Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

     

cao-lo-1629682830.jpg

Tượng Cao Lỗ (ảnh sưu tầm). Nguồn: Internet.

Cao Lỗ vị tướng giỏi dưới thời vua Thục Phán, chính ông là người sáng tạo ra nỏ Liên Châu (một loại nỏ bắt được nhiều mũi tên cùng 1 lúc) và cũng chính ông là người chỉ huy cho xây dựng Cổ Loa thành. Để tưởng nhớ công ơn của ông người ta đã lập tượng và xây đền thờ ông. Đền thờ nhỏ tại Cổ Loa, có dựng tượng Cao Lỗ bắn nỏ giữa ao nước trước đền. Trong đền còn lưu giữ nhiều mũi tên đồng mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được.          

 

Kỳ 8.

Triệu Đà im lặng, cái mồm rộng của ông ta mấp máy đầy tham vọng và nhấn mạnh:

  -Trong bốn việc đó việc nào cũng quan trọng và có liên hệ với nhau, bổ sung cho nhau, hỗ trợ cho nhau thì mới tạo nên sức mạnh của nội công tạo điều kiện cho ngoại kích thắng lợi. Chỉ khi hoàn thành tốt bốn nhiệm vụ đó thì việc lấy Âu Lạc dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật. Con nhớ lấy điều đó.

  Suy nghĩ của Trọng Thủy bị cắt đứt bởi tiếng trống đồng cầm canh trên thành Cổ Loa điểm canh ba. Trong ánh đèn dầu vàng vọt của ngọn đèn dầu trong căn phòng lộng lẫy sang trọng, Mỵ Châu đang say giấc nồng. Nàng thật là xinh đẹp. Sự xinh đẹp và ngây thơ của Mỵ Châu khiến Trọng Thủy thấy hổ thẹn khi trong lòng hắn đang chứa chấp những âm mưu thâm độc. Hắn chợt lo lắng cho tương lai của hắn và Mỵ Châu một khi âm mưu của cha hắn hoàn thành và chiến tranh giữa Nam Việt và Âu Lạc bùng phát. Nhưng Trọng Thủy nhớ lại lời của cha hắn, thực hiện được âm mưu này hắn có cả Âu Lạc, lại có cả Mỵ Châu, chữ hiếu và chữ tình đều vẹn toàn. Nghĩ như vậy, hắn thấy như trút được gánh nặng, khoan khoái hơn. Hắn nằm xuống bên cạnh người đẹp và thiếp đi trong một giấc mơ đầy máu lửa chết chóc bi thương!

 V.  Đã gần một năm rồi, An Dương Vương không thiết triều, không bàn bàn việc nước với các đại thần. An Dương Vương tự quyết định lấy những công việc của đất nước, kể cả những công việc quan trọng. Thời gian này, ông không phân biệt được đâu là việc nước, đâu là việc nhà mà thường lẫn lộn với nhau, đánh đồng việc nước với việc nhà, đôi khi đặt việc nhà lên trên lợi ích quốc gia, nhất là từ khi công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy về Cổ Loa. Có việc gì băn khoăn ông thường bàn bạc với Lạc Hầu, Thừa tướng Thục Ngạn, là người trong hoàng gia họ Thục, lại luôn ủng hộ An Dương Vương trong nhiều vấn đề. Trong suy nghĩ và tư duy của An Dương Vương, sau chiến thắng Nam Việt và đặc biệt sau khi Triệu Đà tỏ ra thần phục thì sự ngạo mạn của ông đã lên đến cao độ. Đối với Thục Vương không còn việc gì là quan trọng nữa, không ai có thể khuất phục được sức mạnh của ông. Tai của Thục Vương giờ đây không muốn nghe những lời nói trái tai của Cao Lỗ và những người theo phe cánh ông ta. Tai của vị quân vương bây giờ chỉ thích nghe những lời tâng bốc ca tụng ngọt ngào của Lạc Hầu và những người xu nịnh của ông ta. Sự chia rẽ của triều đình Cổ Loa đã lên đến đỉnh cao, nhất là An Dương Vương hàng ngày thường nghe lời than phiền về sự khinh  miệt của Cao Lỗ đối với Trọng Thủy do chính miệng Trọng Thủy nói ra hoặc do miệng dèm pha của bọn Lạc Hầu, của hàng trăm tên người Nam Việt theo Trọng Thủy sang Cổ Loa để hầu hạ phục dịch cho Hoàng Thái tử. Tất cả chỉ tóm lại là Cao Lỗ và phe cánh rất căm thù trọng Thủy và bọn gia nô Nam Việt của chàng. Bọn Nam Việt và bọn người Lạc Hầu còn đánh tiếng là có lẽ Trọng Thủy không thể sống nổi ở Cổ Loa mà phải quay về Phiên Ngung để tránh sự bức hại của Cao Lỗ và phe cánh.

