Công an tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thí điểm mô hình nêu trên nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng cảnh sát giao thông từ tỉnh đến cơ sở khi thực thi nhiệm vụ, giải quyết công việc, tiếp xúc với nhân dân.
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh và Đội cảnh sát giao thông các huyện, thành phố sẽ thực hiện mô hình điểm với các việc làm cụ thể: Trong giao tiếp, ứng xử phải thực hiện “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ). Khi thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc quy chế, điều lệnh công an nhân dân, quy trình công tác; tôn trọng, lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ và phục vụ nhân dân. Thực hiện mô hình, cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông không được vi phạm các quy định về đạo đức, nếp sống văn hóa; không vi phạm các nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa.
Ban Chỉ đạo mô hình điểm “Cảnh sát giao thông Vĩnh Phúc thân thiện, vì nhân dân phục vụ” đã phát động phong trào thi đua và tổ chức ký giao ước với các đơn vị thực hiện với 6 nhiệm vụ “3 xây, 3 chống”: Xây dựng tinh thần trách nhiệm, xây dựng đạo đức trong sáng, xây dựng quan hệ với quần chúng nhân dân đúng mực; chống tiêu cực, chống sách nhiễu nhân dân, chống vô kỷ luật, vi phạm quy chế, quy trình công tác, lối sống…
Lực lượng cảnh sát giao thông đã chủ động bám tuyến, bám đường, không quản ngày đêm, nghỉ lễ để điều tiết, bảo đảm giao thông thông suốt, hỗ trợ người dân đi lại an toàn. Từ việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hưởng ứng các phong trào thi đua, trong lực lượng cảnh sát giao thông đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu cho tinh thần vì nhân dân phục vụ.