Vĩnh Phúc: Những đóng góp của Ngọc Thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)

Sau đây là tham luận " Những đóng góp của Ngọc Thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)"  tại Hội thảo "Di tích chiến khu Ngọc Thanh, bảo tồn và phát huy giá trị"  do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức ngày 25/11/2021.

chien-khu-ngoc-thanh-1638748700.JPGẢnh tư liệu

 

Xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc có truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng nước ta, truyền thống ấy được phát huy một cách mạnh mẽ, góp phần đưa Ngọc Thanh vượt qua những khó khăn trên các chặng đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh mà vinh quang để giải phóng quê hương, đất nước, xây dựng, hội nhập và phát triển.

Ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về sự hình thành và thay đổi địa danh làng xã của nước ta, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực hiện chủ trương của Chính phủ bãi bỏ cấp tổng và sáp nhập các xã nhỏ thành các xã lớn; ngày 15-02 1946, xã Ngọc Thanh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã nhỏ là Thanh Cao, Thanh Lộc và Ngọc Quang. Nằm ở cuối dãy núi Tam Đảo, phía Bắc của thành phố Phúc Yên ngày nay, giáp tỉnh Thái Nguyên. Rừng núi rậm rạp, hiểm trở, thuận lợi cho việc thiết lập kho tàng, trú quân. Từ Ngọc Thanh có những con đường tiếp nối với các vùng: Sang Thái Nguyên bằng đường chiến lược của đèo Nhe, đèo Khế, hoặc bằng đường mòn qua đèo Bụt, đèo Con Voi; sang vùng Tam Đảo - Vĩnh Yên bằng đường kháng chiến qua khe núi Quân Bong. Tại đây, bộ đội có thể tập kết, chuyển quân đi đánh địch ở vùng Bình Xuyên - Vĩnh Yên - Lập Thạch, vùng phía Nam Phúc Yên và Tây Nam tỉnh Phú Thọ. Từ Ngọc Thanh, ta tiến lui 4 phía đều thuận lợi. Quân ta có thể tiến về những vùng đồi núi thấp, đồng bằng trống trải để đánh địch rồi lại rút về trú ẩn trong rừng núi Ngọc Thanh. Nếu địch tấn công Ngọc Thanh, ta sẽ rút sang Thái Nguyên hoặc di chuyển về dãy núi Tam Đảo trùng điệp để bảo toàn lực lượng.

Với đặc điểm địa lý, địa hình đa dạng, Ngọc Thanh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, lợi hại. Lợi cho ta là hoạt động an toàn, thuận lợi. Hại cho địch là rất khó tiến công, lấn chiếm. Vì vậy, thời kỳ tiền khởi nghĩa, năm 1941, Trung ương Đảng đã chọn Ngọc Thanh làm địa bàn xây dựng an toàn khu chính thức. Nhiệm vụ chủ yếu của An toàn khu là bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng (Ban Thường vụ Trung ương) và bảo vệ các cơ quan Trung ương của Đảng như cơ quan in ân, cơ quan báo chí; đảm bảo thông tin liên lạc giữa Trung ương và các Đảng bộ thông suốt, đưa đón cán bộ an toàn; đảm nhiệm việc chuyển thuốc men, quần áo, vũ khí ra Chiến khu Việt Bắc... Trong những năm 1942-1943, An toàn khu Ngọc Thanh là nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt thường xuyên qua lại, ăn ở trong các gia đình cơ sở cách mạng. Cũng tại nơi đây, cơ quan in ấn Trung ương, Báo Cờ giải phóng - Cơ quan Trung ương của Đảng, Báo Kèn gọi lính, Báo Quân giải phóng - Cơ quan của Việt Nam Giải phóng quân và nhiều tài liệu của Đảng, của Mặt trận Việt Minh đã được in ấn, phát hành. Không chỉ có các đồng chí Thường vụ Trung ương mà một số đồng chí cán bộ của Đảng vượt ngục ra cũng được đưa về An toàn khu Phúc Yên nghỉ dưỡng sức chờ Đảng phân công công tác”2 như đồng chí Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng...

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, với dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Nam Bộ. Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” và ngày 22-12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”. Theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân cả nước ta trong đó có nhân dân Ngọc Thanh nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng và tự lực cánh sinh quyết giữ vững nền độc lập.

Đường lối kháng chiến của Đảng đã chỉ rõ: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Để đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Đảng chủ trương xây dựng, chuẩn bị mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là xây dựng các chiến khu an toàn, căn cứ địa cách mạng, tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến trường kỳ, trải qua 3 giai đoạn: Phòng ngự, cầm cự và tổng phản công.

Vốn là nơi có truyền thống cách mạng, là cơ cở mạnh từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, lại có vị trí chiến lược quan trọng là điểm liên lạc thiết yếu trên con đường giao liên kháng chiến Hà Nội - Phúc Yên - Thái Nguyên - Cao Bằng - Bắc Kạn. Một lần nữa, Ngọc Thanh được Trung ương và Tỉnh ủy Phúc Yên (cũ) chọn làm Chiến khu I trong Liên khu Việt Bắc”, một an toàn khu tin cậy của kháng chiến.

Sở dĩ được gọi là chiến khu Ngọc Thanh vì những căn cứ địa chính, các cơ đầu não chiến khu, của Trung ương và tỉnh Phúc Yên (trước khi sáp nhập) quan đều đóng ở địa bàn này như: Kho bạc Nhà nước, Trạm Quân y dược, Kho Quân lương, Xưởng Quân giới, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và Ủy ban hành chính kháng chiến các xã: Sơn Lôi, Bá Hiến, Tam Canh (thị trấn Hương Canh ngày nay) của huyện Bình Xuyên; Phúc Thắng, Cao Minh của huyện Kim Anh (thuộc thành phố Phúc Yên ngày nay); cùng nhiều đơn vị bộ đội như: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Trung đoàn 2, Trung đoàn 46 và Đại đội Hoàng Văn Thụ, Đại đội Trần Quốc Tuấn thuộc Tỉnh đội Phúc Yên và một số đội du kích các xã lân cận. Có thể nói, Chiến khu Ngọc Thanh không những là vọng gác tiền tiêu của Liên chiến khu Việt Bắc mà còn là một trạm trung chuyển, đường giao liên có tính chất huyết mạch giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc - nơi đặt Trung ương kháng chiến với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, căn cứ địa Ngọc Thanh là một chiến khu khá điển hình, được xây dựng toàn diện, phát triển về mọi mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đóng góp không nhỏ sức người sức của cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.

Ngày 10-5-1947, Huyện ủy Kim Anh quyết định thành lập Chi bộ xã Ngọc Thanh, đánh dấu bước phát triển mới của cuộc kháng chiến. Sau khi thành lập, Chi bộ đã đề ra chủ trương: Ra sức xây dựng và củng cố chính quyền về mọi mặt, tích cực vận động người dân lao động sản xuất, nâng cao đời sống và đóng góp cho Nhà nước để chuẩn bị kháng chiến. Trên cơ sở đó, bộ máy chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở Ngọc Thanh từng bước được củng cố, xây dựng: Tháng 4-1949, Nhân dân Ngọc Thanh đã tiến hành bầu 21 đại biểu Hội đồng nhân dân xã và tháng 7-1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính xã được thành lập; đồng thời, Mặt trận Liên Việt và các tổ chức phụ nữ, phụ lão, thanh niên có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, tạo sức mạnh đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân để xây dựng chiến khu an toàn, vững mạnh và đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để cải thiện đời sống và bồi dưỡng sức dân, chi bộ và chính quyền xã Ngọc Thanh đã lấy toàn bộ số ruộng công, ruộng của đình, chùa chia cho những người không có ruộng hoặc thiếu ruộng, những gia đình di cư từ nơi khác đến; tịch thu ruộng của địa chủ Đỗ Đình Đạo chia cho dân nghèo; mặt khác vận động, giải thích, giáo dục các điền chủ thực hiện sắc lệnh giảm tô 25% theo quy định của Chính phủ. Người nông dân Ngọc Thanh từ chỗ đóng 250kg thóc/mẫu, nay chỉ còn 50kg thóc/mẫu, tạo nên không khí phấn khởi, hăng say lao động, tích cực tăng gia sản xuất của người dân trong chiến khu, cơ bản đảm bảo được nhu cầu lương thực. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Ủy ban kháng chiến hành chính, Ban Tản cư của xã được thành lập cùng quân và dân Chiến khu Ngọc Thanh đã giúp đỡ đồng bào mới đến tản cư nhanh chóng định cư, ổn định đời sống và bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng khối đoàn kết toàn dân; vận động tầng lớp hào phú, chức dịch theo kháng chiến; đối với bọn phản động, ngoan cố thì quản thúc ở trại đèo Bụt nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chiến khu. Hưởng ứng phong trào đóng góp, ủng hộ kháng chiến, nhân dân Ngọc Thanh đã mua hơn 20 công trái quốc gia và công phiếu kháng chiến; thu gom và bán cho Nhà nước hàng chục tấn lương thực, các hộ trong Chiến khu đều có “Lọ gạo kháng chiến”...