  Tuy chỉ nghe phong phanh và những lời đơm đặt đó chưa chắc là sự thật nhưng vì không muốn xa Mỵ Châu và Trọng Thủy, lại hết sức yêu thương con gái và con rể nên An Dương Vương bàn với Lạc Hầu đuổi Cao Lỗ khỏi Cổ Loa thì Trọng Thủy mới có thể ở lại Âu Lạc bình yên. Lạc Hầu đồng ý với đề xuất của An Dương Vương. Buổi thiết triều hôm nay là để quyết định đuổi Cao Lỗ khỏi kinh thành. Trong không khí bao trùm nặng nề cung điện, An Dương Vương nói:

  -Các chư vị ai có tấu gì không?

  Cao Lỗ Đứng dậy:

  -Bẩm Thục Vương, thần có lời tấu trình.

  -Nhà ngươi nói đi!

  Cả triều đình lại một lần nữa sửng sốt. Đây là lần thứ hai An Dương Vương gọi bậc nhất khai quốc công thần là “ngươi”. Cao Lỗ không để ý đến cách gọi miệt thị đại thần của An Dương Vương. Tâm tư của ông chỉ đang bức xúc vì những việc an nguy đến xã tắc, quốc gia. Cao Lỗ hỏi:

  -Tâu Thục Vương, thần xin hỏi ai đã cho phép Thái tử Phi dẫn Trọng Thủy đi xem các bệ đặt “Linh Quang thần nỏ” ở vòng ngoài thành Cổ Loa?

  An Dương Vương đáp giọng gay gắt:

  -Ta cho phép. Đó là vì Trọng Thủy buồn vì nhớ nhà, nhớ nước nên muốn đi dạo xem cảnh đẹp của Cổ Loa. Sao? Có chuyện gì không?

  Cao Lỗ đáp:

  -Tâu Thục Vương, toàn bộ vòng ngoài của Loa Thành đặt tới 100 khẩu “Linh quang thần nỏ”. Đó là nơi đặc biệt quan trọng về quân sự, về quốc phòng, là nơi tuyệt đối bí mật. Các quan đại thần của triều đình không có trách nhiệm cũng không được đến, người dân Âu Lạc càng không được bén mảng, huống hồ Trọng Thủy là người Nam Việt.

  An Dương Vương ngắt lời:

  -Trọng Thủy là người Nam Việt nhưng là Phò mã, là con cái trong nhà cũng như Cao Tứ, em ngươi là Phò mã, như Võ quốc Thái sư là Phò mã, ta cũng coi như con cái một nhà, thăm nỏ thần một chút thì đã làm sao?

 Cao Lỗ nói tiếp:

  -Bẩm Thục Vương, Trong Thủy không chỉ thăm nơi bí mật quốc phòng đó một lần mà đã nhiều lần cùng những gia nô người Nam Việt rủ rê những người lính trực ban ở các nỏ thần chè chén say sưa. Lính sử dụng nỏ thần là một loại lính kỹ thuật đặc biệt, không thể buông lỏng và vi phạm quân luật. Xin cho phép thần đem những người lính và những người Nam Việt đó ra xử theo quân luật.

  An Dương Vương đáp:

  -Có chuyện đó sao. Chuyện đó không sao vì nay là thời bình. Lính cũng là những con người đôi khi cũng phải cho họ vui vẻ chút có khi lại nâng cao tinh thần chiến đấu. Còn xử những người Nam Việt gia nô của Phò mã e làm tổn thương tới bang giao hai nước. Cao Lỗ nhà ngươi khắt khe quá.

