Xây dựng Nông thôn mới Hà Nội: Thành tựu và những vấn đề đặt ra

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 5 tháng 8 năm 2008), đăng trên mạng xã hội Đời sống và phát triển.

Những thành tựu vượt bậc

Mới đây, trong tháng 9 năm 2019 tại Hà Nội, gần 1.000 đại biểu tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng, đại diện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Mười năm qua, với ý chí, quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ nhân dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng nông thôn mới) và Chương trình số 02 Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển nông nghiệp, xây dưng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” đã được triển khai sâu rộng, đạt được kết quả toàn diện, về đích nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Cụ thể, Thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 1 thị xã, và 17 huyện) và 584 đơn vị hành chính cấp xã (386 xã, 177 phường, 21 thị trấn). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố Hà Nội đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020); có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khen thưởng các cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Chương trình 02 trên địa bàn huyện Đông Anh

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (13 triệu đồng/người/năm). Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 58 triệu đồng, Gia Lâm 48,9 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Quốc Oai 0,46%; Gia Lâm 0,56%; Hoài Đức 0,92%; Thanh Trì 0,99%. 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tổng kinh phí đầu tư cho nông thôn mới toàn Thành phố đến ngày 30/6/2019 là 76.462.948 triệu đồng.

 

Người dân xã Vân Canh, huyện Hoài Đức chăm sóc quất cảnh bán tết.

Hà Nội đang phấn đấu đến hết năm 2020 có từ 10 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, các xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 60 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1%...

Những vấn đề thực tiễn đặt ra

Thứ nhất, việc triển khai xây dựng nông thôn mới đang được thực hiện dựa trên Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, phải làm gì để khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phải giữ được bản sắc của nông thôn truyền thống? Phải làm như thế nào để vùng nông thôn phát triển hài hòa và bền vững?

Thứ hai, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên cấp bách. Tình trạng rác thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý còn phổ biến, làm cho không ít địa phương đang bị ô nhiễm, nhất là những vùng có làng nghề. Vậy, giải pháp nào để vùng nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp? Bên cạnh đó, môi trường xã hội ở nông thôn cũng cần phải được chú trọng quan tâm, nhất là vấn đề gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết trong các gia đình, dòng tộc...

Thứ ba, hiện nay sau đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương sẽ phải làm gì để hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu? Để hướng đến là xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, vấn đề gì là cốt lõi? Việc đạt xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phải chăng là đưa ra các tiêu chí, chỉ tiêu định lượng cao hơn hẳn so với chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, tiêu chí huyện nông thôn mới, hay là còn hướng nào khác để phản ánh tốt hơn (như: tập trung vào việc nâng cao sự hưởng thụ của người dân về đời sống văn hóa, tinh thần, về an ninh trật tự và chất lượng các dịch vụ xã hội...)?

Thứ tư, thực trạng hiện nay cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới đối với các địa phương dân tộc, miềm núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt và sống rải rác. Vậy, đối với những vùng này, song song với xây dựng nông thôn mới cấp xã, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nào cho phù hợp với thực tiễn địa phương?

Trong năm 2020, Thành phố Hà Nội cần tiếp tục nâng cao và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở những xã đạt chuẩn NTM, từng bước nâng cấp thành xã NTM kiểu mẫu, bền vững.

 Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín

Quyết Tuấn