Năm 2019 là năm khô nhất và nóng nhất trong lịch sử tại Australia. Nước này đang trải qua một mùa cháy rừng thảm khốc bắt đầu từ nhiều tháng trước so với thường lệ, khiến hơn 25 người thiệt mạng và đã đốt cháy hơn 1,5 mẫu đất, giết chết khoảng hơn 1 tỷ động vật.
Hạn hán cấp tính đã đẩy những đàn lạc đà hoang dã khổng lồ về phía những thị trấn xa xôi tìm kiếm nước, gây nguy hiểm cho cộng đồng bản địa. Theo bộ phận môi trường bang Nam Úc, một số con lạc đà đã chết vì khát hoặc giẫm đạp lên nhau khi chúng vội vã đi tìm nước.
Nhà chức trách cho biết, những con lạc đà đã đe dọa nguồn dự trữ thực phẩm và nguồn nước đang khan hiếm, bên cạnh đó còn gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và gây ra mối nguy hiểm cho các tài xế. Các đàn lạc đà cũng đã làm ô nhiễm các nguồn nước và địa điểm văn hóa quan trọng.
Các chuyên gia dự đoán có hơn một triệu con lạc đà hoang dã ở Australia. Ảnh: Robbie Sleep.
Vùng đất APY nằm ở phía đông nam của Australia và là nơi sinh sống của khoảng 2.300 thổ dân nước này. Trước đây, người dân thường gom lạc đà và bán chúng, nhưng đợt hạn hán gần đây đã khiến số lượng động vật không thể kiểm soát được.
Hơn nữa, những đàn lạc đà lang thang trong các sa mạc của đất nước này, làm hôi nguồn nước và chà đạp hệ thực vật bản địa trong khi chúng phải tìm kiếm thức ăn trên một diện tích rộng lớn mỗi ngày.
Nếu sự sinh sản của chúng được kiểm soát, số lượng lạc đà tăng gấp đôi cứ sau chín năm. Loài động vật này cũng có lượng khí thải carbon khổng lồ, mỗi con lạc đà phát ra khí mê-tan tương đương với một tấn carbon dioxide mỗi năm. Một số người dân ở APY hiện đang yêu cầu luật pháp cho phép họ tiêu hủy hợp pháp lạc đà để giúp bù đắp lượng khí thải nhà kính.
Hiện tại, Australia được cho là có số lượng lạc đà hoang dã lớn nhất thế giới, hơn 1 triệu con và vẫn đang tăng nhanh. Tuy nhiên, Lạc đà vốn không phải là loài bản địa ở Australia. Chúng được đưa từ Ấn Độ đến nước này trên những con tàu vào những năm 1840 và được xem như một phương tiện giao thông lý tưởng cho các sa mạc rộng lớn. Hơn 20.000 con lạc đà đã được nhập khẩu từ Ấn Độ giữa những năm 1840 đến 1900. Gần 200 năm sau, chúng trở thành loài hoang dã gây hại, phá hủy môi trường sống và cạnh tranh với con người và các loài bản địa để sống sót.