  Cao Lỗ nói tiếp:

  -Bẩm Thục Vương, thần thật sự lo cho an nguy của Quốc gia xã tắc. 100 tên gia nô Nam Việt kia thần xem ra có nhiều tên gian manh, là những bậc cao thủ về mưu lược, còn phần lớn là những tên lực lưỡng khỏe mạnh có dáng cao thủ võ lâm. Vì an nguy của Quốc gia xã tắc, mong Thục Vương cẩn trọng.

  An Dương Vương lớn tiếng:

  -Ngươi dám bảo ta không vì giang sơn xã tắc ?

  Cao Lỗ nói tiếp:

  -Thần còn một việc nữa xin được bẩm tấu.

  Không đợi An Dương có đồng ý hay không, Cao Lỗ nói tiếp:

  -Thần biết rằng từ gần Cổ Loa đến giáp biên giới Âu Lạc-Nam Việt, Thục Vương đã cho phép xây dựng những hành cung, những trang trại cho Thái tử phi và Trọng Thủy săn bắn du chơi và nghỉ ngơi. Trong các hành cung và trang trại đó thần được biết Trọng Thủy đã cho rất nhiều người Nam Việt toàn là trai tráng khỏe mạnh đến với cớ  là phục dịch Trọng Thủy?

  An Dương Vương ngắt lời:

  -Đó là do Hoàng Thái tử nhớ nhà, nhớ nước nên cần có chỗ cho Thái Tử vui chơi. Vả lại Công chúa ở mãi trong cung cấm cũng buồn chán, cũng cần phải đi thăm thú xem phong cảnh tươi đẹp của Âu Lạc. Hai con ta đã đi du ngoạn thì phải có nơi ăn ở nghỉ ngơi. Đó là đất của ta sao ta lại không cho con ta được?

  Cao Lỗ đáp:

  -Nhà Vua có quyền cho lập hành cung, trang trại nhưng có thể là nơi khác. Còn những hành cung, trang trại hiện nay toàn là những nơi hiểm yếu, quan trọng của Quốc phòng, là địa thế cho quân đội tác chiến ngăn chặn địch từ phương Bắc tràn xuống, ví dụ như hành cung ải Chi Lăng của bộ Lục Hải,  như hành cung chặn ngã sáu của Lục Đầu Giang ở bộ Dương Tuyền, hành cung ở bộ Vũ Ninh, hành cung phía Nam sông Cầu, đầu bộ Giao Chỉ gần Cổ Loa. Những nơi đó là gần những căn cứ quân sự của quân ta, thuộc vùng đất nghiêm cấm người nước ngoài  và trong nước lai vãng tới gần nhòm ngó. Hơn nữa, trong các hành cung, trang trại này rất nhiều nam giới Nam Việt đã tới. Thần cho rằng chúng đến với danh nghĩa gia nô của Trọng Thủy nhưng khi có chiến tranh chúng sẽ là lính tráng hỗ trợ cho quân đội Nam Việt hoặc chúng có thể tấn công quân đội Âu Lạc ngay từ bên trong nhanh chóng, ta không kịp trở tay. Ngay trong thời bình, chúng đã có thể do thám nắm bắt tình hình bí mật của ta để sau đó tấn công. Vì an nguy xã tắc và Quốc gia, mong Thục Vương xem xét.

  An Dương Vương tức giận đến mức trợn ngược hai mắt, đập bàn đứng dậy:

  -Nhà ngươi nói vậy tức là ta là kẻ bán nước sao, ta không biết gì về quân sự Quốc phòng sao. Ta, người đã đánh bại 50 vạn quân Tần do nguyên soái Đồ Thư chỉ huy, ngươi không biết sao? Ta, người cách đây không lâu đã đánh bại cuộc xâm lăng 5 vạn quân của Triệu Đà, ngươi không biết sao? Ta không cần ngươi nữa xem ta có chiến thắng hay không, xem Âu Lạc có vững bền không? Ngay hôm nay ngươi phải rời khỏi Cổ Loa về Vũ Ninh. Ta không muốn thấy mặt ngươi nữa.

(Còn nữa)

CVl