Nhưng cũng vừa đến lúc hồi trống xếp hàng bắt đầu . Chúng tôi bổ nháo bổ nhào chạy xuống sân trường khẩn trương vào đúng vị trí của lớp mình và mau chóng chỉnh tề trong hàng ngũ . Tuy vậy , trên tay mỗi đứa vẫn còn cầm tờ báo đang đọc dở , thành ra khó mà tránh khỏi sự cám dỗ , nên chúng tôi lại tranh thủ giở báo đọc trộm trong lúc chờ đợi . Nhưng , đúng là , giá như cô giáo tôi không phát báo cho học sinh vào giờ này thì đâu có chuyện ? Báo thì có nhiều nội dung , nhiều thể loại khá hấp dẫn như : chuyện cổ tích , chuyện dân gian , tin người tốt , gương tốt , Toán học vui , câu đố vui .v.v… Tranh ảnh trong báo thì rất đẹp không xem không thể chịu được . Vậy là , chỉ tại tờ báo mà làm cho đội ngũ lớp tôi hóa ra chệch choạc . Cô giáo đã lớn tiếng nhắc nhở , nhưng hình như không đạt yêu cầu . Cuối cùng , cô đã lia mắt nhằm vào tôi và đi đến tận nơi giật phắt tờ báo trong tay tôi , với thái độ rất nóng nảy dữ dằn bắt tôi đứng ra khỏi hàng : “ Anh này , ra khỏi chỗ cho tôi ! ”. Thế là tôi không may rồi ! Tôi bị cô phạt để răn đe mọi người ư ? Vì rằng tại sao mọi người vẫn còn đang đọc báo kia kìa , mà cô không bắt phạt . Còn tôi đã nghe lời cô , dừng đọc rồi và đang cầm tờ báo trên tay thì lại bị cô phạt ? Chắc cô bị nhầm ? Thậm chí cô không cho tôi được giải thích , còn bắt tôi đứng lại ở sân không cho lên lớp mà không có một lời hẹn sẽ hết phạt tôi vào vào lúc nào nữa ?
Khi sân trường chỉ còn một mình , tôi vô cùng buồn khổ và cảm thấy phải chịu đựng một nỗi nhục nhã ê chề … Tôi đã khóc vì không thể chịu được nỗi khổ này … Cả trường đang giờ học , còn tôi rất lo bị lỡ bài mà không biết làm thế nào ?
Và tôi cứ đứng như trời trồng , lơ láo nhìn vô định giữa sân trường , mong muốn được vào lớp cũng là vì mặt trời đã lên cao hơn , nắng nóng đã rọi xuống đầu làm tôi vã mồ hôi trán . Tôi mỏi chân , khát nước , cảm thấy cô đơn , sợ hãi và khóc thầm kêu : Trời ơi ! Mẹ ơi !...
Tôi kêu trời , kêu mẹ là do phản xạ tự nhiên khi bị bất lực , khi không biết tìm được lối thoát cho mình chứ tôi đâu có mong muốn mẹ đến để chứng kiến cảnh tôi bị hành hạ như thế này ? Thật sự là tôi đang bị hành hạ chứ không nói ngoa . vì hồi đó tôi còn là một đứa trẻ . Tôi nghĩ mà thương cho thân tôi biết chừng nào !... Nhưng cánh cửa phụ của cổng trường bỗng kẹt một tiếng do bác bảo vệ mở cho một người nào đó vào trường có việc gì . Bất giác , tôi nhìn về phía đó và nhận ra mẹ tôi lật đật bước qua cổng vội vã đi vào sân . Tôi chỉ còn biết cúi mặt để tránh mẹ mình . Nhưng làm sao có thể tránh được vì mẹ đã nhận ra tôi ngay rồi và đi thẳng đến chỗ tôi hỏi nhỏ : “ Con bị phạt à ? Thôi nín đi đừng khóc , tan học về kể lại cho mẹ nghe sau vậy . Bây giờ mẹ phải lên gặp cô con để đóng tiền học đã . ”. Nói rồi mẹ đi rất nhanh lên lớp tôi trên tầng hai . Dáng mẹ trông thật phiền não tội nghiệp làm sao ! Còn tôi rất lo mẹ và cô giáo có thể sẽ nói gì về tôi ! Nhưng , sau đó , độ chừng mẹ tôi lên đến nơi , tôi được một bạn chạy vội xuống sân nói là cô giáo cho tôi vào lớp . Tan học về , mẹ đã kể cho tôi biết là mẹ chỉ gặp cô giáo để nộp tiền học rồi về ngay , mẹ vờ không biết con mình còn đang bị phạt dưới sân . Nhưng lúc mẹ xuống thì tôi đã theo bạn lên lớp rồi . May sao mẹ vô tình đến trường , nếu không thì tôi còn bị bỏ quên ngoài trời nắng đến tận bao giờ không biết nữa!
Tôi buồn chuyện mình bị phạt mãi . Lại rất tiếc vì tự nhiên bị cô tịch thu mất tờ báo tôi còn chưa đọc ra đầu ra cuối làm sao !
Ngay chiều hôm ấy , mẹ tôi đã đạp xe lên nhà bưu điện Cửa Nam cách nhà tôi 3 cây số để mua bù cho tôi đúng cái số báo mà tôi bị mất ấy . Cho đến bây giờ , chắc cô giáo không bao giờ có thể biết rằng cô vẫn chưa trả lại cho tôi cái tờ báo mà cô đã tịch thu ? Vì tôi và mẹ tôi vẫn giữ kín chuyện đó chẳng bao giờ muốn nói !... Nhưng , khi mọi người biết đến chuyện này , thì cũng là lúc con gái tôi đã lên 4 tuổi . Nó là cháu nội của mẹ tôi . Chỉ còn 2 năm nữa con tôi sẽ học tiểu học , và sau đó 3 năm nữa nó sẽ lên lớp 4 . Cái con số 4 này làm cho tôi nhớ lại nỗi bất công mà năm học ấy tôi tự nhiên phải chịu đựng . Còn cô giáo cũ của tôi thì , chắc lúc đó đã về hưu … ./.
Hà Nội 8/11/1017.
Đ.T.T
Theo Chuyện làng quê