Vĩnh Phúc: Khu du lịch Tam Đảo là khu du lịch Quốc gia - "Điểm hẹn chân mây”

Tối 29/4, tại Khu Du lịch Quốc gia Tam Đảo, thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận khu du lịch Quốc gia Tam Đảo và chương trình Du lịch hè Vĩnh Phúc năm 2022 với chủ đề “ Vĩnh Phúc - Điểm hẹn chân mây”.

Tới dự có các đồng chí: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

du-lich-vinh-phuc3-1651246052.jpgĐại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận Khu Du lịch Quốc gia Tam Đảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - Vũ Việt Văn (ảnh dưới) nêu rõ: Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Tam Đảo đã thể hiện sự trân trọng và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực và thành công bước đầu của ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước và quốc tế biết nhiều hơn về các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên và danh thắng độc đáo của khu du lịch Tam Đảo và là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc như du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng, du lịch thể thao golf và du lịch mạo hiểm khám phá Vườn quốc gia Tam Đảo... cũng như thu hút đầu tư  phát triển vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

https://vanhoavaphattrien.vn/du-lich-vinh-phuc2-1651246051.jpg
 

Để thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế này trong thời gian tới, Chủ tịch UBND  Lê Duy Thành đề nghị các sở, ban ngành và chính quyền địa phương tích cực triển khai cụ thể hóa các nội dung trong quy hoạch. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch, bảo đảm các tiêu chí du lịch quốc gia đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước, để từng bước đưa Tam Đảo trở thành một trọng điểm du lịch của quốc gia nói chung và của vùng Đông Bắc nói riêng.

Tỉnh tập trung khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên để tạo nên sự khác biệt, đặc trưng góp phần tạo dựng thương hiệu khu du lịch quốc gia Tam Đảo. Chú trọng khai thác các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và các giá trị sinh thái vườn quốc gia Tam Đảo, để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh với các vùng miền trong cả nước. Tăng cường quảng bá, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa của người Vĩnh Phúc. Đồng thời, quan tâm bảo vệ các giá trị di tích lịch sử quốc gia, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là địa danh thứ 7 trong cả nước được công nhận là khu du lịch Quốc gia, sánh vai cùng với khu du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng; Sa Pa, tỉnh Lào Cai; Núi Sam, tỉnh An Giang; Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh; Mũi Né, tỉnh Bình Thuận và Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

55256cb6-358b-459a-b998-75fbcf8975c8-1651228361.jpegNhân dịp này, Khách sạn VENUS Tam Đảo thuộc Công ty Cổ phần Lạc Hồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận là khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao

Vĩnh Phúc có hệ thống 1.303 di tích, di chỉ, đình, đền, chùa, miếu cùng với sự phong phú của các lễ hội truyền thống, sự muôn hình muôn vẻ của truyền thuyết, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, hò vè, văn hóa ẩm thực và không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan. Đặc biệt, năm 2009, Vĩnh Phúc lần đầu tiên có mặt trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, được UNESCO vinh danh là Ca trù và Kéo co; di tích danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo, kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tháp gốm men chùa Trò công nhận là bảo vật quốc gia, nghi lễ rước nước thờ thần linh thiêng tại đền Ngự Dội, hát Soọng cô, trống quân Đức Bác tình tứ, giao duyên được ghi danh văn hóa phi vật thể quốc gia...  

Cùng với đó là những chính sách được ban hành phù hợp, kịp thời của tỉnh và sự thân thiện, hiếu khách, nồng hậu của người dân Vĩnh Phúc, trong những năm qua ngành du lịch Vĩnh Phúc đã có những những bước phát triển đột phá, nhiều công ty lữ hành đã chọn các khu nghỉ dưỡng như Flamingo Đại Lải Resort, Sông Hồng Resort và Khu Nghỉ dưỡng DIC Star Vĩnh Phúc làm tour nghỉ dưỡng cuối tuần. Khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 15%/năm, năm 2019 khách tham quan du lịch đạt trên 6.2 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt trên 1.920 tỷ đồng. Trong hai năm 2020 và 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch bệnh COVID-19, nhưng lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc vẫn được duy trì ở mức cao so với các tỉnh, thành phía Bắc. Du lịch đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân và nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc.