Năm 1972, đoàn xiếc sơ tán về Cổ Tiết, trèo lên cây đa mắc dây tập đu, thấy loài “tầm gửi” hoa đẹp liền hái xuống cho vài người. Đó chính là lan đột biến.
Gốc đa đình làng Cổ Tiết. Ảnh: Dương Đình Tường.
Lần theo manh mối
Mấy chục năm sau chúng đã gây ra cơn sốt khuynh đảo cả giới chơi lan với nhiều đại gia và không ít dân thường.
Ông Nguyễn Bá Toan - chủ vườn lan An Phú ở thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) người được xếp vào top có nhiều giống lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ này nhất kể: “Tôi vốn thích chơi lan, cách đây cỡ chục năm khi đi trên đê huyện Lâm Thao thấy có vườn lan của vợ chồng Hải - Hằng liền xuống xem.
Trước đó tôi vẫn quan niệm cây lan nào rễ nhiều, cành lá xum xuê là đẹp nhưng đến đây thấy cả một rừng không biết chọn thế nào nên nghĩ phải quý mới mua.
Tôi hỏi anh Hải: “Vườn nhà cháu cây gì là quý nhất?”. Anh trả lời: “Quý nhất có lan 5 cánh trắng Phú Thọ”. Nó quý ở điểm nào? Tôi hỏi tiếp. Anh trả lời: “Để cho chú dễ hiểu thì nó như con chào mào trắng”.
Tôi hiểu ngay và hỏi tiếp: “Nhà cháu có không?”. Anh trả lời: “Cháu có nhưng không bán”. Thế còn nói chuyện gì nữa, tôi nghĩ bụng. Anh mới nói tiếp: “Hàng xóm cạnh nhà chú có đấy!”. Mừng quá, tôi hỏi: “Thế của ai?”. “Của nhà Trung - Thúy”. Anh trả lời. Đó là hàng xóm cách nhà cũ của tôi 4 - 5 nhà.
Tôi mới nói: “Nhà đó có giò lan đẹp lắm nhưng bao nhiêu năm chú sang chụp ảnh gạ mua mà nó có bán đâu?”. Anh trả lời: “Cháu mua rồi”. “Thế đâu rồi?”. Tôi hỏi tiếp: “Cháu bán cho ông Tr- (Trưởng phòng một cơ quan trên tỉnh). Thế thì làm sao mình đủ tiền để mua lại, nghĩ thế, tôi ra về với tâm trạng nuối tiếc.
Cận cảnh bông lan 5 cánh trắng Phú Thọ. Ảnh: Tư liệu.
Một buổi thấy Trung đi qua, tôi gọi vào uống nước rồi gợi chuyện: “Mày có giò phi điệp đẹp thế mà chú hỏi mua chẳng bán lại bán cho thằng Hải?”. Trung mới bảo: “Chú ạ, cháu bán cho nó giờ vẫn thấy tiếc”. “Thế còn giò nào không?”.
Tôi hỏi. “Cháu còn giò trên ông, vừa xách về chiều hôm qua”. Trung trả lời. “Thế thì đi sang để xem nào!”. Tôi nói câu đó nhưng bụng đã nghĩ phải mua bằng được. Giò này chỉ to bằng ¼ giò trước đã bán với giá 12,7 triệu.
Tôi hỏi: “Giò này được giá, đắt thì bao nhiêu cháu quyết định bán?”. Trung bảo: “10 triệu thì cháu bán”. Tôi mua và xách về luôn.
Từ khi có giò đó treo trong vườn lan, khách cứ đến đông dần. Về sau tìm hiểu mới hay người ta biết nhà Trung - Thúy có hai giò lan quý, một bán cho ông Tr - không thể đến xem được vì người ta là trưởng phòng một cơ quan lớn, một bán cho tôi. Một hôm có anh Hùng ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội đến bảo: “Cháu biết chính xác lịch sử cây lan này sinh ra từ đâu”.
Tôi mới nói đế luôn: “Mày chỉ vui tính! Lan nào cũng từ rừng về hết làm gì có xuất với chả xứ”. Anh lắc đầu: “Không, có xuất xứ thật đó chú”. “Vậy mày kể tao nghe xem nào”. Tôi giục.
