Workshop: “Guitar hiện đại:  Kế thừa hay soán ngôi?”

Tối ngày 29/11/2021, Workshop: “Guitar hiện đại:  Kế thừa hay soán ngôi?” đã được diễn ra và phát sóng trực tiếp trên Fanpage của chương trình. Sự kiện quy tụ hai nghệ sĩ guitar hàng đầu của nền guitar đương đại: Nguyễn Văn Phúc – TS âm nhạc, giảng viên chuyên ngành guitar tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nghệ sĩ guitar hiện đại Nguyễn Duy Phong. Cùng khả năng dẫn dắt, trò chuyện khéo léo, dí dỏm của Tiến sĩ Trịnh Lê Anh với vai trò là Host.

ghi-tsa-hien-dai-1638349388.pngKhách mời tham dự Workshop: Nghệ sĩ Nguyễn Duy Phong, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh (từ trái qua phải)

 

Những năm gần đây, đàn guitar là một loại nhạc cụ được nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm học và chơi nhiều. Không chỉ bởi guitar có một lịch sử lâu đời mà còn vì thứ âm thanh vừa trầm tư da diết nhưng cũng không kém phần quyến rũ, gợi mở đã thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, các bạn trẻ chơi guitar ngày nay có nhiều sự sáng tạo trong kỹ thuật chơi và cách biểu diễn hơn so với Guitar cổ điển, tiêu biểu là phong cách đệm hát và fingerstyle. Vậy sự phát triển của guitar hiện đại đang kế thừa hay soán ngôi guitar cổ điển? Hai vấn đề này đã được các khách mời chia sẻ cởi mở trong Workshop: “Guitar hiện đại: Kế thừa hay soán ngôi?”, được tổ chức bởi OHT - nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 

Mở đầu cuộc trò chuyện, tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc và nghệ sĩ Nguyễn Duy Phong đã đưa một khái niệm chung nhất cho guitar cổ điển và hiện đại. Theo Tiến sĩ Phúc: Guitar cổ điển là guitar chơi những tác phẩm từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XXI theo phong cách cổ điển. Tức là người nghệ sĩ sẽ chơi trên guitar hình số 8, đánh bằng dây nilong, tay phải sử dụng móng tay gẩy và tay trái bấm không có móng. Để lý giải sự khác nhau lớn nhất giữa guitar cổ điển và hiện đại, nghệ sĩ Nguyễn Duy Phong cho biết: Đàn guitar cổ điển sử dụng dây nilong, còn hiện đại lại sử dụng dây kim loại. Dây khác nhau sẽ tạo ra âm thanh khác nhau.

Mặc dù guitar hiện đại “sinh sau đẻ muộn” hơn so với guitar cổ điển nhưng chính vì vậy mà nó đã được kế thừa nhiều từ guitar cổ điển. Từ kĩ năng, lối chơi, chất liệu đàn, và đặc biệt là những kĩ thuật đánh đàn của cổ điển từ nhiều thế kỉ mà guitar hiện đại đã tiếp thu và phát triển thành những thủ pháp thể hiện âm nhạc mới của mình. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc: “Cái hay nhất của guitar kể cả cổ điển hay hiện đại là có một phần của cây đàn được dựa ngay vào trái tim của người nghệ sĩ. Điều đó làm cho âm thanh của cây đàn hay và truyền cảm hơn”.

ghi-ta-hien-dai1-1638349388.pngTiến sĩ Nguyễn Văn Phúc cùng phần trình diễn mở đầu chương trình

Trước thực trạng Guitar hiện đại với các phong cách chơi đệm hát, Fingerstyle,.. nhận được sự quan tâm, phổ biến và yêu thích đối với các bạn trẻ nhiều hơn guitar cổ điển, nghệ sĩ Nguyễn Duy Phong đã đưa ra 3 lý do chính. Thứ nhất, cây đàn để chơi hiện đại có giá cả hợp lý, chỉ cần bỏ ra từ 3-5 triệu đã có thể sở hữu một cây đàn guitar acoustic chơi được. Trong khi đó, đàn guitar cổ điển mất nhiều chi phí hơn. Mặt khác, môi trường biểu diễn của guitar cổ điển đòi hỏi sự trang trọng, lịch sự. Còn guitar hiện đại ta có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, ngay ngoài đường phố cũng bắt gặp rất nhiều bạn trẻ chơi guitar. Cuối cùng, sự bổ trợ của giọng hát cũng là nguyên nhân giúp guitar hiện đại được yêu thích hơn.

 

ghi-ta-co-dien2-1638349493.jpgNghệ sĩ guitar Nguyễn Duy Phong

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần phải đánh giá mức độ phổ biến của guitar hiện đại và guitar cổ điển trên hai phương diện không chuyên hay chuyên nghiệp. Guitar hiện đại sẽ phổ biến rộng rãi với những bạn trẻ chơi guitar không chuyên. Còn đối với những nghệ sĩ chuyên nghiệp họ học và chơi guitar cổ điển rất nhiều. “Vì thế, guitar hiện đại có thể sẽ lên ngôi, chứ không thể soán ngôi được. Bởi lẽ, có thể guitar cổ điển bị hạn chế nhiều ở sự tiếp cận với khán giả hơn so với guitar hiện đại, đó là ưu thế của guitar hiện đại, tuy nhiên, chính ưu thế đó cũng giúp thu hút sự quan tâm cho guitar nói chung, và trong đó có cổ điển” – anh Phúc chia sẻ.

Chiêm nghiệm về điều này, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh bộc bạch: “Tai nghe nhạc của mỗi người khác nhau nhưng sự lựa chọn của đám đông ảnh hưởng lớn đến người chơi nhạc. Sự lựa chọn của đám đông đôi khi không đánh giá được thế là kém, là sang hay không sang, là chuyên nghiệp hay kém chuyên nghiệp, là biết chơi biết nghe hay không biết nghe. Cuộc sống đang dạy cho chúng ta nhiều bài học về việc sự lựa chọn của đám đông là sự lựa chọn của thời đại và cái gì tồn tại thì nó hợp lý và cái gì hợp lý thì nó mới tồn tại”.

Cuộc trò chuyện giữa ba vị khách mời kết thúc với ý niệm cuối cùng: Thay vì nghĩ rằng cổ điển hay hiện đại, cái nào soán ngôi cái nào, thì hãy nghĩ rằng guitar đang có cách để lan rộng trong đời sống xã hội. “Ngôi vương” của mỗi một thể loại âm nhạc nói chung hay mỗi một cách chơi guitar mà chúng ta đã nói tới nói riêng có chăng cũng đơn giản chỉ là nằm ở cách cảm nhận trong mỗi tâm hồn riêng. Để nuôi dưỡng tình yêu guitar một cách thực chứng và duy lý hơn thay vì chỉ cảm xúc, có lý để đưa nó thành một thứ tồn tại.

ghi-ta-co-dien-1638349388.pngTiến sĩ Trịnh Lê Anh tìm hiểu về đàn guitar cổ điển