Ngoại trưởng Singapore - ông Vivian Balakrishnan cho rằng việc Singapore và Việt Nam là hai quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới thăm là phù hợp với định hướng chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Washington, kênh tin Channel News Asia cho hay.
Trong bài phỏng vấn được đăng tải sáng 22-8 - khi Singapore gấp rút chuẩn bị đón bà Harris trong cùng ngày, ông Balakrishnan nói: “Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris là một chuyến thăm quan trọng, rất đáng hoan nghênh”.
Ông Balakrishnan cho rằng chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ “mang tính quy ước cao hơn” khi Mỹ cố gắng tham gia các cam kết đa phương và “cam kết một cách tương đối có hệ thống với đồng minh, đối tác và các bên có liên quan khác”.
“Tôi nghĩ việc bà (Harris) hướng tới Đông Nam Á nói chung, Singapore - thành quốc ngay trung tâm Đông Nam Á - và Việt Nam - một nước lớn tầm trung mới nổi khác ở Đông Nam Á - nói riêng là tương đối phù hợp với tinh thần chung và nhịp độ đó. Tôi chắc chắn bà ấy sẽ đến những nơi khác trên thế giới trong thời gian thích hợp” - ông Balakrishnan nói.
Riêng về quan hệ Singapore-Mỹ, Ngoại trưởng Balakrishnan cho rằng quan hệ song phương luôn “đi đúng hướng” và đây là “một mối quan hệ tuyệt với” bất chấp đảng nắm quyền ở Washington là Dân chủ hay Cộng hòa.
Ông Balakrishnan lưu ý rằng đã có “nhịp độ ổn định của các cuộc họp và tương tác” qua các chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Donald Trump, gồm cả hội nghị thượng định Mỹ-Triều lần đầu tiên hồi năm 2018, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các tương tác đó. Ông Balakrishnan thể hiện rằng ông ưu tiên những tương tác trực tiếp, đối thoại trực diện thay vì qua kết nối trực tuyến như trong hơn một năm qua.
Ông Balakrishnan nhấn mạnh rằng cam kết của Singapore với Mỹ về việc thực thi chính sách, cả về kinh tế, quốc phòng và ngoại giao đều “rất tốt đẹp” và “nhất quán”.
Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào Singapore, tổng vốn đầu tư lớn hơn tổng vốn của ba nước xếp sau là Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiệp định thương mại tự do Singapore-Mỹ đã có hiệu lực từ năm 2004. Mỹ cũng là quốc gia nước ngoài có hoạt động quân sự mạnh mẽ nhất tại căn cứ hải quan Changi (Singapore).
Ông Balakrishnan giải thích rằng cơ sở cho sự hợp tác này là sự “tin tưởng và thiện chí” rất lớn giữa hai nước, cùng “các mối liên hệ rất chặt chẽ về thể chế và cá nhân giữa các nhà lãnh đạo của chúng tôi, và bao gồm cả lãnh đạo quân đội”.
Ngoại trưởng Singapore nhận xét cựu Tổng thống Mỹ Trump là một người “độc đáo”. Ông Balakrishnan cũng cho rằng sự phân cực trong chính giới Mỹ đôi khi khiến các chính sách của Washington không nhất quán, song lưu ý rằng Singapore cần “học cách thích nghi” với điều “bình thường” này.
“Chúng tôi tin rằng Mỹ có một sự hiện diện quan trọng, mang tính xây dựng và là một trụ cột quan trọng trong công thức hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á” - ông Balakrishnan nói.
Trong tháng này, hãng tin Reuters đã dẫn lời một số quan chức cấp cao tại Mỹ, cho biết chuyến công du hai nước Singapore và Việt Nam của bà Harris nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực, làm sâu sắc thêm quan hệ với các đồng minh và đối tác ở khu vực “chìa khóa” để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Nhiều khả năng Biển Đông sẽ là vấn đề nóng được bà Harris đặc biệt nhắc tới trong chuyến công du lần này.