏe khoắn. Bốn người phụ nữ cầm bốn góc tấm vải lật trở xôi . Chẳng mấy chốc xôi đã nhuyễn dẻo, mọi người xúm lại vắt thành từng tấm bánh dày. Bánh này một phần để ăn, một phần để chia làm quà cho người tới dự lễ đem về.

Hôm nay Sính đã được ra ngoài nhà. Nó mặc một áo dài màu đỏ, trên đầu đội một khăn trắng được vấn thành cái mũ, phía trước mũ có gắn bức tranh thờ có hình Tam Thanh. Sính cung kính đứng trước bàn thờ tổ tiên để các thầy làm phép. Nó răm rắp tiến, lùi, bái lạy theo nhịp hô của thầy rất bài bản.

Sau bữa ăn tối, dân làng kéo đến nhà Tón đông lắm. Đêm nay là lễ chính mà. Các thầy ngồi cùng với bà con dân bản. Đây là lúc tổ tiên về nhập vào các thầy, trò chuyện và dạy bảo con cháu đạo lý làm người. Con cháu cảm thấy như tổ tiên mình đang hiện hữu trước mặt, nô đùa, nói chuyện và sinh hoạt cùng gia đình. Đêm càng khuya thì không khí càng nhộn nhịp. Nghi lễ đặc sắc của buổi lễ, tức lễ Rơi đài, bắt đầu. Gần 12 giờ đêm, các thầy Tào làm lễ dẫn đường đưa Sính rời khỏi nhà, đi ra bãi đất trống cách nhà khoảng 500m. Ở đó đã được dựng lên một cái chòi tre cao khoảng 2,5m, có bậc thang đi lên, phía trước chòi được dán mấy lá bùa vàng, đỏ.

Sính bước lên trên chòi, hít một hơi dài. Nó cảm thấy một cảm giác rất lạ đang dâng trào trong cơ thể. Sau tràng lầm rầm khấn vái cùng tiếng hô HUẦY, Sính bật ngửa người để cơ thể rơi tự do xuống tấm chăn đã được các thầy phụ cầm căng bốn góc. Lập tức, Sính được bọc kín. Lời cúng càng dồn dập hơn. Khi tấm chăn mở ra, thầy cả đút cho Sính một miếng xôi và cho ăn vài thìa mật mía. Hình thức này tượng trưng cho đứa bé ở trong bụng mẹ chui ra, được mẹ cho ăn uống đủ đầy. Người được thụ lễ sẽ gọi thầy Tào là cha.

Phần lễ đã xong. Giờ chuyển sang phần hội. Mọi người xúm xít xem lễ đám cưới giả. Hai cô gái xinh đẹp, chưa chồng ở Nhai tẻn được chọn làm cô dâu và phù dâu giả, bạn thân của Sính cũng được chọn làm phù rể. Mọi nghi thức diễn ra giống như một đám cưới thật với trang phục đặc sắc của dân tộc. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng.

Đêm tàn canh, nơi góc nhà có mấy thanh niên nằm lăn lóc ngủ. Bên mâm rượu, mấy ông già đang khật khưỡng cạn chén với nhau. Có người say quá gục luôn tại bàn. Dưới bếp đã nghe lạch cạch tiếng dao thớt, xong nồi loảng xoảng. Khi mặt trời lên khỏi đỉnh núi bỗng có tiếng cú rúc đâu đây. Mọi người nhốn nháo :

- Bàn vương về ! Bàn vương về rồi !

Thầy Tào trong trang phục đen truyền thống, đeo mặt nạ kinh dị, tay cầm tù và chạy nhảy khắp nơi ! Thầy hóa thân thành Bàn vương, cụ tổ của người Dao về vui cùng con cháu. Bàn vương dạy con cháu cách săn bắn thú rừng, cách làm nương rẫy, dạy con cháu đạo lý làm người..

Tiếng cười rộ lên khắp nơi khi Bàn vương tới.

Rồi cuộc vui cũng tới lúc tàn. Mọi người lục tục kéo nhau ra về. Tiếng cười, tiếng nói theo chân người đi xa.

Nghe thầy cả kể, năm 2012 sở Văn hóa thông tin có mời các thầy tới tái hiện lại một phần của nghi lễ cấp sắc trong dịp nghi lễ này được nhà nước công nhận là hình thức văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Mừng là nhà nước đã có chính sách bảo tồn văn hóa các dân tộc để lớp hậu sinh biết và phát huy gìn giữ đến mai sau.

 31/3/2021

Theo Chuyện làng quê