Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 41)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên

Kỳ 41.

III

Trưa một ngày mùa hè năm 1795, nắng rải như thiêu đốt xuống miền Trung. Trên con đường thiên lý, có hai võ tướng Tây Sơn đang phi ngựa từ Bắc vào Nam. Khi tới bờ Bắc sông Linh Giang, hai người xuống ngựa, nhìn dòng sông đang ào ạt đưa nước ra biển. Trời trong xanh, nắng chói chang, vài đám mây trôi lang thang vô định, nhìn ra thì đó là hai võ tướng nhà Tây Sơn, Đại đô đốc Võ Văn Dũng, người cao lớn, mặt uy nghi quắc thước, người kia là Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu thấp bé hơn một chút nhưng dáng vẻ khôi ngô lẫm liệt. Võ Văn Dũng rút bình nước bằng da trâu ra uống một hơi và đưa cho Bùi Hữu Hiếu:

-Đệ uống đi rồi ta vào Ba Đồn tìm Trần Văn Kỷ, vừa là để nghỉ ngơi, vừa là để tìm hiểu thêm xem tình hình triều đình thế nào mà quân sư bạc nhất của vua Quang Trung xưa lại bị quyền thần Bùi Đắc Tuyên cách hết chức vụ đày ra đây.

chvo-van-dung-1649773912.jpgTượng Đại tư đồ Võ Văn Dũng trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định). Nguồn: Internet.

 

Hai người dắt ngựa đi bộ vào Ba Đồn, đồn trại của quân Tây Sơn ở bờ Bắc sông Linh Giang. Hai người gặp vài người lính ngoài doanh trại. Võ Văn Dũng hỏi một người:

-Chào các hạ, cho hỏi thăm, có biết đại nhân Trần Văn Kỷ mới từ Phú Xuân ra đây ở đâu không?

-Dạ, chào hai tướng quân, tiểu nhân biết, xin đi theo.

Người lính đi trước dẫn đường, qua cổng gác, qua tường thành, qua trại quân rồi đi vào một căn phòng phía sau thành. Người lính gõ cửa, cửa mở, Trần Văn Kỷ hiện ra. Người lính nói:

-Bẩm đại nhân, có hai tướng quân tìm gặp ngài.

Trần Văn Kỷ đi ra, nhận ra Võ Văn Dũng và Bùi Hữu Hiếu, Trần Văn Kỷ reo lên mừng rỡ:

-Cơn gió lành nào đưa hai tướng quân tới đây thế này? Hân hạnh, hân hạnh.

Võ Văn Dũng và Bùi Hữu Hiếu nhìn Trần Văn Kỷ  thấy có vẻ tiều tụy trong bộ quân phục màu nâu lính tráng. Hai người chào:

-Xin kính chào quân sư. Quân sư vẫn khỏe chứ?

-Đa tạ hai tướng quân, tại hạ vẫn khỏe, vẫn khỏe. Thôi xuống nhà bếp chúng ta ăn cơm trưa rồi hãy về phòng, cũng đã đến bữa rồi.

Hai người theo chân Trần Văn Kỷ xuống nhà ăn của lính, các bàn ăn toàn lính tráng. Trần Văn Kỷ chọn một bàn  ở góc khuất rồi mời Võ Văn Dũng và Bùi Hữu Hiếu ngồi. Trần Văn Kỷ gọi người hầu bàn:

-Hôm nay ta có khách, cho thêm hai suất cơm, hai con gà, ba chai rượu. Nhanh lên.

-Dạ.

Ăn xong Trần văn Kỷ cầm thêm ba chai rượu, hai bình nước rồi dẫn Võ Văn Dũng và Bùi Hữu Hiếu về phòng. Hoàng hôn đang xuống và đêm đến dần. Ba người đóng cửa ngồi quanh một chiếc bàn gỗ xám mốc, ngọn đèn dầu lạc leo lét sáng. Trần Văn Kỷ rót rượu ra ly và nói:

-Xin chúc mừng cuộc hội ngộ không hẹn trước.

Ba người cạn chén xong, Trần Văn Kỷ lại rót rượu ra và hỏi:

-Theo chỗ tại hạ biết, hai tướng quân đang ở Thăng Long cai trị Bắc Hà, sao lại về đây?

Võ Văn Dũng nâng chén rượu uống cạn và đáp:

-Hoàng thượng, nói đúng hơn là quyền thần Bùi Đắc Tuyên hạ chỉ đưa người của Tuyên là Ngô Văn Sở ra thay ta và Đại Đô Đốc Bùi Hữu Hiếu. Sau khi bàn giao xong, ta và Bùi tướng quân xuất phát từ hôm qua. Trước khi đi Ngô Văn Sở có nói quân sư đang bị lưu đày ở đây mới biết mà ghé vào thăm. Sao quân sư lại bị Thái sư đối xử như vậy?