Nhân dân Ngọc Thanh còn đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống mới trong Chiến khu như xóa bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay; giữ gìn vệ sinh nơi ăn, ở, thôn xóm; xây dựng mạng lưới y tế, vận động người dân chữa bệnh bằng thuốc; mỗi xóm có 1 đến 2 thông tin viên để kịp thời thông tin, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tình hình hoạt động của chiến khu đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Xác định là An toàn khu của Trung ương, Chi bộ và Chính quyền Ngọc Thanh đã chỉ đạo xây dựng “Làng kháng chiến” ở thôn Ngọc Quang và thôn Thanh Cao. Các thôn đều đào hào xung quanh, có lối thoát ra đồng hoặc vào núi. Mỗi thôn có một chòi gác để phát hiện địch từ xa và báo động cho nhân dân. Cả xã tổ chức thành một hệ thống liên hoàn, sẵn sàng đánh địch từ tất cả mọi hướng. Đồng thời, lực lượng tự vệ chiến đấu để bảo vệ an toàn khu được thành lập. Mỗi thôn có một trung đội dân quân, cả xã có một đại đội. Đầu năm 1948, Ngọc Thanh thành lập một trung đội du kích. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, canh gác ở các trạm gác của địa phương, lực lượng dân quân, du kích còn có nhiệm vụ canh gác Kho bạc Nhà nước và một số kho vật chất, kho vũ khí của Trung ương, của tỉnh ở thôn Thanh Lộc. Đây cũng là lực lượng chủ lực trong các hoạt động phục kích, đánh úp nhiều toán lính của địch khi đi tuần. Qua thực tiễn rèn luyện, chiến đấu, năm nào Ngọc Thanh cũng có con em tham gia bộ đội, riêng năm 1948 có 6 thanh niên lên đường nhập ngũ.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Phá hoại để kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6-02-1947, quân và dân Ngọc Thanh đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Tiêu thổ kháng chiến”. Với mục đích không cho địch tấn công vào căn cứ địa của tỉnh và vùng chiến khu của Trung ương, nhân dân Ngọc Thanh phối hợp với dân quân, du kích địa phương phá tuyến đường từ Phúc Yên qua Ngọc Thanh sang Thái Nguyên, đánh sạt những đoạn đường hiểm yếu, phá bỏ những cầu tre bắc qua suối, chặt hạ cây, tạo chướng ngại vật trên đường. Ngoài ra, các cầu, cống, đào đường khu vực Đại Lải, chân núi Thằn Lằn, xẻ từng đoạn đường giữa các xóm của thôn Thanh Cao... Công tác tiêu thổ kháng chiến của quân và dân Ngọc Thanh đã góp phần quan trọng làm chậm bước tiến của địch và tạo cơ hội thuận lợi để bộ đội chủ lực của ta đánh bại các chiến dịch mở rộng, càn quét, tấn công của thực dân Pháp.

Với ý chí quyết tâm “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”24, nhân dân Ngọc Thanh vừa tập trung xây dựng, củng cố chính quyền, vừa tích cực đẩy mạnh phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, tạo ra thế và lực mới. Đây là điều kiện tiên quyết, là sức mạnh để Ngọc Thanh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu, là hậu cứ, là trạm giao liên quan trọng của cuộc kháng chiến. Nhân dân Ngọc Thanh đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn chiến khu cách mạng, từng bước tiến lên giải phóng quê hương.

Ngày 15-9-1949, thực dân Pháp dùng 2 trung đoàn bộ binh kết hợp với lực lượng các bốt Cây Xây, Phúc Yên, Khả Do mở cuộc tấn công đánh chiếm xã Ngọc Thanh với khoảng 1.000 tên do viên sĩ quan người Pháp chỉ huy. Trước tình hình đó, quân và dân Ngọc Thanh đã vận động người dân di chuyển sâu vào khu Thanh Lộc và sang Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, tạo thế trận “vườn không nhà trống”; đồng thời bố trí chông mìn, các trận địa mai phục để đánh lùi nhiều cuộc càn quét, đánh phá của địch. Ngày 15-12-1950, Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Trần Hưng Đạo (Chiến dịch Trung du) với địa bàn trọng điểm trên đất Vĩnh Phúc. Trong đó, quân và dân Ngọc Thanh được giao nhiệm vụ phải gấp rút đưa cán bộ, đảng viên và lực lượng du kích về bám sát địa phương; vận động nhân dân chuẩn bị lực lượng, lương thực, thực phẩm và các phương tiện cần thiết khác, sẵn sàng phục vụ và chiến đấu đánh địch khi thời cơ đến.