Ông Nguyễn Bá Toan đang chăm lan đột biến. Ảnh: Dương Đình Tường.
Anh kể: “Một ông bên xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bảo giống lan này từ xưa đã có trên mấy cây đa đình nhưng không ai dám trèo lên lấy, phần bởi cây rất to không thể ôm được, phần bởi nó ở chỗ thiêng.
Năm 1972 khi Mỹ ném bom miền Bắc đoàn xiếc Trung ương sơ tán về, trèo lên cây đa buộc dây để tập đu, thấy lan đẹp liền gỡ xuống, dân ở quanh liền xin mang về nhân ra”.
Biết thông tin, sẵn bức ảnh chụp giò lan của nhà Trung - Thúy trước kia ông Toan cầm đi Cổ Tiết, chia theo ô bàn cờ mà dò, bắt đầu quanh mấy gốc đa rồi lan rộng. Cứ thấy là mua, đắt rẻ không cần biết, trong 1 - 2 năm ông có khoảng 50 giò lan 5 cánh trắng Phú Thọ, nhiều nhất là của vợ chồng Chương - Tuyết.
“Sau đó, khách đến nhà tôi hỏi mua lan rất đông, có đoàn còn đi cùng với cả một thượng tọa nhưng tôi không bán mà chỉ tặng 1 ky cho ông, phần bởi biết khả năng sinh lời của nó, phần bởi thích chơi và muốn tạo thương hiệu riêng.
Lúc đó tôi cũng chưa có mấy kiến thức, trong đầu chỉ nghĩ sẽ trồng một cây nhãn có hình mâm xôi, cấy lan 5 cánh trắng Phú Thọ lên để đến mùa nở sẽ thành một giò hoa khổng lồ, để đến Phú Thọ nói đến 5 cánh trắng là phải nghĩ ngay đến mình. Hình dung thế thôi, nhưng cây nhãn đó giờ tôi cũng chưa kịp trồng”, ông Toan tâm sự.
Giò lan đột biến của ông Chương. Ảnh: Dương Đình Tường.
Trở lại quê hương của lan đột biến
Tôi cùng với ông Toan trở lại Cổ Tiết nay là Vạn Xuân. Đã lâu không đến, lạc ngõ, phải hỏi thăm, chỉ khi đến cây đa đình thì ông mới bước phăm phăm vào thẳng nhà ông Nguyễn Văn Chương. Vừa gặp, ông rút ví ra mấy triệu biếu luôn để cảm ơn chuyện cũ. Vợ ông Chương cười: “Nhờ giống lan nhà em mà bác giàu nhỉ?”.
Trong ngôi nhà mới xây khang trang, ông Chương kể: “Khu đình ngày xưa có 3 cây đa mọc theo thế chân kiềng, trên rất nhiều lan, nở thành chùm, tím có, trắng có (5 cánh trắng), đặc biệt nhiều là loại trắng, chúng tôi cứ bảo sao nó giống hoa…bèo tây thế!
Xưa người ta quan niệm cây đa có ma nên không ai dám trèo. Năm 1972 khi ấy tôi 15 tuổi, đoàn xiếc Trung ương về sơ tán, treo dây lên cây đa để tập luyện và lấy lan xuống chơi. Tôi thấy đẹp nên xin về trồng, một số hộ dân khác cũng thế, buộc nhăng nhít vào gốc mít, gốc hồng.
Chỉ có tôi là thích nên nhân ra được nhiều. Sau này, cũng có một số người gạ mua nhưng tôi giữ không phải vì biết nó quý mà vì thích chơi cả tím, cả trắng dù còn thích tím hơn.
Ông Chương bên cây đa đình còn sót lại. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đến khi gặp ông Toan cách đây 8, 9 năm, bị “đẽo dần” mỗi lần 1, 2 giò, giá bao nhiêu cũng chịu, đắt nhất 2 triệu, rẻ nhất 300.000 đồng. Tôi cũng chỉ lấy tiền những giò tương đối đẹp 2-3 thân, cao chừng 1 gang trở lên thôi còn loại ky (cây con mới ra từ đốt), loại kiến (khóm, đã có thân nhỏ) cho luôn.
Tôi nhớ mãi giò lan cỡ 30 - 40 thân, cành dài nhất 1m (theo thời giá giờ phải cỡ tiền tỉ vì mỗi 1cm là 1 - 1,2 triệu đồng - PV) không cầm về được ông Toan đã nhờ tôi cầm lái, anh Dũng hàng xóm ngồi sau bê. Phần vì nặng, phần vì phải gượng sao khỏi gẫy nên 3 lần anh Dũng xin dừng nghỉ (nghe đến đây, nhớ ra ông Toan lại mở ví rút tiền ra nhờ biếu ông Dũng - PV).
Cuối cùng sau khoảng 1 năm là sạch cả vườn chừng 30 giò, được quãng 40 triệu. Thấy tôi bán được tiền, dân mới kháo nhau nhưng cũng không mấy ai tin. Mãi 1 năm sau anh Huy đồ cổ - một người thích lan trong vùng mới tìm đến thì đã hết. Tôi quên bẵng chuyện ấy cho đến 3 - 4 năm sau khi thấy mấy giò phi điệp tím nhà mình bỗng nở ra một nhành trắng.
Thì ra lúc trước tôi đã cấy lẫn vào. Chăm sóc, nhân ra, năm ngoái tôi bán 1 giò 3 thân được 100 triệu còn giò lớn hơn họ trả 300 triệu vẫn chưa đồng ý. Cũng năm đó tôi làm nhà, sơ ý để bụi xi măng bám vào chết gần hết, cứu mãi mới được một ít”.
Ông Chương chỉ vị trí lan mới cấy trên cây đa đình. Ảnh: Dương Đình Tường.
3 cây đa nay chỉ còn 1. Cách xa rừng núi chẳng hiểu ngày xưa ai đã cấy lan lên hay phải chăng chim tha vài nhánh lan khô về làm tổ rồi gặp mưa mà đâm lộc? Chỉ cho tôi trên cái tán cao vời vợi thấp thoáng mấy nhành lan, ông Chương bảo đó là hoa tím mới thuê cấy lên chứ trắng sợ bị… trộm.Ông Toan nghe đến đây liền hào hứng: “Nếu cấy lan 5 cánh trắng Phú Thọ tôi sẽ hiến để mọi người tới đây còn biết đến đất tổ của dòng lan đột biến này nhưng phải rào dây kẽm gai xung quanh để bảo vệ”.
Chạy theo giằng lại
Ông Khuất Duy Tiến - Nguyên Bí thư xã Cổ Tiết kể có ông bác là Chánh án huyện xin được mấy nhánh lan của đoàn xiếc. Quan chức thời bao cấp lương eo hẹp nên cũng nhà lá đơn sơ nhưng ông Quyền lại có thú chơi lan rất tao nhã. Khi ông mất đi, người con đem chia cho mỗi người một ít.
Từ 1 giò ông Tiến nhân ra cài vào các gốc cây, buộc ra cả ngoài đường. Đợt đám cưới con, phải chặt bớt cây trong vườn để bắc rạp, những thân 5 cánh trắng Phú Thọ ai muốn lấy thì lấy.
Quãng 8-9 năm trước, bắt đầu rục rịch người đến hỏi mua nhưng ông Tiến chỉ bán 1 giò 6-7 thân với giá 500.000đ còn 1 giò giữ lại chơi. Khách cứ tìm đến, nài nỉ khiến ông phát bực. Lúc ông Toan ghé qua thấy giò có 3 thân và 1 chùm hoa to cấy ngay trên…cột bê tông, hỏi mua nhưng ông Tiến từ chối. Thấy ông Toan vẫn tới đều, ngót 10 lần, ông Tiến bàn với vợ, nói thách lên gấp nhiều lần để không đến nữa.