Trần Văn Kỷ thởi dài:

-Từ khi hoàng thượng Quang Trung qua đời, các huynh ở xa không rõ. Hoàng đế Cảnh Thịnh còn quá nhỏ, thích chơi bời. Cậu hoàng đế là Bùi Đắc Tuyên chỉ là một thị lang nhỏ nhoi nhưng lại là em ruột của Thái hậu Bùi Thị Nhạn. Vì vậy, dù Bùi Đắc Tuyên ít học vấn, không công lao vẫn được gia phong chức Thái sư đứng đầu triều đình, nắm toàn bộ quyền lực, được tự do ra vào cung cấm, thậm chí được ngủ trong cung với hoàng thượng, từ đó nẩy sinh chuyên quyền. Quan lại ai theo thì được thăng quan tiến chức, ai không theo thì hãm hại hoặc đuổi về quê, hoặc bị lưu đày đi xa. Bùi Đắc Tuyên ngày càng lộng hành. Ví như Võ Văn Cao, người phủ Phú Yên, chức Quốc Tử giám trực giảng, được vua Quang Trung thăng Thái tử Trung doãn, tính tình cương trực không chịu nổi hành vi của Bùi Đắc Tuyên, nhân chuyến về quê chịu tang mẹ, không về triều nữa, có làm nhiều thơ gọi Bùi Đắc Tuyên là gian thần. Khi Võ Văn Cao chết, Bùi Đắc Tuyên cho là chết giả, đòi phá quan tài để xem xét. Trần Quang Diệu can mãi mới thôi. Lại một chuyện Trần Long Vĩ, người Hoài Ân, Thị lang bộ lễ, có làm một bài thơ nôm, Bùi Đắc Tuyên cho là có ý châm biếm mình, tìm cách cách chức. Đinh Sĩ An là danh sĩ, thi đậu khoa Minh kinh được vào Nội các hàn lâm viện đãi chiếu, thường qua lại với Trần Long Vĩ, Bùi Đắc Tuyên ghét đuổi về nhà.

Trần Văn Kỷ ngừng lại rót rượu, ba người lại cạn ly, cúi đầu thở dài. Trần Văn Kỷ nói:

-Các huynh chắc biết tướng Lê Văn Hưng, được xếp vào hàng Thất hổ tướng Tây Sơn. Sau khi thắng trận ở Phú Yên, giao thành cho Nguyễn Quang Huy rồi đem quân về Phú Xuân.  Bùi Đắc Tuyên vốn không ưa Lê Văn Hưng, bắt tội là không có chiếu của vua mà về là làm phản, tâu xin vua chém đầu. Hoàng thượng Cảnh Thịnh cũng nghe theo. Đại tư mã Ngô Văn Sở can không được, tại hạ là quan Phụ chính can cũng không được. Bùi Đắc Tuyên còn đày tại hạ ra đây.

Ba người lại uống tiếp. Trần Văn Kỷ nói:

-Một trong những tai họa lớn nhất của một triều đình là họa ngoại thích, họa quyền thần. Nay nhà Tây Sơn ta vua còn nhỏ, quyền thần tác oai tác quái, giết hại tướng lĩnh và đại thần, bên ngoài thì giặc Gia Định đánh phá. Nguyễn Phúc Ánh đã lấy được Gia Định, Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên và đánh Quy Nhơn. Bùi Đắc Tuyên sai Phạm Công Hưng vào cứu. Cứu xong, Hưng tuân lệnh của Bùi Đắc Tuyên, chiếm luôn Quy Nhơn, của cải quân lương vàng bạc của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc, buộc Tây Sơn Vương và gia quyến phải về Phù Ly. Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc vốn đau ốm đã lâu, uất ức kêu Hoàng đế Quang Trung ba tiếng và hộc máu mồm mà chết. Nguyễn Bảo bị đưa về Phù Ly và bị giết chết. Trần Hoàng hậu phải đem ba con nhỏ về quê gần mộ Nguyễn Nhạc cho tiện hương khói, sống cuộc đời thôn dã khổ cực. Cứ như vậy Tây Sơn ta nguy rồi. Chúng ta chưa chết về tay Nguyễn Phúc Ánh nhưng sẽ chết trước vì tay Bùi Đắc Tuyên là chắc. Chúng ta chắc chết không có đất mà chôn rồi.

Ba người lại uống. Võ Văn Dũng đập bàn, Bùi Hữu Hiếu ngậm ngùi. Trần Văn Kỷ nói:

-Nay hai tướng quân về Phú Xuân lành ít dữ nhiều, nên tìm cách diệt trừ quyền thần trước hết để cứu bản thân. Các tướng quân đã từng xông pha đánh Nam dẹp Bắc, lật đổ Nguyễn-Trịnh tồn tại 200 năm, chỉ một ngày đập tan 3 vạn quân Xiêm La, chỉ 5 ngày đánh tan tác 30 vạn quân Mãn Thanh, chỉ vài đứa sống sót tơi tả chạy về Trung Hoa khiến Càn Long còn rùng mình khiếp sợ, nay không khéo lại chết bởi tay một gã vô học, không một chút công trạng gì, lại hẹp hòi, ích kỷ, tàn bạo, tham lam, chỉ cậy vào thế tỉ là Bùi hoàng hậu và cháu là hoàng thượng mà không kiêng sợ gì. Diệt trừ Bùi Đắc Tuyên còn là cứu xã tắc giang sơn của nhà Tây Sơn, cứu lý tưởng ban đầu của nhà Tây Sơn đang sụp đổ.

Ba người lại uống. Võ Văn Dũng nói:

-Đại trượng phu tung hoành ngang dọc, lẽ nào lại chịu như vậy ru? Mạt tướng xin nghe lời quan Phụ chính, vì xã tắc giang sơn mà diệt trừ quyền thần gian ác, trừ hại cho dân. Ngày mai xin cáo biệt, quan Phụ chính bảo trọng để có ngày về lại Phú Xuân giúp cho triều đình, xã tắc.

Trần Văn Kỷ nói:

-Tại hạ đợi tin tốt lành từ các tướng quân. Xin cáo biệt, các tướng quân bảo trọng.

  Sớm hôm sau, Trần Văn Kỷ từ biệt Võ Văn Dũng và Bùi Hữu Hiếu bên bờ sông Linh Giang. Trần Văn Kỷ nhìn hai người trên con đò mịt mù sóng nước khuất dần về phương Nam, lòng bỗng nhiên bùi ngùi lo lắng…

(Còn nữa)

CVL