Chiến dịch Trần Hưng Đạo diễn ra từ ngày 25-12-1950 đến ngày 17-01 1951, quân và dân Ngọc Thanh đã phối hợp tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần tiêu diệt 2 binh đoàn Âu-Phi tinh nhuệ và đập tan hàng chục vị trí kiên cố của địch. Trong đó, trận đánh núi Thằn Lằn - một vị trí rất kiên cố với lô cốt, hầm ngầm và hệ thống đường hào dây thép gai, nằm trên điểm cao 170m dốc ngược, các phía đều trống trải; ở đây, thực dân Pháp có 2 trung đội Âu Phi cùng đại đội bộ binh nằm trong tuyến phòng thủ Vĩnh Yên - Phúc Yên của Quan năm Phrat. Quân và dân Ngọc Thanh đã phối hợp với du kích xã Cao Minh nhiều đêm tổ chức quấy rối đồn Thằn Lằn, làm cho địch căng thẳng, bất an; tham gia tuyên truyền, giải tán các ban tề ở các thôn. Khi bộ đội chủ lực tiến đánh, du kích Ngọc Thanh đã phân chia một bộ phận dẫn đường, bộ phận còn lại cùng bộ đội chặn đánh địch từ bốt Hữu Bằng (huyện Bình Xuyên), tử Phúc Yên đến ứng cứu. Đồng thời, nhân dân Ngọc Thanh đã làm hàng trăm chiếc thang vượt rào, sọt đựng đá làm bia đỡ đạn và cáng thương để chuyển bộ đội bị thương ra khỏi chiến trận; huy động 40 dân công tổ chức vận chuyển đạn, cáng bộ đội bị thương, nấu cơm phục vụ chiến dịch...

Sau Chiến dịch Trần Hưng Đạo, thực dân Pháp đã tăng cường càn quét, cho cả máy bay bắn phá với âm mưu bằng mọi giá phải chiếm được Ngọc Thanh. Phát huy thắng lợi, quân và dân Ngọc Thanh đã phối hợp tổ chức nhiều trận đánh lớn nhỏ”, giữ vững cửa ngõ phía Bắc vùng tự do Thái Nguyên. Mặt khác, nhân dân Chiến khu Ngọc Thanh đã tích cực sản xuất, khai khẩn đất hoang, đóng góp cho Nhà nước; tham gia hàng nghìn ngày công phục vụ các Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Điện Biên Phủ... Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, Ngọc Thanh đã chiến đấu 58 trận lớn nhỏ6, tiêu diệt 27 tên địch (có 01 quan hai và 02 quan tư của Pháp), bắt sống 11 tên, cắt và phá hủy 8.500m dây điện thoại, gỡ 678 quả mìn, thu nhiều chiến lợi phẩm khác.

Dù kháng chiến gian khổ, hy sinh nhưng quân và dân Ngọc Thanh đã kiên cường bám đất, bám dân, đánh bại nhiều cuộc cán quét, tấn công của thực dân Pháp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các cơ quan của Trung ương, của tỉnh Phúc Yên (cũ) và các huyện, xã tản cư, sơ tán về. Ngọc Thanh còn là nơi xuất phát, tập kích của bộ đội chủ lực mở nhiều cuộc tấn công vào hệ thống đồn, bốt của địch nằm sâu trong vùng tạm chiếm, góp phần bảo vệ an toàn cho vùng tự do Thái Nguyên và tô thắm thêm những chiến công vẻ vang của lịch sử dân tộc. Ghi nhận những đóng góp cho cuộc kháng chiến, xã Ngọc Thanh vinh dư được tặng thưởng 23 Huân chương, 21 Huy chương và 13 Bằng khen; đặc biệt, năm 2003, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Ngọc Thanh”.

Chiến tranh đã dần lùi xa vào quá khứ, những đóng góp hy sinh của quân, dân Ngọc Thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sẽ mãi mãi được hậu thế ghi nhận và biết ơn. Mỗi người dân Ngọc Thanh, nhất là thế hệ trẻ hôm nay càng thêm tự hào về những trang sử hào hùng, vinh quang của dân tộc, của quê hương trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong đó, những địa danh lịch sử như núi Thằn Lằn, đình Thanh Lộc, rừng Móc Son, khu vực nhà cụ Lý Thị Hai, khe núi Đá Đen, thung lũng Đá Bia, đèo Khế, đèo Nhe... gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Nhân dân ta. Với những chứng tích đó, ngày 23-12-1995, Chiến khu Ngọc Thanh được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia đã mở ra những hướng đi mới cho Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Thanh trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.