Ông Tiến bảo lan 5 cánh trắng Phú Thọ có tốc độ lớn chỉ bằng 1/2 lan tím. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Bữa đó, thái độ của ông Tiến khác lắm, vừa thấy mặt tôi đã niềm nở mời nước. Thấy tín hiệu tôi lạ cũng cứ vào. Ông ấy hỏi, giò lan 10 triệu anh có lấy không? Tôi lúc ấy không mang đủ tiền nhưng đã quyết.
Không dám rời đi vì sợ bị đánh tháo, tôi gọi cho anh Thành xe ôm ở gần nhà bảo gia đình chuẩn bị tiền. Thấy tôi yêu lan quá, ông Tiến mới gọi vợ con lại, trước ban thờ trịnh trọng tuyên bố bán”. Ông Toan hồi tưởng.
Mấy năm sau, nghe nói ông Tiến còn vài ki nhỏ ông Toan trở lại, định vét nốt, đã bỏ lên xe ô tô rồi nhưng chủ vội chạy ra giằng lại. Lúc tôi đến, mấy giò này đang bị “nhốt” trong một cái cũi sắt lớn, khóa chặt. Hàng chục nhà có lan quý trong vùng cũng phải “nhốt” như thế, thậm chí xích chó dữ để canh.
Ông Tiến cười: “Giờ lan 5 cánh trắng Phú Thọ có nở vài bông cũng chỉ chụp ảnh để cho khách biết rồi phải vặt đi kẻo trộm ngay…Cùng phi điệp nhưng loại trắng tốc độ lớn chỉ cỡ 1 gang tay/năm, bằng ½ tím, đẻ cũng ít. Tôi chỉ tưới nước lã, bón tí phân dê nên thế nhưng được khỏe chứ không như các nhà vườn dùng kích thích bốc nhanh đến khi khách mua về, 10 ki có khi chết 6, 7”.
"Cũi" nhốt lan của ông Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.
Rồi ông Tiến quay sang hỏi ông Toan: “Tôi trước đây vẫn nghĩ giống lan đó bình thường nhưng tại sao ông biết là quý để mua về “đùn” nó lên, quảng cáo nó rồi chiếm lĩnh thị trường?”.
Ông Toan cười: “Các bác ở trong này thích chơi nhưng chưa hiểu được tính chất đột biến của nó. Chúng em ở ngoài tiếp xúc với giới chơi rộng hơn, họ đều nhận xét đó là loại lan chỉ Phú Thọ mới có, thân đẹp, lá đẹp, hoa đẹp với cánh trắng muốt, hai má tím rất gọn. Một người chưa chơi lan bao giờ, xếp 10 bông khác nhau ra rồi hỏi thích bông nào nhất họ vẫn chỉ vào nó.
Chính vì vẻ đẹp ấy mà nhiều anh em sưu tầm, phát triển nhưng vẫn hiếm. Cho đến tận bây giờ (ngày 4/8/2020) em dám nói chắc chắn rằng 10 vườn lan ở xung quanh nhà em chỉ 3 vườn có ki, ở Cổ Tiết này 10 vườn cũng chỉ 5 vườn có ki chứ chưa nói đến giò. Bởi thế nên có giá”.
Một thân cây 5 cánh trắng rất mập mạp trong vườn nhà ông Toan. Ảnh: Dương Đình Tường.
"Phải hàng ngàn năm tự nhiên mới tạo ra được giống lan đột biến, không bao giờ thay đổi khuôn hoa lẫn sắc màu.Miền Bắc đột biến có 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO Hòa Bình, 5 cánh trắng Hải Dương, mỗi thứ có một ưu và nhược. 5 cánh trắng Phú Thọ và Hải Dương có chung ưu điểm là dễ ra hoa vì thế lại không có nhiều ki như 5 cánh trắng HO nên không chuộng bằng, đắt bằng.Tuy nhiên 5 cánh HO cũng có nhược điểm là ít ra hoa, trước đây có người trồng đợi đến 5-7 năm, rất may mấy năm nay nó đã ra hoa đông hơn. Hiếm và rất đắt bây giờ có thêm 5 cánh trắng Bạch Tuyết ở Quảng Ninh". Ông Toan.