Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.          

Kỳ 16.

-Dạ, trong bộ sử đó, thầy chỉ mới viết từ thời Âu Lạc cho đến thời Lý Chiêu Hoàng. Thời Lý Chiêu Hoàng là cuộc chuyển giao quyền lực vương triều Lý sang vương triều Trần. Sau cuộc chuyển giao quyền lực đó, số phận những ngưởi tham gia, ví dụ như Lý Chiêu Hoàng sau này thế nào thầy?

  Lê Văn Hưu đáp:

- Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được lập làm hoàng hậu, vị hoàng hậu trẻ nhất trong số các hoàng hậu của Đại Cồ Việt và Đại Việt. Lý Chiêu Thánh sống với Trần Thái Tông từ năm hai người 8 tuổi cho đến lúc gần 20 tuổi mà hai người không có con để kế vị ngai vàng. Điều này khiến cho Thái sư Trần Thủ Độ và vợ là Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung lo sợ và ép Trần Thái Tông bỏ Chiêu Thánh hoàng hậu, lấy Thuận Thiên công chúa là vợ của Trần Liễu, anh trai của Trần Thái Tông đang có mang ba tháng, là chị dâu của Trần Thái Tông. Trần Liễu nổi loạn chống lại Trần Thủ Độ nhưng thất bại. Trần Thái Tông lấy làm hổ thẹn, bỏ ngai vàng vào Yên Tử đi tu. Nhưng trước sức ép của Trần Thủ Độ, và nghĩ tới trách nhiệm với đất nước, Trần Thái Tông đành phải chấp nhận và trở lại ngai vàng. Thuận Thiên công chúa ở với An Sinh Vương Trần Liễu được hai người con là Vũ Thành Vương Trần Doãn, thứ hai là Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang, người đã cùng với con là Trần Kiện mang 2 vạn quân ra đầu hàng quân Nguyên-Mông ở mặt nam Thanh Hóa, khiến cho đất nước lâm vào tình trang nghìn cân treo sợi tóc trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 năm 1285. Trần Quốc Khang dù là con của Trần Liễu nhưng về với Trần Thái Tông mới sinh ra. Thuận Thiên công chúa sinh tháng 6 năm Bính Tý 1216, có tên là Lý Oanh, về với Trần Thái Tông được phong hoàng hậu năm 1237, niên hiệu Chính Bình năm thứ 6, sinh ra hoàng thái tử có tên là Hoảng, sau lên ngôi là Trần Thánh Tông, người con trai nữa là Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, Trần Quang Khải là học trò của lão phu. Thuận Thiên hoàng hậu còn sinh ra công chúa An Tư, người đã hy sinh để cứu đất nước trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần 2 năm 1285. Thuận Thiên hoàng hậu mất tháng 6 năm Mậu Thân1248, thọ 32 tuổi (1216-1248), được phong Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu.

chtrthtonbg-1651499762.jpgNguổn: Internet.

 

 -Lại nói Lý Chiêu Hoàng là hoàng đế, khi nhường ngôi trở thành hoàng hậu, khi ly hôn với Trần Thái Tông bị giáng xuống làm công chúa và sống một mình. Mãi tới năm 40 tuổi, Lý Chiêu Thánh được Trần Thái Tông ban hôn, kết duyên với Ngự sử trung tướng Lê Tần, người có công hiến kế cứu Trần Thái Tông và quân đội thoát khỏi cuộc bao vây của quân Nguyên Mông trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất 1258 tại mặt trận Bình Lệ Nguyên. Sau khi thắng trận, Trần Thái Tông đã nói: “ Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”. Chiêu Thánh công chúa kết hôn với Lê Tần năm 1258, có hai con với Lê Tần, con trai là Thượng Vi hầu Lê Tân, con gái là Ứng thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Chiêu Thánh công chúa qua đời tháng 3 năm mậu Dần, 1278, thọ 61 tuổi (1218-1278). Lý Chiêu Thánh trải qua những thụy danh Lý Phật Kim, Lý Thiên Hinh, Chiêu Thánh công chúa, Hoàng Thái Tử, Chiêu Thánh hoàng đế, Chiêu Thánh hoàng hậu, Chiêu Thánh công chúa. Các thụy danh và tên gọi nói lên cuộc đời thăng giáng của bà khi lên ngôi và khi nhường ngôi hoàng đế, khi kết duyên với Trần Thái Tông và khi ly hôn. Tên và danh thụy của bà phản ánh cuộc thăng trầm trong chuyển giao quyền lực của vương triều.

  Chu Văn An hỏi:

-Dạ, thưa thầy, còn nhân vật chủ đạo thứ hai trong cuộc chuyển giao vương triều này là Trần Thái Tông?

-Lê Văn Hưu đáp:

 -Người đứng ở trung tâm của cuộc chuyển giao vương triều là Trần Thái Tông. Trần Thái Tông tên húy là Trần Cảnh, cha là Trần Thừa, mẹ là Lê Thị Thái. Trần Thái Tông sinh ngày 9 tháng 7 năm 1218 tại Hải Ấp. Như vậy khi lên ngôi Trần Thái Tông mới có 7 tuổi. Nhưng với Trần Thái Tông, những người chọn ông để bàn giao quyền lực vương triều đã hoàn toàn chính xác khi lựa chọn để phó thác nhiệm vụ to lớn nặng nề, đặt vận mệnh tương lai đất nước vào tay vị hoàng đế trẻ tuổi. Lớn lên, Trần Thái Tông là một vị hoàng đế anh minh tài giỏi về mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, quân sự để đưa đất nước tiếp tục phát triển cao hơn mà nhà Lý đang dang giở, để bảo vệ đất nước trước sự xâm lược hung hãn của đế quốc Nguyên-Mông, một đế quốc to lớn nhất thời đại đang chinh phục toàn thế giới. Trần Thái Tông đã cải tổ luật pháp, đưa luật pháp thời Trần thành một hệ thống với “Quốc Triều thông chế” 20 quyển, cải tổ hành chính, phân định rạch ròi hệ thống quan văn và quan võ trong bộ máy nhà nước, quy định các kiểu áo, mũ, xe kiệu của quan lại, trả lương cho quan lại, chia cả nước làm 12 lộ đứng đầu là An phủ chánh, phó sứ, khuyến khích và ra nhiều chính sách tạo điều kiện cho nông, thương nghiệp phát triển, chú ý đắp đê điều và đào nhiều sông ngòi cho thông thương, đảm bảo thủy lợi cho nông nghiệp, cải cách giáo dục trong kiến thức toàn diện của tam giáo đồng nguyên, nhưng đẩy mạnh phát triển Nho giáo trong học hành và mở các kỳ thi, năm 1232-1239 mở các khoa thi thái học sinh, năm 1247 mở kỳ thi lấy tam khôi: chọn học vị trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn trong các kỳ thi Nho học để chọn nhân tài cho đất nước. Mở Quốc học viện, cho thờ Chu Công Đán, Khổng Tử, Mạnh Tử và Thất thập nhị hiền (72 môn sinh giỏi của Khổng Tử), mở Giảng võ đường để đào tạo tướng lĩnh quân sự, ra sức xây dựng quân đội hùng mạnh, thiện chiến. Trần Thái Tông đã khôi phục lại Hội Thề  đền Đồng Cổ thời Lý (ở Yên Thái, Thăng Long) để củng cố lòng trung thành của quan lại. Ông đặt ra lệ Thái thượng hoàng sớm nhường ngôi cho vua trẻ để kèm cặp, giáo dục hoàng đế trẻ, ngăn chặn sự tranh giành quyền lực, tương tàn của các hoàng tử khi mà Thái thượng hoàng còn đó. Trần Thái Tông còn là Thiền sư Phật giáo với nhiều tác phẩm lý luận ảnh hưởng đến Thừa phái Trúc Lâm, Phật giáo mang màu sắc Việt Nam. Ông còn là nhà thơ lớn của Đại Việt. Hơn hết ông là nhà quân sự đã lãnh đạo nhân dân đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của giặc Mông-Cổ vào Đại Việt năm 1258, mở đầu cho sự sụp đổ của Đế quốc Mông Cổ trên toàn thế giới. Ông là nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà quân sự, nhà Phật học, nhà thơ, nhà văn, trên hết ông là anh hùng dân tộc. Dưới thời của ông "Quốc gia vô sự, nhân dân yên vui”.Trần Thái Tông mất tháng 5 năm 1277, thọ 59 tuổi tại điện Vạn Thọ, Thăng Long, mai táng ở Chiêu Lăng, phủ Long Hưng, Đại Việt, truy phong thụy hiệu Thần Văn Thánh vũ Nguyên Hiếu Hoàng Đế.

  Lê Văn Hưu ngừng lại, uống một ly trà và nói tiếp:

  -Các con của Trần Thái Tông cũng là những anh hùng tuấn kiệt. Trần Tịnh (mất năm 1233), Trần Thánh Tông (Trần Hoảng), Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn  Vương Trần Nhật Duật, Vũ Uy Vương Trần Duy, Bình Nguyên Vương Trần Nhật Vĩnh, Minh Hiến Vương Trần Quốc Uất, Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang, Thái Đường Công chúa, Thiều Dương công chúa, Thụy Bảo Công Chúa, An Tư Công chúa. Các hoàng tử của Trần Thái Tông, trừ Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đầu hàng giặc, còn lại đều là những tướng lĩnh góp phần to lớn vào những cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông xâm lược trong các năm 1285 và 1287-1288.

 - Thưa thầy, còn những người liên quan tác động đến cuộc chuyển giao vương triều như Linh Từ Quốc mẫu, Trần Thủ Độ, Trần Thừa và Trần Liễu?

-Thuận Trinh hoàng Thái hậu Trần Thị Dung, sau khi Lý Huệ Tông qua đời năm 1226, được gọi là Thiên Cực công chúa. Sau đó bà trở thành phu nhân của Thượng Phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Bà qua đời tháng giêng năm Kỷ Mùi (1259), Thụy hiệu là Linh Từ Quốc Mẫu, an táng tại đền Ngừ, Hưng Hà, Thái Bình.

  -Trần Thủ Độ, con Trần Thủ Huy, em Trần Lý, có vai trò quan trọng trong chuyển giao quyền lực Lý sang Trần. Ở triều  Trần, ông giữ chức Thượng phụ Thái sư, quyền nghiêng cả nước. Trần Thủ Độ mất ngày 22-2-1264, thọ 70 tuổi (1194-1264), thụy hiệu Trung Vũ Đại Vương.

  -Trần Thừa, thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần, coi như Trần Thái Tổ, mất ngày 17 tháng 2 năm 1234, thọ 50 tuổi (1184-1234), được truy phong Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế

  -Anh Trần Thái Tông là Trần Liễu, con cả của Trần Thừa. Trần Liễu sinh năm 1211 tại phủ đệ Tinh Cương, phủ Long Hưng (Hưng Hà, Thái Bình). Năm 1228 được phong Thái úy lúc 17 tuổi, năm 1234 là Phụ chính. Năm 1237 nổi loạn chống lại Trần Thủ Độ vì phu nhân là Thuận Thiên công chúa bị đưa về làm hoàng hậu cho Trần Thái Tông. Nhưng cuộc nổi loạn thất bại. Trần Liễu mất năm 1251, thọ 40 tuổi, được truy phong Khâm Minh Đại Vương. Công lao to lớn nhất của Trần Liễu là sinh ra và đào tạo Trần Quốc Tuấn, tức là Hưng Đạo Đại Vương, người đã lãnh đạo triều đình Trần và nhân dân Đại Việt đánh bại hai lần xâm lược to lớn hung bạo của đế quốc Nguyên-Mông, bảo vệ được độc lập dân tộc, mở đầu sự sụp đổ cho đế quốc Nguyên-Mông trên khắp thế giới. Trần Hưng Đạo là anh hùng dân tộc, là danh nhân quân sự của Đại Việt.

  Chu Văn An bê cốc trà nóng vừa nhâm nhi vừa suy nghĩ, ưu tư, cuối cùng nói:

-Đa tạ thầy đã giúp con hiểu rõ ràng vấn đề. Những người lựa chọn và thúc đẩy chuyển giao vương triều đã trở thành những nhân vật lịch sử. Họ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, giao đất nước và tay những vị hoàng đế, một triều đại mới, phát triển hơn để có sức mạnh, đưa dân tộc đến hưng thịnh mọi mặt, chuẩn bị vượt qua được những cơn bão táp bên ngoài đang tràn vào, đánh bại chúng để tồn tại và phát triển.

  Lê Văn Hưu cũng vừa uống trà vừa nói:

-Đúng như tiên sinh nói, lão phu cũng chưa giải mã hết những bí ẩn của lịch sử vừa là ngẫu nhiên của con người, vừa là tất nhiên của định mệnh, của luật trời.

  Hai người vừa uống trà vừa nhìn ra ngoài sân. Nắng rải loang lổ như những hạt kim cương lấp lánh, gió thổi xạc xào. Không gian Kinh thành như có muôn vạn linh hồn của các anh hùng hào kiệt đang về tụ hội, mừng thời kỳ thịnh trị của Đại Việt dưới Vương Triều Trần.

(Còn nữa)

CVL